Những mùa Tết mẹ, Tết cha…

.

Sáng mồng một Tết, tôi vẫn giữ thói quen dậy từ mờ sớm, lúc bé thì phụ mẹ, giờ lập gia đình thì cùng chồng vào bếp chuẩn bị mâm cơm canh tươm tất thắp hương tiên tổ. Châm nén hương trầm, Tết xưa chợt ùa về nguyên vẹn. Tôi thấy mình mặc chiếc áo mới, chạy ùa ra sân, tíu tít theo chân bố mẹ đi chúc Tết ông bà.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngày ấy ở quê tôi, mọi người thường đi bộ, xa gần gì cũng thế. Đường đến nhà bà nội phải qua đồi cây, ruộng lúa. Sương sớm trên những cành cây dương xỉ quệt vào gấu áo, rơi xuống chân buốt lạnh. Mấy anh em tôi khi thì chạy trước đón đường, lúc lại la cà phía sau hái hoa bắt bướm. Hít hà mùi của cây cỏ mùa xuân dìu dịu trong cánh mũi, mùi của lúa non mơn mởn, mùi của bùn đất bùi ngùi. Có khi mấy anh em mải dồn theo chú chim sẻ đồng nên bị bỏ lại tít phía sau. Lúc chạm chân đến bậc hè nhà ông bà thì gấu quần đã lấm lem đất cát. Bố luôn giữ thói quen “lời chúc đi trước” nên người vừa đến cổng mà tiếng đã vang tận vào trong. Tôi nép sau lưng bố chỉ chực chờ cánh tay vẫy vẫy là chạy ùa vào lòng bà nũng nịu, ríu rít nhận từ tay ông bà những tờ năm trăm đồng mới cóng, đỏ tươi.

Năm tháng trôi qua, chúng tôi lớn dần lên. Tết tuy khác xưa nhiều, có khi giản tiện, có lúc cầu kỳ hơn, nhưng nhiều nét văn hóa tốt đẹp vẫn luôn được con cháu giữ gìn, như tục đi chúc Tết ông bà, cha mẹ vào những ngày đầu xuân năm mới.

Từ khi làm mẹ, Tết đến, tôi thường thấy mình trong hình ảnh của các con. Háo hức mặc quần áo mới để chuẩn bị cùng bố mẹ đi lễ Tết ông bà nội, ngoại. Buổi sớm, vén những chùm mưa xuân lất phất ngó ra đường, thấy xe cộ nhộn nhịp, người người gặp nhau tay bắt mặt mừng, lời chúc như than ấm ủ sẵn trên môi. Chuông điện thoại reo, bố gọi hỏi “mấy giờ các con về? Cơm nấu xong rồi, cả nhà đang đợi”. Mẹ ngồi đó, trong căn bếp quen thuộc để đun nước pha trà, hầm canh măng hoặc có khi ngồi như một thói quen giữ lửa. Tôi ôm lấy mẹ, thổi bụi tro bám đầy trên mái tóc hoa râm, tay nhón miếng mứt gừng mẹ vừa sên xong còn ấm. Được ngồi sưởi bên bếp củi, nghe mẹ thủ thỉ chuyện xưa mới thật là Tết. Không cần phải mứt kẹo, bánh hoa vẫn thấy Tết đầy dần trong lòng bởi niềm hạnh phúc được sum vầy. Tôi quý trọng và nâng niu những giây phút ấy bởi hiểu được quy luật của thời gian. Xuân qua đông tới, sinh lão bệnh tử ở đời đâu ai mà không phải trải qua. Rồi đến một lúc nào đó, bố mẹ chỉ còn trong ký ức của cháu con. Như chúng tôi giờ chỉ có thể nhờ nén hương trầm đưa những lời nhớ thương đến với ông bà. Có lúc, trong câu chuyện của mình, mẹ rơm rớm bảo: “Mới vài năm trước thôi còn có bố mẹ để mà chúc Tết”.

Tết của ông bà tôi giờ là những khóm cúc vạn thọ được con cháu trồng xuống vào hôm tảo mộ. Bố tôi quét từng lớp vôi trắng lên căn nhà cuối cùng của ông bà. Châm nén hương thơm, rưới chén rượu nồng, thủ thỉ mời người quá cố cùng về nhà ăn Tết. Trong khói hương bảng lảng, tôi tưởng như có nụ cười hiền hậu của bà, ánh mắt của ông đang nhìn mình trìu mến. Có khi bố tôi pha trà ngồi bên mộ hồi lâu. Trà đắng nhưng lại lẫn đâu đó vị ngọt của ký ức. Tôi ngồi dưới tán cây mùa xuân nhấm nháp những tiếng chim lảnh lót trên đầu. Lòng thanh thản đến mức có thể bay lên nhẹ bẫng như những đám mây. Tết luôn đọng lại trong lòng người nhiều dư âm có lẽ cũng vì nét văn hóa hướng về nguồn cội. Giữa ông bà cha mẹ và con cháu. Giữa cõi âm với cõi dương. Để cho dù cuộc sống có đổi thay thế nào chúng ta vẫn luôn tìm thấy nét truyền thống của Tết xưa trong đó.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích