Chia nhau một nhúm quà quê

.

Nhà tôi ở xung quanh toàn những người thuê trọ. Họ đến rồi đi, không đọng lại gì nhiều vì ai cũng bận rộn. Hàng xóm có khi chẳng nhớ nổi mặt nhau. Có khi tháng trước vừa thấy sinh viên dọn tới ở, chưa nhớ mặt, tháng sau đã thấy gia đình trẻ tới.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hàng trăm lý do để những người ở trọ có thể gắn bó hoặc dễ dàng rời bỏ nơi ở của mình. Vì thế, những hộ thường trú vẫn giữ thói quen không quá bận tâm đến cuộc sống của những phòng trọ xung quanh nếu họ không làm gì ảnh hưởng hay gây phiền toái tới không gian chung.

Hàng xóm mới thuê trọ đến ở lần này khác. Anh chị là người xứ Nghệ, cùng quê với tôi. Một sáng mai tôi thức giấc bất chợt nghe gà gáy, nghe giọng quê quen thuộc và thấy lòng ấm lạ. Mở cửa bước ra trước sân, thấy anh đang chăm sóc hai chú gà chọi, chị đang quét sân. Họ cười nói với nhau với giọng quê nặng nặng. Cảnh ấy, mười mấy năm này tôi không gặp. Biết tôi cũng người gốc Nghệ, chị xởi lởi đưa qua chai tương bần, mấy quả cà bát, bơ lạc. Tôi ngại nhận quà người mới quen, chị cười, đáng chi mô cô, có một chút quà quê, em cầm đi khi mô thiếu hành thiếu tỏi chị qua xin. Tôi cầm về, thấy lòng nghẹn nghẹn, thương thương.

Thiếu hành thiếu tỏi qua xin. Chị khiến tôi nhớ chị Hiền hàng xóm dạo ở trọ thời mới ra trường, ở trọ trong khu trọ nghèo. Nhà trọ như những chiếc hộp bé bé san sát nằm bên nhau rộng không quá 10 mét vuông. Chị Hiền vẫn có thói quen sục thẳng vào bếp nhà tôi xin dăm ba củ hành củ tỏi. Có khi xin luôn nồi cơm nguội khi chị đi làm vừa về đói quá chỉ muốn ăn cho nhanh rồi nằm ngủ. Mỗi dịp chị Hiền về Nghệ An, lại mang vác vào lỉnh kỉnh hành tăm, đậu lạc, lại cả dăm khoanh cá thu, mực nướng đặc sản Nghi Lộc quê chị và chia cho tôi không thiếu món nào. Có lần chị khệ nệ bê cả gốc chanh quê vào trồng vì lá chanh quê thơm hơn những giống chanh trong này. Cuộc sống tưởng cứ đỗi bình thường thế, nhưng khi chị Hiền đi lấy chồng, hàng xóm mới tới trọ không còn nói giọng Nghệ, hàng xóm mới chẳng bao giờ có ai hỏi xin nhau củ hành củ tỏi, đôi khi tôi chợt buồn buồn vì thiếu vắng. Thấy thèm thật thèm cảm giác thi thoảng có tiếng gọi hơi đai đai giọng miền biển của chị Hiền: “Hương ơiiiiiiii” và mở cửa ra lại thấy chị chìa cho một món quà quê nhỏ nhỏ.

Cậu em là một nhà thơ trẻ mỗi dịp về quê lại kiếm lá lằng tép khô vào hẹn hò đám bạn đồng hương ngồi chia nhau. Có lúc đứa nào cũng bận, tội nghiệp thằng bé ngồi tỉ mỉ chia nhỏ, xách qua quận 3 cho chị Chi, quận 7 cho chị Hương, quận Bình Thạnh cho Nam… Mất công vậy mà miệng nó luôn cười. Chẳng hiểu sao lá lằng ngày xưa ở Nghệ An ăn đã ngon, một nhúm lá lằng thằng em cho ở Sài Gòn ăn lại ngon hơn.

Lại còn chỉ nhau cách nấu sao cho đúng kiểu quê nhất. Lại còn tặc lưỡi chép miệng tiếc rẻ rằng lá lằng nấu ở Sài Gòn chỉ có tép khô, đôi khi không còn tép khô (tép khô để lâu có khi bị hoi) lại nấu với thịt bò, cà chua… chứ không được nấu đúng kiểu với tép, với cá nục tươi roi rói như ở quê. Lại không có mấy quả cà pháo giòn tan và mặn mòi xứ Nghệ ăn kèm… Mới chỉ chia nhau nhúm lá lằng khô, tép khô và dăm ba câu chuyện làm quà mà đã nghe mùi thơm đặc trưng của lá, nghe vị ngọt hậu đằng sau vị nhẩn đắng của bát canh lằng trôi nơi cuống họng.

Một trong những người bạn tôi may mắn quen được là nhà văn Nguyễn Minh Ngọc. Chú là nhà văn, biên kịch có tiếng, người Hà Tĩnh, chú nói Hà Tĩnh mà uống nước sông Lam, ngó bên tê sông là Hưng Nguyên. Là người ham học hỏi, lắng nghe, lại nặng tình nên những năm đi học, đi bộ đội qua đất Nghệ An khiến chú có một vốn sống, sự hiểu biết sâu sắc về xứ Nghệ khiến tôi luôn nể phục. Hôm gần đây vừa gặp, chú nhắc mùa trám rồi đấy, chú hẹn khi mô gặp lại cho mấy quả trám ăn đỡ nhớ quê… Chú kể tôi nghe về những mùa trám, mùa rươi gắn với tuổi thơ của chú bên bờ sông Lam. Nhà chú ở Sài Gòn cũng mé bên sông, có hai cây chuối, một con vịt.

Cứ vài tháng một lần, chú cháu có việc gặp nhau ở hội nhà văn, lại thấy ông chú khệ nệ mang theo nải chuối, chục trứng vịt mới đẻ đem cho. Ông chú bảo, chẳng phải từ quê đâu nhưng cũng chỉ người nhà quê như chú cháu mình mới thấy quý mấy món này. Nói thật, nhìn những trái trứng ửng màu hồng xinh, những quả chuối vừa cắt ra từ buồng, còn dính nhựa, thấy cảm xúc được yêu thương ngọt ngào quá đỗi. Tôi vẫn đùa, khỏi cần phải có cớ chi, quà chi, cứ gặp chú, được nghe chuyện về xứ Nghệ là cháu đã thấy như được gói quà mang về rồi. Quả thực, những câu chuyện của chú luôn khiến tôi thấy lòng mình thêm ấm cúng chi lạ.

Có khi tôi tự nghĩ về những món quà quê chất phác, giản dị. Ừ thì có đáng bao nhiêu đâu mà nhưng của một đồng, công một nén. Ai cho ai chút quà quê, ai nhận của ai chút quà quê cũng nhận ra điều ấy mà thấy trân quý, mến thương nhau, gần nhau hơn...

VÕ THU HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.