Chọn ngành học cho tương lai

Rộng mở cơ hội học nghề

.

Các trường nghề đặt ra mục tiêu đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường, góp phần nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, có những ngành nghề nhiều năm qua vẫn khó tuyển sinh dù nhu cầu việc làm rất cao mà vẫn chưa có hướng giải quyết.

Sinh viên học ngành công nghệ ô-tô ở Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Ảnh: H.L
Sinh viên học ngành công nghệ ô-tô ở Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Ảnh: H.L

Đào tạo sát với nhu cầu doanh nghiệp

Nhiều năm qua, các trường đào tạo nghề đi sát với yêu cầu của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cũng như tạo việc làm cho người học. Tại Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Đà Nẵng, một số nghề thuộc nhóm nghề công nghệ cao như cơ điện tử, tự động hóa công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh - điều hòa không khí... thu hút khá đông người học. Năm 2020, có 2 ngành trường không thể nhận thêm sinh viên (SV) do vượt quá chỉ tiêu là công nghệ ô-tô và kỹ thuật máy lạnh - điều hòa không khí (ngành công nghệ ô-tô có 6 lớp dành cho SV hệ CĐ với 40 em/lớp và 3 lớp hệ trung cấp). Năm nay, trường vẫn giữ nguyên chỉ tiêu với ngành công nghệ ô-tô, dự kiến tuyển 240 SV CĐ và 100 SV trung cấp.
Thầy Lê Nhớ, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Đà Nẵng cho biết, trường đang đánh giá lại nhu cầu của doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, tiến tới xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao và các ngành có thể đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng; trong đó thí điểm 3 nghề là công nghệ ô-tô, cơ điện tử và điện công nghiệp.

Khảo sát nhu cầu và xây dựng những ngành học sát với nhu cầu cũng như tăng thời gian thực hành, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng) cũng xây dựng 58 chương trình, cập nhật theo khung trình độ quốc gia, đào tạo tích hợp kỹ sư và cử nhân trên nền tảng ứng dụng thực hành, thực tập đồ án trên nền tảng chuyển đổi số của từng ngành. Các ngành nhiều năm qua có đông thí sinh đăng ký ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật là cơ, điện, tự động hóa, công nghệ số, công nghệ thông tin và ô-tô. Trong đó, với những ngành thị trường nhân lực có nhu cầu cao như công nghệ tự động hóa, ô-tô, trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 10-15% trong mùa tuyển sinh 2021.

Ngoài thời gian học và thực hành, các trường dạy nghề nhiều năm qua tăng thời gian thực hành của SV lên rất nhiều, giúp SV nắm vững công nghệ trước khi cọ xát với thực tế. SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) có chương trình thực tập doanh nghiệp (học theo dự án), có kỹ sư hướng dẫn của công ty đến thực tập và giáo viên theo sát, giúp em làm quen với quy trình vận hành trong các nhà máy. Nhiều SV nhờ học theo dự án có thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc được ký hợp đồng làm việc ngay trong kỳ thực tập.

Nhiều ngành khó tuyển

Nhiều ngành khó tuyển sinh, trong đó nổi bật là ngành công nghệ hàn. Đây là vấn đề chưa có cách xử lý rốt ráo mà các trường đào tạo nghề gặp phải trong nhiều năm qua, không chỉ ở Đà Nẵng mà hầu hết ở các trường nghề trong cả nước. Tại Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, ngành công nghệ hàn nằm trong nhóm 7 ngành nghề trọng điểm đào tạo của trường. Thầy Lê Nhớ cho biết, nhu cầu thợ hàn tại các công trình xây dựng rất cao, nhiều doanh nghiệp tuyển không ra thợ; nhưng trường lại rất khó tuyển sinh, mỗi năm chỉ tiêu đưa ra là 40 SV nhưng có năm đủ, có năm không. “Công nghệ hàn được đưa vào danh mục nghề độc hại, SV được giảm 70% học phí nếu học ngành này và ra trường được doanh nghiệp nhận ngay với mức lương khá, nhưng vẫn rất ít người học”, thầy Nhớ chia sẻ. Có thể nguyên nhân là ở các công trình xây dựng cơ bản, các nhà máy, phần cơ khí chưa được đầu tư hiện đại như ở các nước khác, môi trường làm việc nguy hiểm, vất vả hơn so với các ngành nghề khác nên khó hấp dẫn người học, người làm.   

Có những nghịch lý trong đào tạo nghề mà nguồn cung và cầu thực sự “lệch pha”. Có những ngành thời điểm 5, 10 năm trước, các trường quá tải khi mở lớp, thì nay do thị trường lao động bão hòa, không ai có nhu cầu học. Ngoài ngành hàn, nhiều ngành học như may, thiết kế thời trang, Trường CĐ Nghề khó tuyển đủ chỉ tiêu SV như 2 năm nay. Chỉ tiêu 35 SV hệ cao đẳng của ngành may và 20 SV ngành thiết kế thời trang nhưng ít khi đủ số lượng. Hay ngành marketing thương mại, người học có nhu cầu cao, nhưng ngành kế toán lại tuyển không ra người học. Tuyển khó, nhưng trường vẫn đang duy trì những ngành nghề này vì xã hội vẫn cần nguồn nhân lực và là nhóm ngành cần mở lớp đào tạo theo yêu cầu của cơ quan chủ quản.

Năm nay, Trường CĐ Nghề sẽ mở lại ngành logistics, năm 2020 trường tuyển sinh khóa đầu nhưng chỉ có chừng 10 hồ sơ, không đủ để mở lớp. Nhà trường cũng đang xúc tiến tiếp xúc với các doanh nghiệp, tìm đầu ra cho SV. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời gian gần đây, một số ngành kỹ thuật cơ bản như ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật cơ sở hạ tầng khó tuyển sinh, dù đây là ngành cần nhiều nhân lực và địa phương nào cũng có nhiều dự án hạ tầng cần triển khai. Năm nay, trường mở thêm một ngành mới là công nghệ kỹ thuật kiến trúc. Hy vọng với khối ngành cơ bản, xây dựng, chương trình học được thiết kế giống nhau trong 2,5 năm kể từ khi mới vào trường, SV có nền tảng học như nhau để có thể học sâu hơn các ngành thị trường lao động đang cần, đáp ứng nhu cầu nguồn lực của xã hội.

Bảo đảm cơ hội việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp gần như là trách nhiệm “mềm” của giáo viên và lãnh đạo các trường nghề, cũng như đó là một cách các trường “ghi điểm” để thu hút người học. Trước mùa tuyển sinh năm nay, cơ hội học và việc làm chia đều cho tất cả học sinh, điều còn lại là các em lựa chọn thế nào để bảo đảm đam mê và tương lai sau khi hoàn thành chương trình học.

HIỀN LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.