Hãy chăm sóc mẹ

.

Câu chuyện trong Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung Sook là sự tiếp nối hành trình tìm mẹ, tìm vợ và dòng hồi ức đầy day dứt của lần lượt từng thành viên trong gia đình về nhân vật chính Park So Nyo.

Bà Park So Nyo bị lạc khi cùng chồng đến nhà con trai ở Seoul để tổ chức sinh nhật cho hai vợ chồng. Park So Nyo là kiểu phụ nữ châu Á điển hình, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ này thông qua những người bà, người mẹ xung quanh mình, giàu đức hy sinh, cam chịu, hết lòng vì chồng con, rất dịu dàng nhưng cũng quá đỗi ngoan cường. Câu cửa miệng của bà luôn là “Mẹ khỏe, mẹ ổn. Các con đừng lo cho bố mẹ, hãy chăm sóc thật tốt cho bản thân”. Bà làm quần quật cả ngày, từ lúc lấy chồng cho tới khi sinh 4 mặt con và lần lượt từng đứa con rời đi để lo sự nghiệp. Bà cũng là người phụ nữ rất đỗi bình thường, có hỉ nộ ái ố, có lúc la mắng các con khi bọn chúng phạm lỗi, có lúc giận dỗi và phạm sai lầm. Nhưng tuyệt nhiên bà không hề than vãn hay trách cứ bản thân.

Tôi tự hỏi có khi nào, một chút thôi, người phụ nữ ấy muốn “vùng lên” khỏi căn bếp và công việc nội trợ mệt mỏi? Liệu rằng có lúc nào bà khao khát được biết thế giới bên ngoài ngôi nhà hẹp của mình rộng lớn và rực rỡ ra sao? Và hơn hết, mơ ước riêng của cuộc đời bà là gì, ngoài những giấc mơ gắn liền với mong ước của những đứa con? Không ai rõ điều này, kể cả những người bà dành trọn cả đời để thương yêu và bảo vệ.

Điều đặc biệt ở câu chuyện này là không chỉ nhân vật người mẹ vô cùng quen thuộc, mà chúng ta còn dễ dàng nhìn thấy bản thân mình qua hình ảnh những người con. Tuy nhiên, tất cả những hình ảnh quen thuộc trong câu chuyện đều có thể làm tim ta đau nhói.

Những người con đều có cuộc sống rất tốt, đều khiến mẹ tự hào. Họ rất yêu thương mẹ, nhưng ai cũng có đôi lần to tiếng với bà cũng như hiếm khi tâm sự về công việc, về tình cảm..., dù bà gặng hỏi. Tôi không nghĩ họ vô tâm, chỉ là họ cảm thấy mẹ vẫn ở đây. Khi họ mải mê với những xô bồ của cuộc sống, mẹ vẫn ở đây thôi, vẫn đón họ với nụ cười tươi tắn khi họ trở về, vẫn thoăn thoắt làm biết bao nhiêu món ngon, vẫn sẵn sàng dung thứ cho mọi sai lầm của họ. Họ lớn lên bên cạnh mẹ, họ nghĩ họ rất hiểu mẹ. Nhưng tới khi mẹ đi, họ ngỡ ngàng nhận ra mình chưa từng hiểu mẹ.

Anh con trai cả được bà Park So Nyo đặt kỳ vọng nhiều nhất, nhiều đến nỗi bà gắn cả ước mơ trở thành công tố viên của anh là ước mơ của chính cuộc đời mình. Khi anh ngậm ngùi vì không thể hiện thực ước mơ, anh không hề hay biết giấc mơ cuộc đời mẹ mình cũng dở dang và bà luôn cảm thấy có lỗi với anh khi nghĩ về chuyện này.

Cô con gái lớn đã ngờ ngợ về việc mẹ mình không biết chữ nhưng chưa lúc nào cô chủ động tìm hiểu mà chỉ vỡ òa khi biết bà phải nhờ một người xa lạ đọc cuốn sách mình sáng tác.

Cô con gái thứ là người con mang về nhiều niềm vui nhất cho bà. Tuy nhiên, cô cũng không hề biết mẹ mình từng bị đột quỵ và sức khỏe đã kém hơn trước rất nhiều.

Không nút thắt, không nhiều cao trào, nhưng Hãy chăm sóc mẹ - với những câu chữ bình thường, nhịp kể đều đều - vẫn đủ sức gieo vào lòng ta những gợn buồn mênh mang, chảy tràn không dứt. Tôi tin rằng, khi gấp cuốn sách lại, bạn sẽ muốn chạy đến ôm thật chặt mẹ mình và thầm thì: “Con yêu mẹ”…

Tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ đã giúp cho nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung Sook trở thành nữ tác giả đầu tiên đoạt giải thưởng văn học châu Á Man (Man Asian Literary Prize). Cuốn sách được xuất bản tại 19 nước và tạo nên cơn sốt trên thị trường sách châu Á. Tại Việt Nam, sách được Công ty Nhã Nam phát hành, do Lê Hiệp Lâm - Lê Nguyễn Lê dịch.

THANH LAM

;
;
.
.
.
.
.