Đà Nẵng cuối tuần

GÌN GIỮ NÉT XƯA

Khi con trâu cùng làm... du lịch

13:47, 21/02/2021 (GMT+7)

Hơn chục năm về trước, nhiều nông dân ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) chưa hình dung đến ngày con trâu, cái cày, cây lúa… có thể “bước chân” vào địa hạt du lịch. Chỉ đến khi “mục sở thị” hàng ngàn du khách nước ngoài hào hứng cưỡi trâu, cày bừa, gieo sạ... trên chính mảnh ruộng thân thuộc, họ mới… vỡ lẽ ra: Rứa là mấy con trâu cũng có thể làm du lịch, khỏe rồi!

“Dạy trâu từ thuở còn non”

Những ngày đầu năm 2021, có đoàn khách trẻ lặn lội từ Đà Nẵng vào Hội An tìm anh Trần Văn Khoa, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Jack Tran Tours Hội An - người tiên phong mở tour du lịch cưỡi trâu ở phố Hội để được… trải nghiệm làm mục đồng trên lưng trâu. Dưới sự hướng dẫn của anh Khoa và người quản trâu, chỉ vài phút làm quen, du khách đã có thể ngồi yên trên lưng con trâu to lớn. Với nụ cười của du khách, những con trâu vẻ ngoài thô kệch lại trở nên hiền hòa đến lạ. “Nhìn vậy chứ không phải con trâu nào cũng có thể phục vụ du lịch”, anh Khoa nói. Để lý giải rõ hơn, người quản trâu - ông Lê Nhiên (phường Cẩm Châu, thành phố Hội An) cho biết: “Nông dân Hội An “tuyển lựa” và “dạy” trâu làm du lịch từ thuở chúng còn là con nghé loắt choắt trên đồng. Trước tiên, trâu phải hiền và khỏe để chở khách. Lựa trâu theo quan niệm “xoáy đầu thì bán, xoáy trán thì nuôi, xoáy đuôi thì xẻ thịt”, cũng như “mua trâu chọn nái, cua gái chọn dòng…” vậy đó”.

Theo ông Nhiên, con trâu hiền, tốt, phải có cái chùm xoáy lông trên thân, đặc biệt ở vùng trán giữa 2 sừng, tai trâu nằm sát sừng, 2 cái gót chân sau của trâu cũng không nên chụm vào nhau. Mắt con trâu nào vằn đỏ thì con đó cũng không được chở khách bởi mắt đỏ là dấu hiệu của trâu dữ, có thể gây tổn thương cho khách trong quá trình chở. Điều đặc biệt nữa trong quá trình “luyện” trâu là phải “nịnh, dỗ” để trâu nghe lời, rồi cho trâu ngửi mùi mỹ phẩm, mùi quần áo để thích nghi với mùi của du khách. “Trâu kỵ các mùi mỹ phẩm, nước hoa, kem chống nắng và cả mùi cơ thể của nhiều khách nước ngoài. Nó có thể phản ứng gây hại cho khách khi cưỡi nên phải “luyện” kỹ cho quen mùi”, anh Khoa cho biết.

Theo kinh nghiệm của nông dân phố Hội, trâu chở khách được chọn là những con trâu đực khỏe mạnh. Con trâu được ăn lúa non để khỏe hơn, có thể bắt đầu “công tác” từ… tuổi lên 3 đến chừng hơn 20 năm thì “về hưu” để “lớp nghé con kế cận” làm nhiệm vụ. Trong suốt quãng thời gian ấy, con trâu làm du lịch cùng người dân nhưng không được phép “bỏ bê” việc đồng áng, cày bừa thường ngày, bởi như lời ông Nhiên nói: “Phải cho trâu làm ruộng nhiều để nó quen với công việc và giữ nguyên bản năng chăm chỉ, chứ chăm chút quá, nó lười biếng thì hỏng, không làm du lịch được mà làm nông cũng không xong”.

Du khách tập làm nông dân

Gia đình ông Nhiên là 1 trong 3 hộ nông dân kết nối lâu năm với Công ty Jack Tran Tours trong việc tổ chức các hoạt động du lịch đồng quê như: cưỡi trâu, xem trình diễn cấy lúa, trải nghiệm nghề nông… ở Hội An. Ngoài ra, còn hơn 20 hộ “vệ tinh” hợp tác để anh có thể “huy động”. Các tour ấy được anh Khoa mở từ năm 2010 với mong muốn giúp du khách nước ngoài có những trải nghiệm chân thực, sống động nhất về làng quê, văn hóa Việt qua những hình ảnh con trâu, cánh đồng lúa… “Qua tìm hiểu của tôi, du khách- đặc biệt là khách nước ngoài - có sự thích thú đặc biệt với những điều giản dị, bình yên của làng quê xứ mình. Thiết nghĩ, hoạt động du lịch như vậy sẽ giúp bà con nông dân có thêm thu nhập bên cạnh việc đồng áng. Con trâu, mảnh ruộng từ bao đời vốn gắn liền với nghiệp nông giờ đây sẽ “bước ra” như một sản phẩm du lịch độc đáo”, anh Khoa chia sẻ.

Du khách nước ngoài trải nghiệm cưỡi trâu thăm đồng tại Hội An. (Ảnh chụp trước thời điểm Covid-19 bùng phát). Ảnh: J.T
Du khách nước ngoài trải nghiệm cưỡi trâu thăm đồng tại Hội An. (Ảnh chụp trước thời điểm Covid-19 bùng phát). Ảnh: J.T

Một tour trải nghiệm như thế kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Theo đó, du khách có dịp cày, bừa, cấy, gieo sạ… như nông dân thực thụ. Họ tập làm nông trên chính mảnh ruộng của người nông dân phố Hội. Mỗi mảnh ruộng rộng chừng 2 sào, được anh Khoa thuê lại từ những nông dân tham gia kết nối làm du lịch với mức 12 triệu đồng/năm, kèm theo đó là thỏa thuận trả lương hằng tháng cho bà con.
Hơn chục năm trước, chàng thanh niên Trần Văn Khoa đã đi thuyết phục từng nông dân có trâu, có ruộng tham gia tour. “Ban đầu, bà con ngại lắm. Ai cũng nghĩ dễ gì khách nước ngoài lại ưa thích mấy cái “chân lấm tay bùn” ở xứ quê mình, liệu tour có ổn? Nhưng dần dần tôi cũng thuyết phục được bà con tham gia và đến năm 2021 thì tour đã tồn tại hơn chục năm rồi”.

Sau hơn chục năm vận hành, tour cưỡi trâu của anh Khoa kết nối với bà con nông dân thu hút 2.000-3.000 khách/năm, đa số là khách gia đình, khách đoàn từ nước ngoài. Mỗi lượt có thể phục vụ 50 khách với giá vé 1,3 triệu đồng/khách gồm cả ăn trưa và nghỉ ngơi ở nhà dân.

Nhìn đàn trâu hơn 20 con được tắm rửa sạch sẽ đang thong dong gặm cỏ trên đồng cỏ trống gần biển Cửa Đại, ông Lê Nhiên hào hứng khoe: “Tháng cao điểm và đặc biệt trước khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thu nhập của chúng tôi có thể lên đến 20 triệu/tháng tính cả tiền “tips” của du khách. Từ ngày làm du lịch, kinh tế gia đình khá hơn, nhà 3 đứa con ăn học ổn định và đứa con lớn của tôi cũng theo nghề tổ chức tour cưỡi trâu. Khi xảy ra Covid-19, hoạt động du lịch bị ngắt quãng nhưng gia đình tôi vẫn không quá khó khăn nhờ thu nhập tích lũy được trong chục năm làm du lịch với trâu”.

Nốt trầm nhưng không buồn

Trải qua năm 2020 ảnh hưởng Covid-19 và mưa bão, Hội An trong những ngày đầu năm mới 2021 lại thấp thỏm vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ tháng 3 năm ngoái, hoạt động du lịch ở Hội An bị ngắt quãng. Những đoàn khách nước ngoài vắng bóng ở phố Hội, khách đến Hội An bấy giờ đều từ các công ty lữ hành trong nước, khách nội địa. Vắng khách, những con trâu giờ lại theo chân người nông dân ra đồng cày sâu cuốc bẫm, chờ đợi một ngày du lịch khởi sắc sau dịch.

“Chúng tôi vẫn hỗ trợ, chia sẻ với nông dân tham gia làm tour trong khả năng của công ty. Coi như mình tạm nghỉ ngơi sau hơn 10 năm làm việc. Bà con vẫn làm nông trong tâm thế sẵn sàng làm tour trở lại khi dịch bệnh đã được kiểm soát”, anh Khoa nói. Để thích nghi với tình hình mới, những tour cưỡi trâu do anh Khoa tổ chức đã được rút gọn thời gian và hoạt động nhưng vẫn bảo đảm phục vụ du khách trải nghiệm. Anh khoe: “Mới đây có đoàn khách đặt tour đi xe trâu tham quan ruộng đồng. Thời gian tour được rút gọn 45 phút với giá vé 500.000 đồng/người”.

Ngày giáp Tết Tân Sửu, trên website du lịch hàng đầu Tripadvisor.com.vn có những đánh giá tốt của du khách về tour cưỡi trâu ở Hội An và hẹn ngày trở lại.

"Con trâu là tài sản quý, ở đây mình ví nó như chiếc xe BMW vậy, giá trị và mạnh mẽ. Cạnh đó, nó không chỉ là hình ảnh thân thương của làng quê, của văn hóa truyền thống mà còn thể hiện sự nhẫn nại, kiên cường đi qua khó khăn của người Việt Nam, đặc biệt càng ý nghĩ hơn trong năm mới Tân Sửu này”

Anh Trần Văn Khoa, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Jack Tran Tours Hội An

XUÂN SƠN

.