Đà Nẵng cuối tuần

Cửa sổ ở lại

13:53, 21/02/2021 (GMT+7)

Thế hệ chúng tôi lớn lên khi cửa sổ làm bằng gỗ đã dần được thay thế bằng chất liệu kim khí, nhưng thực sự vẫn thấy cửa sổ gỗ có hồn nhất. Chắc hẳn từ đâu đó thăm thẳm trong tim, ai cũng có một ô cửa sổ của riêng mình. Từ thuở ấu thơ, niên thiếu đến khi trưởng thành, già yếu rồi về cùng cát bụi, có khung trời nào bình dị, trong lành bằng cửa sổ. Không biết rồi sau mỗi khi rời khung trời kỷ niệm ấy con người sẽ đi về đâu, nhưng chắc chắn ô cửa sổ vẫn là một địa chỉ tin cậy mà người ta tha thiết nhớ về.

Ô cửa sổ vẫn là một địa chỉ tin cậy mà người ta tha thiết nhớ về. Ảnh: XUÂN SƠN
Ô cửa sổ vẫn là một địa chỉ tin cậy mà người ta tha thiết nhớ về. Ảnh: XUÂN SƠN

Mỗi khi nghĩ về cửa sổ, trí nhớ lại đầy ăm ắp như chưa từng bị cũ đi. Vẫn những câu chuyện và mặt người nhìn nhau qua ô cửa sổ, tựa như khi ta mở mắt tỉnh dậy, người vẫn ở lại, trọn vẹn và yên tâm. Mấy mái nhà cạnh nhau thường liên lạc qua ô cửa sổ như gửi chìa khóa khi vắng nhà, biếu nhau một món ăn, nói một câu chuyện, hoặc bên này có người đi xa lâu ngày trở về, bên kia nghe thấy tiếng rồi mở cánh cửa gỗ gửi lời chào hỏi thăm. Hai bên cánh cửa không trang trí hoa văn chi hết, ở đó khắc ngày tháng năm sinh của mấy đứa con, ngày cha xuất ngũ, dưới chấn song là cơi đựng trầu của bà nội.

Mùa hạ, mẹ cài dây võng mắc qua một chấn song ru em ngủ. Câu hát ru trong chất giọng thô mộc của mẹ lẫn tiếng võng đưa kẽo kẹt mách bảo một trưa hè nóng nực nhưng bình yên. Tôi vẫn nhớ mùa hè năm ấy, lá na xao xác bên song, hoa đương đâm nụ vào mùa cho quả, khi có cơn gió chạy qua, cả bóng cây rộng lớn đổ rợp khung cửa, mang theo những chiếc lá khô rớt vào nhà. Có những ngày vào vụ, mẹ phải khóa cửa nhốt mấy chị em trong nhà tự chơi với nhau vì không có ai trông. Mẹ đi cấy từ khi mặt trời chưa mọc. Đôi cánh tay vịn vào cửa sổ để ngóng mẹ về. Thế giới mở ra từ ô cửa sổ ngày ấy có cả sân giếng và vườn rau nhưng trong lòng chỉ hướng về mùi áo mẹ.

Tôi thích nhìn những người đàn bà qua ô cửa sổ. Mấy mùa sương muối buốt giá thấu tim, vậy mà những người phụ nữ làng tôi vẫn ra đồng từ rất sớm. Thức dậy vì tiếng kêu của con nghé đạp cửa, tôi nhổm người dậy, mắt mũi còn chưa rạng, tóc tai rối bù nhưng chợt tỉnh vì màu xanh lá mạ non đập vào mắt. Qua ô cửa cũ kỹ mối mọt, hình ảnh những gánh mạ theo chân người ra đồng vẫn là tiếng gọi bí nhiệm cho sự trở về của những đứa con xa quê. Đặc biệt là vành nón cũ và tiếng rao muối đầu năm mới hắt qua song để vọng vào nhà chính. Chủ nhà chạy ra kêu, gánh muối dừng lại, đon đả đơm lon muối trắng tinh cho người thắp hương cầu may năm mới. Đôi mắt ngơ ngác nhìn qua ô cửa sổ, và mất rất nhiều năm mới hiểu được một phần, thì ra sự cảm nhận qua những chấn song trong tò mò im lặng về gánh muối ngày ấy là xác tín cho sự chân thật của đời sống hương thôn mà nay đã có dấu hiệu vãn thời.

Trong khi cửa chính và cửa lách được sử dụng như những lối ra vào thuần túy thì cửa sổ điềm nhiên đi vào văn chương nghệ thuật. Khi chất liệu hiện đại soán ngôi chất liệu cổ điển thì những ô cửa sổ bằng gỗ lại trở thành gia bảo trong những khuôn hình tối sáng của hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh, thời trang... Nó mở ra thế giới có thực, gần gũi, cảm giác có thể ôm ấp được. Nó lui về hậu trường khi chất liệu kim loại lên ngôi nhưng kỳ thực lại tạo ra một đế chế khác trong thị hiếu của con người: xu hướng hoài cổ.

Bây giờ đứng nhìn những ngôi nhà bạc màu gió sương, tận cùng ký ức được cứu vớt lại từ chính vẻ trầm mặc của màu gỗ cũ nơi song cửa. Lòng người chỉ muốn sở hữu vẻ tĩnh yên mộc mạc ấy làm của riêng, cất đi cho một mùa lành.

NGUYÊN HƯƠNG

.