Cùng bình an đi qua đại dịch Covid-19

.

Những ngày này, quãng giao mùa chuẩn bị đón chào năm mới, những cuộc trò chuyện với bạn bè chỉ xoay quanh một đề tài duy nhất: Chừng nào về quê?! Mỗi đứa làm việc mỗi nơi, Tết là dịp duy nhất trong năm đủ đầy cả nhóm để gặp gỡ, ôn chuyện ấu thơ.

Những ngày này, cuốc điện thoại nào mẹ cha cũng lặp đi lặp lại: Ráng về sớm nghen con! Dẫu đã biết giờ giấc chuẩn xác, mẹ cha vẫn y nguyên lời dặn dò, như thói quen hôm nào mẹ cũng vài ba bận ngó tờ lịch, cha cứ vào trông ra ngóng nơi hiên nhà.

Giai điệu nhạc xuân đang vang lên rộn ràng khắp phố phường. Nhưng những ca khúc mới năm nay hầu hết đều đong đầy nỗi mong ngóng sum vầy thay vì đa dạng tâm tư như những năm trước. Ước vọng trở về nhà dịp Tết Nguyên đán sau một năm bôn ba luôn là chủ đề chạm đến tận cùng trái tim người nghe bởi lột tả chân thực xúc cảm yêu và thương trong mỗi người.

Mùa xuân này, các ca khúc xoay quanh chủ đề ấy lại càng được đón nhận nồng nhiệt hơn bởi niềm mong chờ về nhà còn gói ghém thêm nhiều ưu tư và đắn đo khác, khi đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng nhiều mặt của đời sống xã hội.

Dịch bệnh khiến đường về nhà càng thêm xa xôi, cách trở. Cũng vì vậy, những chuyến xe nghĩa tình hỗ trợ sinh viên và công nhân, người có hoàn cảnh về quê đón Tết càng thêm ý nghĩa. Với một năm 2020 nhiều biến động vì đại dịch, sự sum vầy là món quà quý giá, nhen lên niềm tin và kỳ vọng. Cũng vì lẽ đó, những chuyến xe không chỉ chở miền nhớ đằng đẵng mà còn chở cả ước mơ về một mùa xuân mới an bình, hạnh phúc.

Bao đời nay, đoàn viên đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống trong từng nếp nhà của người Việt Nam. Dù đi bao xa, dù đang làm gì, mỗi người đều cố gắng sắp xếp để về quê dịp Tết Nguyên đán. Con cái trở về trong vòng tay ấm áp chở che của mẹ cha, nơi có mâm cơm nhà đậm đà vị quê hương. Cha mẹ trở về vui vầy bên nụ cười ngây thơ của con trẻ, nơi muộn phiền nhường chỗ cho phút giây an yên.

Thế nhưng, dẫu nhiều nuối tiếc, không ít người đã quyết định ăn Tết xa quê để giữ sự bình yên cho quê nhà, bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và cả người khác, tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Họ đã lựa chọn trách nhiệm cộng đồng thay vì niềm vui cá nhân.

Cũng nêu cao tinh thần “vì mọi người”, lực lượng y tế Đà Nẵng luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường chi viện dù Tết đang cận kề. Họ đã lựa chọn hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung. Thế mới thấy, những ai may mắn sum họp gia đình thì càng phải thêm trân trọng những giây phút ấy.

Có thể nói, ý nghĩa của từ “sum vầy” không còn bó hẹp trong vòng tròn tình thân. Sum vầy giờ đây là câu chuyện của tập thể, là niềm hân hoan của cả nước. Sum vầy không nhất thiết phải kề cận trong một không gian, mà là niềm vui giản dị khi người mình thương khỏe mạnh, bình an.

Sum vầy, nghĩa là mỗi người dân cùng sát cánh tuyến đầu chống dịch, tự biết bảo vệ mình, chấp hành pháp luật, thực hiện các quy định của chính quyền trong phòng, chống dịch. Sum vầy, nghĩa là cùng nhau, chung tay cùng đất nước sớm vượt qua thử thách Covid-19 đang diễn biến khó lường...

Chúng ta sẽ có rất nhiều lần sum vầy nếu chúng ta bình an đi qua đại dịch Covid-19. Nhưng chỉ một chút chủ quan, lơ là, thiếu cẩn trọng trong thực hiện 5K của Bộ Y tế (khử khuẩn, khẩu trang, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế), chúng ta không chỉ tự mình dập tắt niềm vui sum vầy của bản thân, mà còn tước đoạt hạnh phúc đoàn viên của nhiều gia đình khác.

Cũng như lời bài hát “Đi về nhà” của Đen Vâu và JustaTee: “Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát, vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta”, đường về nhà luôn ở trong tim mỗi người, và nhà thì mãi ở đó; thế nên, dẫu nôn nao sum vầy, mỗi người cần cân nhắc và đầy cẩn trọng.

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.