Những hoài niệm ngày ấy

.

Lật giở từng tờ lịch, nhẹ nhàng đếm ngày tính tháng, mẹ nói: “Chỉ còn hơn mười ngày nữa là Tết rồi con nhỉ!”. Tôi biết, dù mẹ không nói ra, nhưng sau câu nói đó là cả chuỗi ký ức về Tết xưa từ từ hiện ra trong tâm trí mẹ - từ lúc mẹ còn là một đứa trẻ liên tục xuýt xoa với cái lạnh ngày Tết miền Bắc, túm năm tụm bảy ngồi xem bà ngoại gói bánh chưng…

Mẹ kể, ngày ấy nhà ngoại có hai gian - một gian nhà chính và một gian bếp nằm tách biệt trong cùng một khoảng sân (kiểu nhà đặc trưng của nông thôn miền Bắc ngày ấy). Gian bếp tuy đơn sơ nhưng rất ấm cúng, nổi bật trên nền đá đen cũ kỹ vì ám bụi tro là cái chạn gỗ ọp ẹp và bếp củi tí tách. Cứ mỗi chiều tối khi ánh hoàng hôn vừa tắt, gian bếp nhỏ lại rộn ràng tiếng nói cười với từng lọn khói tỏa quanh. Nồi cơm sau khi vừa chín và được xới ra bát, mẹ và các dì, cậu lại cuộn từng miếng cơm cháy dưới đáy nồi làm “bánh ống” rồi vừa ăn vừa trêu đùa, cười khúc khích. Những ngày gần Tết, dù thời tiết rất lạnh nhưng mấy anh chị em vẫn không chịu chui vào chăn ấm, cứ quây quần bên gian bếp, đứa ngâm đỗ, đứa vo gạo, đứa lau lá chuối cho bà gói bánh, đêm đến lại tranh nhau vai trò “canh gác” nồi bánh chưng cho bà. Thích nhất là mỗi lần gói bánh, bà luôn gói cho mỗi chị em một cái bánh nhỏ xinh xinh mà mỗi lần vớt ra khỏi nồi, mẹ và các dì, cậu cứ cầm trên tay ngắm nghía, hít hà mãi rồi mới ăn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngày ấy ở quê, vào những ngày cận Tết, chợ quê tấp nập kẻ bán người mua, khắp nơi đều thấy một màu hồng đỏ của những cành đào, những câu đối Tết và cả tranh Đông Hồ còn thơm mùi giấy dó. Bà dắt tay mẹ và các dì, cậu len lỏi giữa nhiều gian hàng để tận hưởng không khí rộn ràng của ngày xuân và tìm được những bộ quần áo mới ưng ý nhất. Bà còn cẩn thận mua cả bồ kết để về nấu nước tắm gội cho các chị em như mong muốn rửa trôi, đuổi sạch hết cái xui rủi của năm cũ, đồng thời đón năm mới may mắn, bình an.

Đêm Giao thừa rộn ràng lắm. Sau thời khắc chuyển giao năm mới, bà gọi mẹ và các dì, cậu lại, dặn dò về một năm yêu thương, đùm bọc nhau và cố gắng học tập, rồi lì xì cho mỗi chị em những đồng tiền mới nhất mà bà để dành được.

Con đường dốc dẫn vào nhà ông bà lúc nào cũng có những cô bé, cậu bé xúng xính áo váy mới, đứa thì ngồi bệt xuống đất chơi ô ăn quan, đứa thì kẻ vạch, vẽ phấn chơi nhảy lò cò, sau một lúc thì váy hồng, áo xanh lấm lem rêu đất nhưng khuôn mặt, ánh mắt vẫn ánh lên vẻ vui thích.

Tết ở quê là vậy, luôn in đậm dấu ấn trong tuổi thơ của nhiều thế hệ; để rồi, mỗi người - như mẹ tôi - đôi khi cảm thấy cần phải sống chậm lại, lắng lòng hơn để nhớ, để thương về những ký ức ngày Tết thân thương, không thể phai mờ trong tâm trí.

Ngày nay, trong vòng quay của nhịp sống hiện đại, ngày Tết đã có nhiều đổi thay. Khó có thể bắt gặp hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét hay những chảo mứt thơm lừng, dẻo bóng. Mọi người sau giờ làm việc phần lớn đều ghé các siêu thị, tạp hóa, chợ để mua sắm. Nhưng không phải vì vậy mà Tết kém phần rộn ràng, náo nức; gian bếp ngày Tết của mỗi gia đình vẫn luôn ấm áp, tràn ngập tiếng cười; chợ hoa xuân vẫn khoe sắc rực rỡ khắp nhiều nẻo đường... Có kế thừa, có thích nghi, Tết nay như một sự giao thoa giữa những hoài niệm và nét hiện đại của cuộc sống, vừa như nhắc nhớ, vừa như gợi mở cho mỗi người những khung cảnh xuân bình yên mà tươi mới.

Có lẽ cũng vì thế, Tết, xuân - cũng là thời khắc mà con người sống chậm hơn sau một năm nhiều tất bật, lo toan, nhìn lại tháng ngày đã qua để chiêm nghiệm, để lưu luyến… Và tôi biết, ở đâu đó một góc thiêng liêng trong tâm hồn bố mẹ tôi - những người con xa xứ - vẫn luôn có chỗ dành cho Tết xưa, dành cho những hoài niệm Tết ngày ấy…

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.