Gọi tên miền nhớ

.

Tết với tôi không phải là mùng 1 hay mùng 2. Tết bắt đầu từ khoảng thời gian được về nhà, độ 26, 27 tháng Chạp, khi công việc của năm cũ đã “gói ghém” xong xuôi, những phiền muộn, những nỗi niềm với bạn bè, đồng nghiệp cũng được giãi bày sau buổi tất niên ấm cúng. Lòng nhẹ tênh và tràn đầy yêu thương, hướng trọn về một mùa xuân tươi đẹp phía trước.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khi ấy, hai ven đường về nhà đã tràn sắc xuân phơi phới, những hàng hoa xếp chật kín lối đi, người người nhộn nhịp. Cả làn gió cũng khác lắm, dịu dàng hơn, thì thầm như muốn nói những lời ngọt ngào yêu thương. Tôi mặc sức hít hà cái “mùi Tết” từ làn gió se lạnh ấy, ký ức xen lẫn thực tại về một mùa xuân rưng rức ùa về.

Gia đình tôi có thói quen cùng nhau dọn nhà đón Tết. Mỗi người mỗi việc, bố cùng anh trai tôi đảm nhiệm những công việc của đàn ông: thay hoặc lau bóng điện, sơn lại tường nhà, đổi màu cho khung cửa tươi mới hơn…

Mẹ nói năm mới mọi thứ phải sạch sẽ, tinh tươm để đón thêm một năm ấm no, sung túc và an lành. Không chỉ có mặt tiền hay những góc dễ thu hút ánh nhìn khách tới thăm, mẹ lại ưu tiên dọn gian bếp trước. Mẹ nói gian bếp là nơi quan trọng nhất của gia đình. Gian bếp sạch sẽ, ấm lửa mỗi ngày thì gia đình mới đầm ấm, sum vầy.

Mẹ nhẹ nhàng tỷ mẩn lấy từng món đồ từ trong chiếc chạn gỗ cũ kỹ ra. Có những chiếc tô, đĩa kiểu, tách trà, cả năm không động đến, bám bụi. Mẹ mang hết ra sau nhà, xối nước, kỳ cọ từng món một. Đợi trời nắng, tìm mảnh sân cao, khô ráo, mẹ mang ra hong cho khô hẳn. Trong thời gian ấy, mẹ lau chùi từng ngóc ngách nơi gian bếp. Đến chiều, mẹ lần lượt xếp từng món đồ vào.

Không hiểu sao tôi thích cảm giác những ngày giáp Tết đến vậy. Tôi nâng niu từng giây phút, sợ thời gian qua nhanh.

Việc của tôi là dọn dẹp gian phòng khách, tủ kiếng, kệ sách. Tôi thích thú công việc này dù mỗi lần làm phải mất khá nhiều thời gian. Tôi làm thật chậm để “chạm” vào từng kỷ niệm của những tháng ngày qua. Ở kệ sách, những tấm thiệp, cánh thư ép lâu ngày thành nếp, nét chữ thân thương của từng đứa bạn gợi nhớ về những kỷ niệm, giờ có đứa đã vĩnh viễn không còn gặp lại. Cả những dòng chữ nhắn gửi đầy yêu thương của bạn bè ở những thời khắc quan trọng…

Này là tấm thiệp của H., cậu bạn sáng tạo bằng cách tự vẽ bìa tập truyện đầu tay của tôi, làm thành tấm thiệp mà tôi đã cảm động đến rơi nước mắt khi chạm vào. Thời bây giờ hiện đại lắm rồi, công nghệ, máy móc làm thay tất cả, vừa nhanh vừa đẹp nên chẳng ai kỳ công dành thời gian cho nhau như vậy. Có phải như thế không mà những món quà trao tay không còn xúc cảm rưng rưng từ đáy lòng…

Này là hộp quà của T. tặng sinh nhật tôi. Hộp quà đơn sơ nhưng bên trong chứa đựng cả tấm lòng. Đó là 365 tờ giấy nhỏ, được bạn nắn nót ghi 365 câu chúc tốt lành với lời nhắn: “Mỗi ngày hãy mở ra một câu chúc nhé!”. Tôi không hình dung ra T. phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành món quà ý nghĩa đó. Mà đâu chỉ có thời gian, nếu không đủ chân thành, yêu thương, sẽ chẳng ai có thể làm điều đó.

Này là khung ảnh gia đình tôi. Tấm hình trắng đen chụp lâu lắc rồi, nhân dịp đầu năm mới. Thuở ấy chưa quen với máy hình nên mặt ai cũng căng thẳng, không thấy nổi nụ cười. Nhưng mỗi khi nhìn lại, ai cũng bật cười vì điều đó. Trong góc tủ, mảnh áo dài cưới của mối tình đầu tặng tôi vẫn nằm yên một chỗ. Ngày đó, tôi còn nhớ anh kể có người đã cản anh tặng áo cưới, như một câu “thần chú” quen thuộc mà mọi người đều hồ nghi: nói trước bước không qua, nhưng anh vẫn tặng. Màu thiên thanh mà tôi thích nhưng chưa một lần ướm lên người mà chẳng hiểu vì sao... Thôi thì cứ để chúng ngủ yên đấy, sẽ tốt hơn cho cả hai.

Này là bức ảnh chụp với L. từ hồi sinh viên. Hai đứa nắm tay nhau thân thiết, ánh mắt trong veo hồn nhiên. Tôi thừ người nghĩ ngợi, đưa bàn tay mình chạm vào tay bạn. Chúng ta từng thân nhau đến vậy cơ mà. Tôi chạm tay vào những bức thư L. gửi, bao giờ cũng mở đầu bằng câu: Bạn thân mến! Nét chữ L. nữ tính, nghiêng đều mềm mại và toàn bức thư có khi chỉ kể lại câu chuyện bạn gặp, nỗi niềm bạn trăn trở, một ước mơ bạn muốn chạm đến… Chúng ta từng có thời gian gửi gắm cho nhau những điều sâu kín nhất. Cớ sao dễ dàng lướt qua nhau, lạc mất nhau ở thời công nghệ bốn chấm này? Chẳng phải chúng ta vẫn thấy nhau hằng ngày trên mạng xã hội, nhưng không cách nào “chạm” vào nhau, tất cả xa xăm vời vợi...

Trong ngăn tủ lồng kính mà có lần tôi nói với mẹ, chẳng bao giờ con thấy một cái tủ như vậy ở chốn thành thị, mẹ đặt tấm hình hồi tôi dự thánh lễ lần đầu lúc 6 tuổi, ánh mắt trong veo hồn nhiên. Xa xa dưới hàng ghế kia là bố, anh trai và mẹ đang dõi theo tôi trong nghi thức thánh lễ. Tấm hình này tôi có chụp lại bằng điện thoại và lưu trong máy. Mỗi khi mệt mỏi, tôi lại mở ra xem. Thấy ấm lòng khi nghĩ những người thân yêu vẫn luôn ở bên cạnh, dõi theo tôi, điều đó tiếp sức cho tôi thật nhiều. Tôi áp khung hình lên má, nghe rõ mùi của hạnh phúc, của yêu thương…

Có phải mẹ muốn lưu giữ tất cả để tôi có được khoảnh khắc chạnh lòng này mỗi dịp cuối năm? Để có thể “chạm” vào những tháng ngày cũ, để thấy rằng dù bụi thời gian có làm mờ đi vật kỷ niệm thì những yêu thương vẫn thổn thức ấm nồng trong trái tim mình!

Cuối ngày, những giai điệu xuân quen thuộc vọng lại từ nhà hàng xóm, mẹ bảo tôi chỉ còn treo tờ lịch lên nữa là xong. Tôi đón khung lịch từ tay mẹ, tờ lịch ngày cuối năm rưng rưng trên ngón tay. Chỉ qua hôm nay nữa thôi, những muộn phiền sẽ ở lại cùng năm cũ. Ngày mai là một năm mới an lành và yên vui. Tôi nghĩ đến một việc nữa cần phải làm hôm nay… Tôi chạm vào điện thoại, soạn những dòng chữ từ đáy lòng rồi run run gửi tin nhắn cho L.

Khi tờ lịch được treo ngay ngắn trên tường nhà, tôi nhận được tin nhắn của L.: “Chúng ta gặp nhau đi, “lạc” nhau lâu quá rồi…”. Lòng tôi như vỡ òa những cảm xúc thân thương.

Ngoài kia, nắng cuối năm ngả sang màu nhạt, gió vờn đám lá mai xào xạc làm chú mèo cũng hào hứng nhảy quanh mảnh sân gạch tàu sạch tinh tươm. Xuân về thật rồi!

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.