Sắm Tết cho những người đang xa cách

.

Tết đến Xuân về, người ta lo đi sắm quà Tết cho mình và người thân. Thường là cái gì tốt, cái gì đẹp, tươi vui thì sắm cho người khác. Không nằm trong mạch suy nghĩ đó, Hữu Thỉnh có bài thơ về Tết thật hay và lạ, đẹp nhưng buồn.

Sắm Tết được viết vào tháng 2-1993, thời điểm kinh tế còn khó khăn. Bài thơ có 16 câu, 80 từ, được đưa vào tập Thương lượng với thời gian (NXB Hội Nhà văn, 2005). Bài thơ có hai nhân vật: nhà thơ và người đang xa cách. Người đang xa cách là ai? Quan hệ gì với nhà thơ? Tại sao nói Hoa nào cho đôi ta? Thì ra, đây là bài thơ tình. Thơ tình mà có yếu tố thế sự. Yếu tố này nằm trong mỗi khổ thơ. Vì thế, bài thơ mang âm hưởng buồn, làm nên vẻ đẹp của hình tượng thơ.

Mở đầu, nhà thơ viết: Biết sắm Tết gì đây/ Cho người đang xa cách. Câu thơ thứ nhất và thứ hai cho thấy nỗi niềm của người đi sắm Tết: Sắm Tết/ Cho người đang xa cách. Việc đi sắm Tết cho mình hay cho người thân của mình là chuyện thường tình. Nhưng ở đây, Hữu Thỉnh có tứ thơ lạ: Sắm Tết cho người đang xa cách. Khoảng không giữa nhà thơ và “người đang xa cách” là bao, không rõ. Song, điều đáng nói là khoảng không gian đó đã làm nên cảm xúc, sự xao xuyến, nỗi bâng khuâng trong lòng nhà thơ và cũng làm nên tiết tấu, nhịp điệu của các câu thơ.

Người đang xa cách có mặt ở các khổ thơ, chi phối tâm trạng sắm Tết. Chú ý sẽ thấy có 3 yếu tố của Tết, đó là Hoa - Chợ - Lịch.

Tết đồng nghĩa với hoa. Hoa khoe sắc xuân tươi. Hoa làm đẹp cho đời. Osawa (Nhật Bản) trong Minh triết của hoa cho rằng: Hoa có tiếng nói của hoa (Văn nghệ, Xuân Nhâm Thân, số 5 và 6, ngày 8-2-1992). Vậy mà, với nhà thơ, Một trời hoa mở khép/ Hoa nào cho đôi ta. Một câu hỏi không có câu trả lời. Câu trả lời lặng vào sâu thẳm của tình cảm. Ngày trước, Huy Cận có bài thơ ngũ ngôn Hoa về đầy cảm xúc:

Mỗi năm hoa về đây
Hoa nói gì với người
Lòng người chắc nặng lắm
Hoa nói hoài không thôi.

Hoa trong thơ Hữu Thỉnh không cho “đôi ta”. Một trời hoa không rực thắm, không viên mãn, không tròn đầy, chỉ mở và khép. Chẳng có hoa nào cho đôi ta? Bắt đầu từ đây, nỗi buồn sắm Tết len vào các khổ thơ.

HỬU THỊNH

Sắm Tết

Biết sắm Tết gì đây
Cho người đang xa cách
Một trời hoa mở khép
Hoa nào cho đôi ta

Chợ gần vòng chợ xa
Bán mua toàn thiên hạ
Chợ mỗi ngày mỗi giá
Giá nào cho chia phôi

Biết sắm tết gì đây
Cho người đang xa cách
Mua gì cho đỡ rét
Bán gì vơi cô đơn

Chim chớp cánh sau vườn
Ngày dồn toa trên lịch
Biết sắm tết gì đây
Cho người đang xa cách.

                                        H.T

Tết thì không thể không nói đến chợ. Ở đây, chợ Tết hay chợ đời? Chợ gần vòng chợ xa. Người bán và người mua. Giá cả mỗi ngày cứ lên xuống. Chỉ có điều, không có giá nào cho sự chia phôi, xa cách, không có giá nào đo lường được nỗi niềm cho người phương xa. “Người đang xa cách” có thấu chăng nỗi niềm này: Chợ gần vòng chợ xa/ Bán mua toàn thiên hạ/ Chợ mỗi ngày mỗi giá/ Giá nào cho chia phôi.

“Giá” không còn mang ý nghĩa thị trường, chuyển nghĩa thành chia phôi, xa cách. Bốn câu thơ tiếp mới trĩu nặng cảm xúc, đẩy những cung bậc của tình cảm đến đỉnh điểm, rơi vào cô đơn, lẻ loi, lạnh lẽo buồn, sao cho “đỡ”, cho “vơi”: Biết sắm tết gì đây/ Cho người đang xa cách/ Mua gì cho đỡ rét/ Bán gì vơi cô đơn. “Đỡ” và “vơi” hai từ dùng thật đắc, lung linh giữa hai bờ vực: thực và mơ. Giá rét của mùa đông hay giá rét của tâm hồn, cô đơn của trạng thái hay đơn độc giữa chợ đời? Một cách nói ẩn dụ, giàu sắc thái, mang lại cảm xúc thẩm mỹ cao, khiến trường liên tưởng mở rộng, chạm vào cái mong manh, hồ dễ của nghìn trùng xa cách, nhớ nhung.

Bốn câu thơ cuối cùng hé chút hy vọng. Chim đã chớp cánh ở vườn sau. Ngày đã dần vơi trên tấm lịch, người đang xa cách chắc về. Con - tàu - thời - gian mang lại chút gì hy vọng, dẫu biết mong manh: Chim chớp cánh sau vườn/ Ngày dồn toa trên lịch/ Biết sắm tết gì đây/ Cho người đang xa cách.

Hữu Thỉnh là nhà thơ khắc khoải về thời gian, nói rất hay về sự chuyển dịch mơ hồ của năm tháng, sự ảo hóa của thiên nhiên, gắn liền với tâm trạng. Sự dịch chuyển hình tượng thơ phản ánh cái nhìn tinh tế của người nghệ sĩ về con người - thời gian - đất trời. Sắm Tết là bài thơ về mỹ học của nỗi buồn.

HUỲNH VĂN HOA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích