Chiến tướng và chiến mã

.

Làng Diệm Sơn, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có hai ngôi mộ liền kề rất đặc biệt: một của vị chiến tướng lừng lẫy một thời, một của một chú chiến mã đã lưu lại tiếng thơm bằng tấm lòng trung nghĩa của mình.

Mộ “Chiến mã Trung nghĩa” (ảnh trái) nằm liền kề về phía bên phải của mộ Phó đô tướng Đặng Diệm. Ảnh: N.T
Mộ “Chiến mã Trung nghĩa” (ảnh trái) nằm liền kề về phía bên phải của mộ Phó đô tướng Đặng Diệm. Ảnh: N.T

Sử chép, năm Hồng Đức thứ nhất (1470), tình hình trong nước ổn định; bên cạnh việc củng cố và tăng cường phòng thủ biên giới phía Bắc giáp Trung Hoa, vua Lê Thánh Tông đặc biệt quan tâm đến phía Nam của vùng Hóa Châu. Hóa Châu nguyên là vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy được vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại nhượng cho nhà Hồ vào năm 1402.

Tháng 8 năm Canh Dần 1470, vua nước Chiêm Thành là Trà Toàn mang hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh vào Hóa Châu. Để giải quyết triệt để vấn đề an ninh biên giới ở phía Nam, năm 1471, vua Lê Thánh Tông phát động cuộc chiến tranh với Chiêm Thành nhằm khôi phục lại vùng đất Chiêm Động - Cổ Lũy và kéo dài biên giới Đại Việt đến Vijaya (Bình Định ngày nay). Theo chân vua, nhiều làng mạc người Việt di cư vào Nam khai hoang lập nghiệp. Các vùng đất mới được khai phá đều được triều Lê cắt cử một viên quan hoặc một viên tướng cai quản.

Trong đoàn quân Nam tiến của vua Lê Thánh Tông ngày đó có Phó đô tướng Đặng Diệm, người đã khai hoang lập làng Diệm Sơn. Cụ Nguyễn Quang Tiễn (89 tuổi), một vị cao niên và là người am hiểu về lịch sử vùng đất Diệm Sơn, dẫn gia phả gia tộc cho biết, Phó đô tướng Đặng Diệm đem một đạo quân đánh vào đèo Cù Mông (ranh giới giữa tỉnh Bình Định và Phú Yên ngày nay), sau trận chiến, ông được vua Lê Thánh Tông giao cho việc chọn đất để “quy dân lập ấp”. Ông đã chọn vùng đất ngày nay có tên là Diệm Sơn để khai phá hơn 600 mẫu công điền, xây dựng nên một làng người Việt trên vùng đất mới.

Tuy nhiên, một thời gian sau khi ổn định tình hình tại địa phương, ông được lệnh đem quân dẹp loạn ở phía Bắc đèo Hải Vân. Trong trận chiến chống lại quân phiến loạn, ông hy sinh, bị mất một cánh tay.
Xót thương chủ tướng, con ngựa cùng ông chinh chiến bấy lâu ngậm cánh tay đứt lìa ấy, vượt đèo Hải Vân về đến làng Diệm Sơn, giậm chân hí vang. Nghe tiếng ngựa thê thiết kêu vang từng hồi, dân làng cảm thấy có điều gì chẳng lành, cất công tìm hiểu mới hay Phó đô tướng Đặng Diệm đã hy sinh. Dân làng mang cánh tay chôn cất, đắp mộ và hương khói, xem đó như là phần mộ của người chiến tướng.

Còn về phần chiến mã trung thành, vì quá thương nhớ chủ tướng, bỏ ăn mấy ngày liền rồi cũng chết. Xác của con ngựa được người dân chôn cất cẩn thận, cách xa mộ của chủ tướng chỉ vài chục mét. Phó đô tướng Đặng Diệm có công khai phá và lập nên vùng đất mới Diệm Sơn, được sắc phong là Tiền hiền của làng. Trên bia mộ ông do dân làng lập tháng 6 năm Thành Thái thứ mười ba (Tân Sửu - 1901) có hàng chữ “Chúa xứ sung tước lộc Phó đô tướng diễm Đặng quận công”.

Năm 2000, cụ Nguyễn Quang Tiễn cùng bà con nhân dân trong vùng huy động kinh phí để trùng tu ngôi mộ của Phó đô tướng Đặng Diệm, rồi “xin” được chôn xác chú ngựa trung nghĩa bên cạnh mộ chủ tướng. Lúc đó, việc đưa xác ngựa về cạnh mộ của Phó đô tướng cũng là một vấn đề rất khó giải quyết, bởi theo quan niệm của người xưa, xác của động vật không được phép chôn cạnh xác con người, nhưng với “Chiến mã trung nghĩa” có lẽ là trường hợp đặc biệt.

Ngôi mộ của chú ngựa nằm cạnh ngôi mộ Phó đô tướng Đặng Diệm được dân làng lập bia hẳn hoi, với dòng chữ: “Đặng tướng Tiền hiền Chiến mã Trung nghĩa chi linh mộ. Bổn xã đồng tôn tạo ngày tốt tháng Tư năm Quý Mùi - 2003”.

Ngày mồng 2 tháng 7 âm lịch hằng năm, người dân Diệm Sơn trang trọng tổ chức lễ giỗ ngài Tiền hiền Đặng Diệm trong đình làng. Ngoài sân đình, nhân dân đặt một bó cỏ tươi để cúng chú ngựa trung nghĩa đã cùng chủ tướng xông pha trận mạc và mang một phần thi thể của ông về nơi ông đã khai thiên lập địa.

Người viết được tiếp cận thêm một nguồn thông tin khác từ ông Đặng Văn Hường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Đặng Việt Nam. Theo đó, Phó Đô tướng Đặng Diệm đã chiến đấu và hy sinh tại vùng đất ngày nay thuộc xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn), khác với những tư liệu của ông Nguyễn Quang Tiễn cung cấp nói trên. Thân thế và công trạng của Phó đô tướng Đặng Diệm hiện chưa được nhắc đến trong các tư liệu, sử sách. Người dân Diệm Sơn mong sớm được các nhà nghiên cứu lịch sử làm rõ thêm về một nhân vật gắn liền với sự khai sinh một vùng đất.

NGUYỄN TRẦN

;
;
.
.
.
.
.