Đà Nẵng cuối tuần

Phong vị Sài Gòn trên báo xuân xưa

13:52, 21/02/2021 (GMT+7)

Bên ly trà thơm và dĩa mứt ngọt, nhẩn nha cùng những câu chuyện trong hai cuốn tuyển tập Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (NXB Thế Giới phối hợp Công ty Sách Phương Nam ấn hành), mỗi người sẽ tắm lòng mình trong dòng chảy của giá trị cổ truyền dân tộc, tạm quên đi những bộn bề của một năm nhiều biến động để mong chờ, hy vọng vào những “lộc biếc”.

Cùng với tập I được xuất bản đầu năm 2020, cuốn Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập II ra mắt bạn đọc vào dịp cuối năm kết hợp thành trọn bộ hai tập sách do nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận tuyển chọn. Bộ sách tập hợp những bài viết thú vị, giàu cảm xúc và dồi dào tư liệu từ gần 80 tờ báo Xuân uy tín của Sài Gòn xưa.

Báo Xuân luôn là số báo được độc giả mong chờ nhất trong năm bởi có sự tham gia của những cây bút tài danh với nhiều bài viết đặc sắc. Trong ký ức của nhiều người Sài Gòn xưa, báo Xuân không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là nét văn hóa riêng biệt của ngày Tết cổ truyền.

Trong tập I, Phạm Công Luận ưu tiên tuyển chọn những câu chuyện thú vị và độc đáo như: chuyện hai phụ nữ quý tộc Mỹ lẻn vào sân triều đình Huế để xem lễ mùng Một Tết ở Điện Thái Hòa vốn chỉ chấp nhận sự hiện diện của nam giới; chuyện nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh cùng anh em bán dầu cù là và guốc cho đồng bào miền Nam ăn Tết; chuyện nhà cách mạng Nguyễn Thái Học bói Kiều đầu năm... Có thể nói, mặc dù chỉ là những đoạn hồi ký, giai thoại nhỏ mang tính chấm phá, nhưng thông qua đó, bức tranh về hình thái lịch sử, đời sống văn hóa - xã hội, tinh thần của người dân miền Nam thời trước được tái hiện đầy đủ. Một điểm chung của các bài viết là đều được tác giả ghi lại từ những câu chuyện có thực, có thể được thêm chút chi tiết ngẫu hứng tùy theo trí nhớ của người kể nhưng đó không phải là những sáng tác mang tính hư cấu.

Đến tập II, không nằm ngoài mục đích giúp bạn đọc có thể ôn cố tri tân, Phạm Công Luận tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của người kết nối. Ông không ngừng “đào xới” những nguồn tư liệu quý để gom nhặt ký ức. Phần văn xuôi trong cuốn sách có mảng bài về thời chống Pháp, về đời sống trong những ngày tản cư, câu chuyện ăn Tết từ thành phố Hà Nội đến nông thôn của những tác giả gốc Bắc xa xứ mang đến nhiều thông tin mới lạ và xúc động; mảng bài viết “Tết trong tù” sinh động, đậm tình người, tình yêu Tổ quốc và ý chí vượt qua khó khăn đợi ngày tự do đi tiếp con đường kháng chiến; mảng bài viết về đời sống Sài Gòn, lục tỉnh xưa chất chứa yêu thương và trào lộng, ở đó có nhiều thú vui thế tục khiến con người thêm phần lạc quan, hào sảng. Trong tập II, ngoài 30 tác phẩm văn xuôi hấp dẫn, còn có 27 bài thơ xuân giàu âm điệu và trữ tình, thể hiện tâm thế hy vọng, nao nức trước không khí Tết và thiên nhiên ngày xuân.

Với hơn 100 bài viết được tuyển chọn từ hơn 80 tờ báo Xuân trải dài qua hơn 30 cái Tết (1940-1975), hai tập Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa là gạch nối khiến bạn đọc không ngừng suy tư, chiêm nghiệm về con người, xã hội, phong tục Việt Nam của một thời quá vãng. Ở đó, dù phiên chợ Tết còn nghèo, dù bữa cơm giao thừa chưa đầy đủ nhưng những rạo rực hy vọng, những tha thiết tin yêu về một cuộc đời tươi đẹp vẫn luôn “đâm chồi nảy lộc”.

Sợi chỉ đỏ mà Phạm Công Luận muốn truyền tải đến bạn đọc thông qua quá trình chắt lọc chu đáo và đầy trách nhiệm: Hành trang mang đến cho con người nhiều sức mạnh nhất chính là một trái tim biết yêu thương và tinh thần hướng thiện, khai mở đầy bản năng. Đời sống cuối cùng vẫn được xem như một khởi đầu, như một mùa xuân miên viễn. “Cái bị hủy đi sẽ được bù đắp bởi cái mới sinh thành. Từ khô mục sẽ nở những chùm non xanh”.

DIỆU THÔNG

.