Đà Nẵng cuối tuần

Tín ngưỡng đá và cây…

12:29, 28/02/2021 (GMT+7)

Thờ cây và thờ đá là một tín ngưỡng, một di sản văn hóa có mặt khắp nơi. Đó cũng là nỗ lực gìn giữ cân bằng của thiên nhiên.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Làng tôi xưa có một số cây đa và một cây cốc cổ thụ được kể lại là rất linh thiêng. Dưới gốc đa và gốc cốc luôn có nhiều bình vôi, ông táo. Nửa đêm người ta còn nghe tiếng hát ru em ai oán của những linh hồn. Một cây đa khác ở giữa làng, ước chừng ba bốn trăm tuổi hoặc hơn, mà bác sĩ A. Salet (chuyên nghiên cứu về các di tích Chămpa ở Quảng Nam và miền Trung) đã tả vào năm 1926 rằng, đó nguyên là một di tích Chăm đã đổ nát, có các trụ đá khắc chữ còn lại. Di tích này sau trở thành một miễu của làng, tên là miễu Ông Sỏi. Cũng rất linh thiêng…

Trong lễ khởi công hầm đường bộ qua đèo Hải Vân năm 2006, một kỹ sư người Nhật giải thích với tôi sau lễ đập vỡ thùng rượu Sake và múc rượu tưới vào đá trước khi phát động những mũi khoan đầu tiên, đại ý: Thần đạo là một tín ngưỡng phổ biến của người Nhật. Theo quan niệm cổ xưa, con đường của các thần có mặt khắp mọi nơi gọi là vật linh. Thờ cúng vật linh, như thần núi, thần cây là cầu mong sự an yên trong đời sống và công việc…

Người Cơ tu ở Trường Sơn và các dân tộc Tây Nguyên trước khi đốn hạ một cây rừng đều làm một lễ cúng thần rừng và phải trồng một cây khác để thay thế. Mỗi đầu năm trước mùa rẫy mới, các làng thường có mâm lễ vật, heo gà và không thể thiếu một hòn đá trên mâm cúng để làm lễ tạ ơn rừng đã độ trì cho năm trước mùa màng tươi tốt, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, không khác chi lễ cúng Kỳ Yên (lễ cầu an, lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình thần ở Nam Bộ) của người Kinh ở vùng đồng bằng, nhưng phần hội thì hoành tráng hơn với nhiều điệu múa, hát ở nhà làng.

2. Đến thăm khu vực Rú Dẻ ở huyện Nam Đàn, Nghệ An; nơi có di tích lăng mộ mẹ vua Mai Hắc Đế, tôi được nghe nhiều chuyện dân gian giải thích vì sao khu rừng dẻ ở đây vẫn nguyên vẹn, xanh tốt qua hàng chục thế kỷ, tương tự như khu vực điện Hòn Chén trên thượng nguồn sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế). Đó là sự kiêng kính của cư dân thông qua các truyện kể dân gian mang tính linh thiêng về các nhân thần hoặc nhiên thần liên quan đến rừng qua lịch sử ở đó.

Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường trong tác phẩm “Thần, người và đất Việt” (Nhà xuất bản Tri thức, 2014) viết: Tục thờ cúng các đống đá, một hình thức thờ đá nói chung đã có khắp nơi trên thế giới. Người Chăm thờ thần Po Yan Dari có những đống đá được xếp đặt hoặc thờ cúng các tảng đá rời gọi là Kut. Ông nói: Tục thờ cúng đá thiêng không tách rời thờ cúng cây thiêng. Mối liên hệ giữa thờ cúng cây và đá theo ý nghĩa siêu hình vì cây và đá đều có hồn. Các nhà nghiên cứu thường cho tục thờ cúng cây và đá gắn liền với tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, luôn mong mỏi sự sinh sôi nảy nở trong tạo vật…

3. Nhà dân tộc học người Pháp Comdomimas (nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp có uy tín trên thế giới trong các lĩnh vực dân tộc học và nhân chủng học) gắn bó với vùng cao Việt Nam đến 50 năm và viết cuốn sách thể hiện sự trải nghiệm của mình “Ăn rừng đá thần Gôo” cho rằng: “Người Tây Nguyên ăn rừng, họ xin thức ăn cho sự sống của mình từ rừng, cũng như chúng ta nói chúng ta bú sữa mẹ mà lớn lên thành người. Tây Nguyên không còn rừng thì rồi sẽ ra sao?”

Những ý kiến của ông, ngoài những tác phẩm mang đậm chất văn trong nghiên cứu dân tộc học, khiến ta cần phải nhìn lại những gì đã từng làm cho miền núi mấy mươi năm sau hòa bình. Nhân dịp trưng bày các hiện vật của mình tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ông đã nói rất rõ quan điểm của mình với báo giới: “Người Tây Nguyên luôn sống hòa mình với thiên nhiên. Họ có những giá trị văn hóa không giống người Kinh. Chẳng hạn, họ không có thói quen tích lũy của cải. Họ quan niệm người giàu có là người cho đi nhiều nhất. Nếu bạn gặp họ, bạn sẽ thấy họ không hề tiếc bạn những chum ché đẹp, rượu ngon...

Vì thế, theo tôi, điều nguy hại nhất là việc áp đặt chủ quan giá trị của một cộng đồng này lên một cộng đồng khác; hoặc đánh giá những giá trị của cộng đồng khác bằng con mắt của cộng đồng mình. Với việc bảo tồn, theo tôi, quan trọng nhất là bảo tồn những giá trị văn hóa có sẵn. Hãy tôn trọng những gì đã có chứ không phải “gia công” lại để cho nó đẹp hơn, nhưng trên thực tế, lại làm biến dạng nó”. Văn hóa rừng là vậy. Nó còn hơn một tín ngưỡng!

Ở làng tôi và nhiều nơi nữa, mỗi khi trong gia đình có người qua đời, tất cả những cây lớn trong vườn đều được chít một mẫu vải trắng, gọi là để tang. Từ nhỏ, cha tôi giải thích là giữa con người và cây cối luôn có mối liên hệ, đồng cảm với nhau. Người chết cây cũng buồn nên phải để tang!

Trong dòng chảy tiếp biến văn hóa giữa Đại Việt và Chăm diễn ra ở Quảng Nam, nhưng di tích hiện nay như cống Ông Đá, miễu Ông Sỏi, các chùa làng, bến Thờ Bà, đền thờ bà Thu Bồn… đều gắn liền với các phế tích Chăm và những cây cổ thụ đôi khi cả ngàn năm tuổi vẫn còn nguyên vẹn. Phải chăng, dòng chảy văn hóa và tín ngưỡng thờ cúng cây (rừng) và đá có một sợi dây liền lạc lâu đời, mà nay dần bị phai nhạt bởi sức mạnh của kim tiền? Hệ quả của nó là rừng cứ bị bức tử hao mòn dần, lũ lụt sạt lở đất đai hằng năm càng tăng lên với tần suất dày đặc và công phá bạo tợn hơn?

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.