Tục lệ du xuân

.

* Tục du xuân ra đời từ bao giờ và ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của người Việt như thế nào? (Nguyễn Thị Bích Thủy, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Ngoài những nghi lễ tiễn năm cũ đón năm mới (tống cựu nghênh tân), du xuân là tục lệ và là thói quen không thể thiếu của người Việt mỗi dịp xuân về. 

Theo bài viết “Du xuân” đăng trên Du lịch Đà Nẵng - phụ trương của Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng số 9 (tháng 2-2021), tục du xuân (遊春) của dân Việt có từ thế kỷ XV, bắt đầu từ chốn cung đình Nhà Lê. Theo đó, sử chép rằng: Ngày đầu năm mới, sau khi tiếp đình thần vào cung chúc Tết, vua Lê thân hành du xuân đi thăm phố phường và xem dân chúng kinh đô ăn Tết. Vua mặc hoàng bào, cưỡi ngựa đi trước, hoàng thân quốc thích, quan viên văn võ, lính tráng mang cờ quạt, khí giới theo hầu phía sau. Du xuân là cuộc xuất hành đầu năm của nhà vua, nên Bộ Lễ phải coi ngày giờ tốt, chọn hướng xuất hành hợp với mệnh và tuổi của nhà vua, để đức chí tôn luôn gặp tốt lành, may mắn trong năm mới, người dân trong nước được hưởng thái bình, an khang, thịnh vượng.

Hát “Phước Lộc Thọ” chúc mừng khách du xuân tại Hội làng Túy Loan năm 2019. Ảnh: V.T.L
Hát “Phước Lộc Thọ” chúc mừng khách du xuân tại Hội làng Túy Loan năm 2019. Ảnh: V.T.L

Sang thời Nguyễn, bắt đầu từ triều Đồng Khánh (1885-1889), du xuân được nâng thành lễ. Theo sách “Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn”, sau khi vua Hàm Nghi (vị vua tiền nhiệm, cũng là em trai vua Đồng Khánh) rời kinh thành Huế phát động phong trào Cần Vương, tháng 7-1885, Pháp đưa Hoàng tử Chánh Mông lên ngai vàng lấy niên hiệu Đồng Khánh. Tuy vậy, dư luận cho rằng, vua Đồng Khánh thực chất đang bị người Pháp giam lỏng trong hoàng cung. Để thuyết phục dân Huế rằng nhà vua không bị giam hãm, đại diện chính phủ Pháp ở Huế tổ chức du xuân cho nhà vua vào chiều ngày mồng 1 Tết Bính Tuất (1886). Kể từ đó, lễ du xuân của các vua triều Nguyễn ra đời, kéo dài cho đến triều Bảo Đại.
Du xuân được hiểu một cách giản dị nhất là đi chơi vào mỗi khi Tết đến xuân về với các hình thức in đậm dấu ấn văn hóa truyền thống trong đời sống người dân: đi Tết cha mẹ, ông bà, thầy (cô); lễ chùa, trẩy hội mùa xuân…

Ngày xuân lễ chùa, người Việt tin rằng đây không chỉ là cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới mà còn là dịp để con người tìm về chốn tâm linh thanh tịnh sau những ngày vất vả mưu sinh giữa chốn bụi trần.

Mùa xuân cũng là mùa lễ hội diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. Khi trời đất vào xuân, vạn vật sinh sôi, lòng người phơi phới, cũng là lúc đẹp nhất để mọi người tham gia lễ hội đầu năm. Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nước ta có gần 8.000 lễ hội truyền thống trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó phần lớn được tổ chức vào tháng Giêng, tập trung chủ yếu ở miền Bắc như trẩy hội Chùa Hương, hội Làng Gióng, hội Lim…

Ở Đà Nẵng, mồng 9 tháng Giêng hằng năm có Hội làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và Giải đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu diễn ra trên sông Cu Đê. Lễ hội Quán Thế Âm tuy diễn ra chính thức vào ngày 19-2 âm lịch tại khu du lịch Ngũ Hành Sơn nhưng vẫn còn trong không khí mùa xuân. Hòa mình vào những lễ hội này, con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện, gạn đục khơi trong đời sống tinh thần của mình.

Lệ du xuân đầu năm đã lưu giữ những nét đẹp về đạo lý làm người giữa đất trời mùa xuân, góp phần làm lòng người thêm thánh thiện, trong sáng.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.