Bảo đảm an sinh xã hội, tạo nền tảng tăng trưởng toàn diện và bền vững

.

Bên cạnh những thành quả về kinh tế, phát triển đô thị, công tác an sinh xã hội là một trong những thành công lớn của thành phố giai đoạn 2015 - 2020. Đặc biệt, trước tình hình thiên tai, dịch bệnh, bão lũ diễn biến phức tạp trong khoảng thời gian cuối nhiệm kỳ, nhiều chủ trương, chính sách xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời với tinh thần “không ai bị bỏ lại ở phía sau”, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, củng cố niềm tin trong nhân dân đối với chính quyền thành phố.

Đà Nẵng trong mắt du khách là một thành phố hấp dẫn, an bình và đáng sống. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU
Đà Nẵng trong mắt du khách là một thành phố hấp dẫn, an bình và đáng sống. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU

Với những kết quảđạt được

Nhìn lại một năm qua, trong tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, song công tác an sinh xã hội luôn được thành phố quan tâm, chú trọng; điều này được thể hiện từ việc xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ cho đến hiệu quả để công tác an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và góp phần đưa kinh tế - xã hội tăng trưởng toàn diện và bền vững. Điểm lại những con số “biết nói”, phần nào phản ánh được bức tranh chung của thành phố đã luôn nỗ lực đem lại sự ổn định cho người dân, đó là:

Trong ứng phó đại dịch Covid-19, thành phố kiên định mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo hộ công dân, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của nhân dân với những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, nhân văn; đã chủ động, kịp thời sử dụng ngân sách thành phố để tiếp tục hỗ trợ cho người dân trong với tổng kinh phí thực hiện gần 250 tỷ đồng cho gần 300.000 lượt người dân; có hơn 21.000 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đó là việc luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng, tổ chức chi trả trợ cấp thường xuyên tháng 1 và chi quà từ ngân sách thành phố, với mức từ 350.000 đồng đến 1.200.000 đồng cho 48.523 hộ/đối tượng tại cộng đồng với kinh phí 22,3 tỷ đồng và mức 350.000 đồng cho 2.000 đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trại tạm giam với kinh phí 700 triệu đồng. Bảo đảm nguồn kinh phí để các địa phương chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời cho trên 37.300 đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và chính sách đặc thù của thành phố, với tổng kinh phí gần 270 tỷ đồng/năm.

Thành phố chủ động xây dựng nhiều chính sách trợ giúp người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội, giúp người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập nâng cao mức sống cho người nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, nhà ở, giáo dục, nước sạch vệ sinh, tiếp cận thông tin, việc làm và bảo hiểm xã hội… Bên cạnh đó, công tác an sinh trong năm còn nổi bật với các chính sách hỗ trợ cho hoạt động xử lý người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố; củng cố và nâng cao hoạt động của Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn xử lý có hiệu quả người xin ăn biến tướng, giám sát công tác quản lý nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ; thực hiện tốt chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không nơi cư trú. Chú trọng công tác phòng chống tệ nạn xã hội với nhiều hình thức vừa tuyên truyền vừa phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, nhất là học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Vừa qua, nhiều chính sách đặc thù đã được kỳ họp HĐND thành phố thông qua như: chính sách tiếp tục kéo dài thực hiện Đề án sữa học đường đến hết năm học 2020-2021; tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân chạy thận nhân tạo hỗ trợ công tác dự phòng nghiện, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố; xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trong hệ thống trường công lập…

Hướng đến nền tảng an sinh xã hội vững chắc hơn

Làm tốt công tác an sinh xã hội chính là một trong những thước đo của một xã hội phát triển. Chúng ta đã xác định mục tiêu quan trọng xây dựng đô thị văn minh, thành phố an bình, và chúng ta càng xác định hơn với một xã hội phát triển vững mạnh thì đồng nghĩa với câu chuyện công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân càng được quan tâm đúng mực. Từ những kết quả đạt được, thiết nghĩ trong thời gian đến, chúng ta cần cần tập trung đổi mới các giải pháp:

Trước hết, cần tập trung cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững, trong đó, ngân sách của thành phố cần cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng ổn định. Đối với đối tượng yêu cầu bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó: bảo hiểm xã hội bắt buộc, cần dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Bảo hiểm xã hội tự nguyện dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động, có sự hỗ trợ thích đáng từ ngân sách thành phố cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp… để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Từ đó, từng bước hình thành văn hóa đóng - hưởng để tự bảo đảm an sinh cho bản thân.

Hai là, cần điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản cho người dân. Thời gian qua, Đà Nẵng được đánh giá là điểm sáng trong công tác giảm nghèo, thời gian sắp đến cần áp dụng trên cách tiếp cận quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội của công dân. Chuẩn nghèo đa chiều của thành phố cần tập trung điều chỉnh, nâng tiêu chí về thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu tính tại thời điểm năm 2020; tiêu chí về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, bổ sung thêm chiều việc làm, vì đây là chiều phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo giai đoạn tới, để có các giải pháp tác động phù hợp, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian. Chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 được xây dựng dựa trên cách tiếp cận bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Được biết, theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có 6 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm. Trong đó, đối với thành phố, cần chú trọng đầu tư phát triển hệ thống nhà ở xã hội bảo đảm chất lượng, vừa bảo đảm chủ trương “3 có”, đồng thời góp phần thúc đẩy tiến trình tái thiết đô thị theo định hướng của đồ án quy hoạch chung thành phố giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 đã được thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt.

Ba là, đẩy mạnh công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục về thực hiện quyền trẻ em; phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích. Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; kịp thời phát hiện, can thiệp hỗ trợ trẻ em và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Ngoài ra, chú trọng chính sách để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ công thuận lợi hơn, đồng thời cải thiện sự phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức. Hướng đến mục tiêu bảo đảm phúc lợi xã hội được thực hiện thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và nguyện vọng của nhân dân. Tiếp tục rà soát, thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở người có công với cách mạng.

Có thể nói, mọi nền tảng đều bắt đầu được “xây” nên từ những nguyên liệu chắc chắn. Chúng ta luôn tin tưởng rằng, những gì thành phố đã và đang “gia cố” nền tảng xã hội càng vững chắc hơn chính là tiếp tục công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nền tảng vững chắc này cũng đã góp phần hướng đến mục tiêu quan trọng đó là xây dựng nên một thành phố đáng sống, an bình, bền vững trong tương lai không xa.

NGHI THẢO

;
;
.
.
.
.
.