ĐÀ NẴNG TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG MỚI

Nhìn từ chính sách an cư

.

Ai từng rơi vào cảnh ở trọ, chật chội xoay trở giữa căn phòng 15-20m2, mới hiểu cảm giác sung sướng khi cầm trên tay quyết định cho thuê căn hộ chung cư thuộc sở hữu Nhà nước. Ở Đà Nẵng, chung cư, nhà ở xã hội không chỉ dành cho việc thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ cống hiến, mà đã rộng cửa cho người nghèo, phụ nữ đơn thân, công nhân lao động cũng như ưu tiên cho đối tượng gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

1. Một ngày đầu tháng 7-2020, tại buổi họp tiếp công dân do ông Huỳnh Đức Thơ, lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố chủ trì, chúng tôi thấy một người đàn ông với dáng vẻ mệt mỏi cầm tập tài liệu ngồi xuống góc phòng. Ánh mắt ông hiện rõ sự suy tư, xen lẫn niềm mong mỏi nguyện vọng của gia đình được người đứng đầu thành phố lưu tâm, xử lý. Người đàn ông khắc khổ ấy là Trần Gió (SN 1950, trú tổ 87, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà).

Nhiều năm trước, 7 nhân khẩu nhà ông Gió sống bấp bênh trên một chồ cá ven vịnh Đà Nẵng. Cuộc sống quẩn quanh với nghề khai thác, đánh bắt thủy sản gần bờ, mức thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Cùng với chính sách chỉnh trang đô thị, xóa bỏ nhà chồ, thành phố giải quyết cho gia đình ông một lô đất tái định cư. Sổ đất vừa nhận, niềm vui an cư chưa kịp chớm thì vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo.

Ông Gió quyết định bán đất lấy tiền chạy chữa cho vợ, che chắn tạm bợ nhiều nơi sinh sống. Năm 2019, do chưa hiểu quy định của thành phố, ông Gió vay mượn người thân sang nhượng trái phép căn hộ 305, nhà 2C, Chung cư làng cá Nại Hiên Đông của ông Trần Hùng với giá hơn 300 triệu đồng. Trong đợt thành phố ra quân tổng rà soát quyền sở hữu căn hộ chung cư, nhà ở xã hội, Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà phát hiện, ra thông báo thu hồi căn hộ gia đình ông Gió đang ở.

Tại cuộc gặp lãnh đạo thành phố lần ấy, ông Gió bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục thuê căn hộ chung cư 305 để ổn định cuộc sống. Xét thấy gia đình ông Gió thật sự khó khăn về nhà ở, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng ý cho ông Gió tiếp tục thuê chung cư theo chủ trương của thành phố; đồng thời yêu cầu lãnh đạo địa phương, các sở, ngành liên quan tích cực rà soát, nắm bắt hoàn cảnh người dân, tránh bỏ sót những hoàn cảnh thật sự khó khăn, bức xúc về nhà ở nhằm có hướng giải quyết phù hợp, thấu tình đạt lý.

Một góc chung cư tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: H.L
Một góc chung cư tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: H.L

Nhiều năm qua, đội ngũ lãnh đạo Đà Nẵng luôn lắng nghe ý kiến, chia sẻ khó khăn mà người dân đang đối mặt. Chị Lê Thị Huyền Trang (sống tại chung cư Vũng Thùng, phường Nại Hiên Đông) cho biết, niềm hy vọng về nơi an cư của mẹ con chị được nhen nhóm từ cuộc tiếp xúc với lãnh đạo thành phố hồi cuối năm 2019. Thời điểm ấy, chị đã ly hôn vài năm, cuộc sống khó khăn khi phải chuyển từ phòng trọ này sang phòng trọ khác với mức thuê trên dưới 1 triệu đồng.

Con trai chị (hiện học lớp 9) phải xoay trở cùng mẹ trong căn trọ chật chội, ẩm thấp, đứng trước nguy cơ nghỉ học do thu nhập từ nghề may vá của mẹ chỉ từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Sau buổi họp ấy, đầu năm 2020, chị được xét thuê căn hộ chung cư tại khu vực Vũng Thùng, chấm dứt chuỗi dài bấp bênh trong những khu trọ ẩm thấp. “Cuộc sống hai mẹ con giờ tốt hơn nhiều, con trai có không gian học hành, thư giãn, còn tôi cũng nhận thêm việc về nhà làm nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”, chị Huyền Trang chia sẻ.

2. Đà Nẵng dần mở rộng đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Theo đó, các đối tượng được xét bao gồm người có công với cách mạng; cán bộ, viên chức, công chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể hưởng lương từ ngân sách và đối tượng làm việc theo diện hợp động trong chỉ tiêu biên chế của các cơ quan này. Ngoài ra, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, hộ nghèo khu vực đô thị, người khuyết tật, già neo đơn, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư đều được xét thuê, mua nhà ở xã hội...

Ông Huỳnh Ngọc Toàn (sống tại phòng 611, khu chung cư 3B Làng cá Nại Hiên Đông, phường Nại Hiên Đông) cho hay, ông vừa hoàn tất thủ tục tiếp tục thuê chung cư trong thời hạn 5 năm. Gia đình ông Toàn thuộc diện khó khăn, đông nhân khẩu, thu nhập không ổn định nên được thuê chung cư sở hữu Nhà nước giúp ông tiết kiệm một khoản phí không nhỏ. Tương tự, mới đây, hộ bà Nguyễn Thị Mai (trú tổ 8, K37/11 Phong Bắc 20, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) vừa được thành phố duyệt chủ trương cho thuê căn hộ chung cư Phong Bắc nhằm ổn định cuộc sống.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu cho thuê, Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức được mua chung cư với giá ưu đãi, thấp nhất từ 7,9 triệu/m2, đồng thời hỗ trợ 10% cho hộ nộp tiền một lần, tạo cơ chế cho cán bộ, công chức được vay vốn từ chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

3. Trong tháng 3-2021, thành phố ban hành kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố sẽ xây mới gần 10.000 căn nhà ở xã hội (tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng) trên diện tích 22 ha nhằm giúp người nghèo, lao động khó khăn, gia đình chính sách, có công cách mạng có cơ hội tiếp cận nhà ở giá rẻ. Ngoài ra, sẽ xây 160 căn hộ chung cư phục vụ người dân tái định cư dự án cấp thoát nước Khe Cạn - giai đoạn 1.

Ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho hay, với dự án này, người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp có thể đăng ký mua, thuê khi đã hội đủ các điều kiện theo quy định. Đây là chính sách đúng đắn, nhân văn, giúp người lao động yên tâm làm việc, ổn định nguồn lực phát triển kinh tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố kỳ vọng loạt dự án nhà ở xã hội hình thành tạo hy vọng cho công nhân khu công nghiệp được tiếp cận, sử dụng, tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Được biết, hiện thành phố có hơn 330.000 lao động, trong đó có khoảng 72.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Có thể nói, sau nhiều năm, Đà Nẵng đã xây dựng chính sách an cư đầy tính nhân văn và tinh thần chia sẻ. Trong gần 11.000 căn hộ chung cư, nhà liền kề đã đưa vào sử dụng, có nhiều khu nhà tập trung hầu hết cán bộ trẻ các sở, ngành, địa phương toàn thành phố. Nhiều người nhận căn hộ chung cư từ chính sách thu hút nhân tài, nhưng cũng có người đến Đà Nẵng lập nghiệp, khó khăn về nhà ở được tạo điều kiện thuê căn hộ chung cư.

Đơn cử, khoảng 80% người dân sống tại tổ 90, phường Nại Hiên Đông là gia đình cán bộ trẻ, có con nhỏ độ tuổi cắp sách đến trường. Họ đến Đà Nẵng từ nhiều vùng đất khác nhau như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, xa hơn nữa là Hải Phòng, Bắc Giang…

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.