Đà Nẵng cuối tuần

Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2021)

Giữ lời thề Hippocrates

11:03, 27/02/2021 (GMT+7)

Thời điểm Covid-19 bùng phát lần hai ở Việt Nam từ cuối tháng 7 đến tháng 9-2020, trong đó Đà Nẵng là tâm dịch, một bệnh viện tư nhân ở thành phố đã tình nguyện “chia lửa” với các bệnh viện công bị phong tỏa bằng việc tiếp nhận điều trị miễn trí cho gần 70 bệnh nhân và người nhà đều thuộc đối tượng F1. Lý do duy nhất, theo vị Giám đốc bệnh viện này chia sẻ: “Chúng tôi là người dân Đà Nẵng, khi thành phố khó khăn thì ai cũng phải vào cuộc thôi”; rồi ông nói rằng “chúng tôi quyết định đánh một trận cho ra trò, có nằm xuống cũng oanh liệt”.

Trong những ngày mà mọi người có dịp thể hiện lòng yêu nước bằng nhiều cách thức khác nhau, việc “chia lửa” đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh cho những người đang ở tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế trên toàn thành phố. Một bệnh viện tử tế, một đội ngũ y bác sĩ tử tế luôn tạo niềm tin vững chắc cho người bệnh cùng người nhà rằng, họ chắc chắn được thăm khám và điều trị bằng tất cả tâm sức của những người khoác áo blouse trắng.

Quá nhiều cung bậc cảm xúc trong những ngày Đà Nẵng phải căng mình chống dịch; cũng có quá nhiều câu chuyện tử tế được viết nên trong những ngày tháng không quên đó. Chỉ một lệnh điều động bất ngờ, bác sĩ, điều dưỡng ngay lập tức gói ghém đồ đạc rồi vào cách ly tại bệnh viện. Việc liên lạc với gia đình chỉ duy nhất qua chiếc điện thoại có sử dụng công nghệ. Và cũng chỉ một lệnh điều động, các bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, hay từ Hải Phòng, Bình Định có mặt ở Đà Nẵng trong “những cuộc hành quân thần tốc”. Ở vùng tâm dịch thì nguy cơ bị lây nhiễm rất cao, vậy mà khi đến Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy xác định rõ: “Chúng tôi quyết tâm hết sức cùng với các đồng nghiệp Đà Nẵng mang lại sự sống cho mỗi bệnh nhân, cố gắng làm sao hạn chế tối đa các ca tử vong để cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt”.

Rồi người dân, không ai bảo ai, hầu như tất cả đều hướng về “tiền tuyến” chỉ với mong muốn các y bác sĩ phải thật khỏe, phải giữ tinh thần thật tốt để chống dịch. Những chuyến hàng tiếp sức liên tục đổ về, gửi gắm bao yêu thương của “hậu phương” vào “tiền tuyến”. Chưa bao giờ người Đà Nẵng lại có cảm giác gắn kết với nhau đến thế, mặc cho những hàng rào được dựng lên ngăn cách về cơ học, mặc cho những con phố vắng bóng người, mặc cho bạn và tôi trước đó chẳng hề quen biết nhau… Bởi lẽ, không một ai cô độc trong cuộc chiến này, không một ai bị bỏ lại phía sau…

Đà Nẵng đã vượt qua đợt dịch thứ hai. Và nay, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai… tiếp tục ứng phó với đợt dịch thứ ba, bùng phát từ những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021. Nhiều tấm gương bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế ở các địa phương này cũng đang làm việc tận tụy, trách nhiệm, không ngại hiểm nguy, vất vả…

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 là dịp cả xã hội tôn vinh ngành y, đồng thời là dịp nghĩ nhiều về y đức. Trong đại dịch, y đức của những chiến sĩ áo trắng là những câu chuyện đẹp đến nao lòng, để thấy rằng nghề y vốn cao quý thì nay càng trở nên cao quý hơn. Các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch đang thực hiện theo đúng lời thề Hippocrates mà họ đã được học trên giảng đường, sẵn sàng hy sinh thầm lặng vì sức khỏe của cộng đồng, sẵn sàng chấp nhận rủi ro…

12 điều y đức và lời thề Hippocrates do Bộ Y tế Việt Nam ban hành năm 1996 nêu rõ: “Chăm sóc sức khỏe cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế, phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc…”. Còn nhớ, khi Bệnh viện dã chiến Hòa Vang được thành lập, Thạc sĩ - bác sĩ CKII Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Giám đốc Bệnh viện dã chiến này khẳng định: Đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện xác định không bao giờ lùi bước trong cuộc chiến chống Covid-19; mọi người động viên nhau cẩn trọng nhưng không sợ hãi… Đơn giản vì họ phải thực hiện 12 điều y đức và lời thề Hippocrates: “Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”. Giữ “lời thề blouse trắng” cũng chính là giữ y đức, thực hiện sứ mệnh cứu người thiêng liêng mà xã hội đã gửi gắm cho ngành y.

TÚ PHƯƠNG

.