"Giải mã" tấm bia cổ ở đất Quảng

.

Có một tấm bia đá dựng tại một ngôi chùa cổ ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) vào nửa cuối thế kỷ XVII tưởng chừng đã bị quên lãng bởi lớp bụi thời gian. Thế nhưng, với sự phát lộ của các nhà nghiên cứu, những thông tin quý từ tấm bia cổ ấy đã dần được giải mã.

Chùa Phổ Khánh (ảnh trái) và tấm bia cổ lập năm Mậu Ngọ (1678). Ảnh: V.T
Chùa Phổ Khánh (ảnh trái) và tấm bia cổ lập năm Mậu Ngọ (1678). Ảnh: V.T

“Ẩn ngữ” từ tấm bia cổ

Chùa Phổ Khánh (dân gian quen gọi chùa làng Ái Nghĩa) tọa lạc tại thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc. Đáng chú ý, bên trong ngôi chùa này có một tấm bia đá cổ được Tiến sĩ Sử học Huỳnh Công Bá phiên âm và dịch nghĩa như sau:

Phiên âm:

Phổ Khánh tự/ Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Điện Bàn phủ, An Nông huyện, Ái Nghĩa xã, Phổ Khánh tự minh. Phụng Phật:/ Hội chủ Lê Cao Trí, pháp danh Chơn Thuyên; Nguyễn Thị Diệp, hiệu Diệu Huệ, hữu tạo mãi tư điền tại La Đái xã tọa lạc Sa Khố, Suối Giữa nhị xứ cộng điền ngũ mẫu tứ cao bát xích cung vi Tam bảo điền./ Nhất Ái Nghĩa quan viên toàn xã đẳng hữu Thi Lân xứ công điền tam mẫu tính nội tự vi viên khố tam cao cung vi Tam Bảo đắc tiện cung dưỡng dĩ tôn Phật pháp./ Vĩnh Trị tam niên, tuế thứ Mậu Ngọ, quý hạ cốc nhật lập bi./ Bi/ Thư tả: Lê Phúc Thông/ Lã Hữu Thái/ San tượng: Quán Khái xã.

Dịch nghĩa:

Chùa Phổ Khánh/ Chùa Phổ Khánh xã Ái Nghĩa, huyện An Nông, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt. Kính tỏ lòng tôn sùng Phật:/ Hội chủ Lê Cao Trí, pháp danh Chơn Thuyên; (và) Nguyễn Thị Diệp, hiệu Diệu Huệ, có ruộng tư mua được tại hai xứ Sa Khố và Suối Giữa, thuộc xã La Đái gồm 5 mẫu 4 sào tám thước đem cúng làm ruộng Tam bảo./ Quan viên và toàn dân xã Ái Nghĩa có 3 mẫu ruộng công tại xứ Thi Lân cùng với đất thổ cư ở bên trong khuôn viên vườn chùa là 3 sào dâng làm của Tam bảo để tiện việc cúng dường tôn sùng Phật pháp./ Ngày lành của tháng cuối hạ, năm Mậu Ngọ (1678) niên hiệu Vĩnh Trị (Lê Hy Tông) thứ 3 lập bia./ Bia/ Người viết chữ: Lê Phúc Thông/ Lã Hữu Thái/ Thợ khắc: Xã Quán Khái.

Những thông tin được giải mã

Đọc văn bia cổ này, các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều thông tin quý và lý thú. Trước hết, đó là thời gian hình thành chùa Phổ Khánh trên đất Quảng Nam xưa. Với chi tiết bài văn bia chùa Phổ Khánh được khắc vào năm Mậu Ngọ (1678) niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3, TS. Huỳnh Công Bá cho rằng, chùa Phổ Khánh ra đời khá sớm so với những chùa được ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí và bài văn bia chùa Phổ Khánh là một tư liệu rất quý, cho phép xếp loại bổ sung chùa này vào hàng các chùa cổ trên đất Quảng Nam mà Quốc sử quán triều Nguyễn đã bỏ sót.

Nội dung bài văn bia chùa Phổ Khánh còn “kể” cho các thế hệ hậu sinh về một số địa danh ở đất Quảng xưa, chẳng hạn địa danh Quán Khái xã (làng Quán Khái). Năm Mậu Ngọ (1678), thợ điêu khắc đá của làng này đã đi vào làng Ái Nghĩa (nay thuộc huyện Đại Lộc) để khắc bia, chứng tỏ Quán Khái đã thành lập trước đó một khoảng thời gian khá lâu.

Đến thế kỷ XVIII, làng Quán Khái được chia 2 làng, Quán Khái Tây và Quán Khái Đông, như sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi lại. Trong 2 làng này, chỉ có làng Quán Khái Đông (hay Khái Đông), nhân dân ngoài làm ruộng, vẫn tiếp tục làm nghề điêu khắc đá. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quán Khái Đông thuộc xã An Trung, huyện Hòa Vang. Từ năm 1975-1996, làng này thuộc xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; từ năm 1997 đến nay, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Theo TS. Huỳnh Công Bá, trong bài văn bia chùa Phổ Khánh, không rõ vì lý do gì, tên người khắc bia bị đục xóa nhưng ông cho rằng, quan sát kỹ có thể nhận dạng được người khắc bia có họ Huỳnh (Hoàng). Đây quả là phát hiện khá thú vị vì như vậy người khắc bia có thể thuộc tộc Huỳnh Bá - một tộc họ khai sinh nghề điêu khắc đá ở Quán Khái. Bia mộ Tiền hiền tộc Huỳnh Bá (lập vào thời vua Bảo Đại) có câu được cho là trích lại từ sắc phong: “Thạch tượng Quán Khái xã, Huỳnh Bá tộc thủy khai” (Nghề tạc tượng đá làng Quán Khái do tộc Huỳnh Bá khai sinh đầu tiên).

Văn bia đề cập việc Hội chủ Lê Cao Trí, pháp danh Chơn Thuyên; bà Nguyễn Thị Diệp, hiệu Diệu Huệ; quan viên và toàn dân xã Ái Nghĩa đem ruộng tư và ruộng công “dâng làm của Tam bảo để tiện việc cúng dường tôn sùng Phật pháp”. Điều này cho phép khẳng định vai trò to lớn của Phật giáo trong đời sống xã hội ở thế kỷ XVII, khi các vị chúa Nguyễn thực hiện chính sách hòa hiếu, thân thiện và hướng Phật ở Đàng Trong, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Phật giáo du nhập, phát triển một cách tự nhiên và nhanh chóng.

Điển hình cho việc làm này là chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), trên đại hồng chung chùa Thiên Mụ đúc năm 1710 đã cho khắc những dòng chữ: “Quốc chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào Động chánh tông đời thứ 30, pháp danh Hưng Long đúc hồng chung này nặng 3.285 cân an trí ở chùa Thiên Mụ thiền tự để vĩnh viễn cung phụng Tam bảo. Cầu nguyện gió hòa mưa thuận, quốc thái dân an, chúng sinh trong pháp giới đều hoàn thành Đại viên chủng trí. Năm Vĩnh Thịnh thứ 6, ngày Phật đản tháng Tư Canh Dần”.

Mặt khác, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Dị Cổ trong bài viết “Cúng ruộng cho chùa” (Báo Quảng Nam ngày 5-11-2016), việc tiến cúng ruộng đất cho chùa cho thấy sự phong phú đa dạng và mang đậm sắc thái văn hóa làng xã trong việc sử dụng đất đai ở nông thôn xứ Quảng xưa. Việc cúng ruộng đất cho chùa diễn ra liên tục và đồng thời với lịch sử phát triển Phật giáo ở xứ Quảng kể từ thế kỷ thứ XVII trở đi đã giúp cho “luôn luôn thâu trữ để làm kho lẫm của thiền môn. Nhờ vậy mà tứ sự (ăn, mặc, ở, thuốc men) nơi thiền môn không lúc nào thiếu hụt sự cúng dường thường đầy đủ, khiến cho sự diễn giảng giáo pháp được lưu thông, kinh vàng thường mở đọc, trống pháp vang rền, đèn từ rực sáng, bồ đề cây tươi tốt đẹp xinh, mưa cam lộ rải khắp trời tây, hoa trời rơi tản mạn đủ màu, mây lành trải qua nam cực, lá bối thành chương”.

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích