KỶ NIỆM 111 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (8-3-1910 - 8-3-2021)

Nguồn cội của mọi tình yêu thuần khiết

.

Nhiều năm rồi, kể từ ngày còn đi học cho đến lúc đi làm, tới biết bao chỗ, ngồi biết bao cuộc, gặp biết bao người, tôi thật tình chưa bao giờ nghĩ mình là nữ giới trong các cuộc tiếp xúc. Rào cản và các quy ước về nữ giới dường như chưa bao giờ hiển hiện với tôi: Luôn chủ động bắt tay trước, bắt tay thật chặt, mắt nhìn thẳng, miệng nở nụ cười... Chúng ta giao tiếp bằng tinh thần, bằng sự ngưỡng mộ quãng đời nhau đã trải, bằng những lĩnh hội chúng ta có được từ bao niềm vui, nỗi buồn, bao đau đớn, vỡ nát, hoài nghi, cũng như bao lần nỗ lực bước ra khỏi vũng lầy của chính mình, bao lần tự rèn giũa bản thân để trở nên hài hòa hơn, bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn trong từng ngày sống. Tất cả những điều ấy đâu có loại trừ ai, dù nam hay nữ?

Tôi nhớ ba tôi - một người cha miền Trung điển hình, luôn xét nét từng chút chuyện quần áo của con gái. Quần phải dài, áo phải kín cổ. Suốt từ thơ ấu cho tới khi thiếu niên, tôi ăn mặc làm hài lòng ba tôi. Còn nhớ, đó là năm tôi tròn 16 tuổi, đã biết để dành tiền mua một chiếc váy xòe ngang gối. Mua cái váy hơn một tuần, tôi mới đủ dũng cảm để mặc. Nhưng không ngoài dự đoán, ba tôi nổi giận, bắt phải thay cái váy ngay lập tức. Chẳng hiểu sao câu chuyện ấy ở lại với tôi lâu như vậy, dù bao năm đã qua. Tôi còn nhớ cảm giác vừa giận, vừa sợ ba; hay cảm giác vừa khám phá phần nữ tính huyền diệu trong tâm thức của đứa con gái mới lớn, được rèn dạy nghiêm khắc với tinh thần vững vàng và sự can trường của một người đàn ông.

Mối quan hệ của tôi với ba, mà cái váy chỉ là một lát cắt, đã rất khó khăn trong cả quãng đời dài. Nhờ sự nuôi dạy nghiêm khắc và sự tôi rèn kiểu “ngựa chiến” của ba, tôi bước ra đời với tất cả sự can trường, quyết liệt, mạnh mẽ, không bao giờ chùn bước. Tôi mang lời dạy của ba về chính nhân quân tử, về sự chính trực, về lễ nghĩa, về trên dưới, về nhường nhịn, về tất cả những gì mà các cô gái và các chàng trai được dạy để thành người thời đó. Nhưng mãi sau này tôi mới biết, ba quên dạy cho con gái mình về sự dịu dàng. Về tính nữ.

Ba má tôi, cũng như nhiều bậc cha mẹ thời đó, với áp lực cơm gạo sinh tồn đè lên vai, nào đâu nhớ đến những thứ chẳng ích gì cho sự sinh tồn. Sự dịu dàng mà tôi thiếu sót ấy, dường như chẳng ảnh hưởng gì đến sự nghiệp của tôi. “Ngựa chiến” trên thương trường đâu có cần dịu dàng, tôi đã nghĩ vậy.
Cho đến ngày tôi biết yêu một người. Sự ân cần, dịu dàng của một người đàn ông làm tôi sực tỉnh. Hóa ra có những khoảnh khắc mà sự quyết liệt trở nên thừa thãi; hóa ra có những khoảnh khắc mà sự dịu dàng, từ phía đàn ông hay phụ nữ, có thể thay đổi mọi điều; hóa ra sự dịu dàng còn mang ý nghĩa của tình yêu trọn vẹn và thật sự; hóa ra bằng cách tặng sự dịu dàng, ta có thể tặng họ bình an và hạnh phúc.

Đó là nhận thức mãi mãi thay đổi đời tôi. Từ đó, tôi biết khóc với người thân yêu của mình, biết đòi hỏi mè nheo; biết để cho mọi người giúp. Tôi biết mở lòng ra mặc cho tổn thương kéo tới, biết yêu mà không đòi đáp lại, biết lắng nghe với trọn vẹn bao dung. Tôi biết để mình sai, để người khác được sai, và không đòi hỏi người ta phải hiểu mình đúng như mình mong muốn. Từ đó, tôi muốn ít hơn, và thường lặng lẽ, nhiều hơn. Tôi đã dịu dàng hơn rất nhiều.

Nói về tính nữ là nói về tình yêu. Nếu phải dùng chỉ một từ để nói về phụ nữ, tôi chọn từ tình yêu. Đó là thứ tình mênh mang sâu lắng như biển cả của người mẹ, thứ tình mát ngọt dịu hiền như của người yêu, thứ tình thủy chung tròn đầy như trăng của người vợ; và thứ tình trong trẻo, ngọt ngào như sương mai của em gái, con gái. Ta mang sự dịu dàng của mình vào trọn vẹn trái đất này, phủ lên nó tình thương vô điều kiện của chúng ta. Đó là nguồn cội của mọi tình yêu thuần khiết trên đời này, và chỉ có những ai đủ dịu dàng mới tìm thấy bí mật giản đơn ấy.

NGÔ PHƯƠNG THẢO

;
;
.
.
.
.
.