Lan man chuyện "trẻ trâu"

.

Một lần ngồi cùng vợ chồng anh Vũ Xuân Lương - Trung tâm Từ điển học VIETLEX, trong một con phố Hà Nội, lúc cao hứng, tôi mạo muội nói về hai từ “trẻ trâu” nhân năm Tân Sửu. Theo tôi, có hiện tượng giới trẻ sính dùng từ “sửu nhi” là từ Hán - Việt thay thế cho từ “trẻ trâu”. Bởi, như bài viết “Sửu nhi là gì và vì sao chê nhau là sửu nhi” (trang Tintucvietnam.vn) có nêu: Sửu nhi thực chất không xa lạ gì, nó chỉ là phiên bản dịch Hán - Việt của từ “trẻ trâu” mà giới trẻ nói đến, “sửu” là “trâu” và “nhi” là “trẻ”. Tuy nhiên, với khả năng sáng tạo ngôn ngữ vô cùng tận của giới trẻ, thì “sửu nhi” nghe thú vị và ngôn tình hơn rất nhiều so với “trẻ trâu”… 

Bài viết của trang này còn khẳng định “có thể dễ dàng thấy hiện tại trên các fanpage, mạng xã hội đang tràn ngập khái niệm hài hước này. Nó là sự phản ánh trước thói a dua, tâm lý đám đông và thói ngông cuồng, lối sống lệch lạc, tật xấu của những thanh niên hiện nay. Sửu nhi cũng dùng để chỉ những tên đầu gấu, dân chơi, fan cuồng, thanh niên thôn hay anh hùng bàn phím”…

Anh Vũ Xuân Lương bật cười: "Làm từ điển không thể dễ dàng giải thích chung chung như vậy được! Với một từ mới xuất hiện trong đời sống ngôn ngữ, chúng tôi phải sử dụng kho ngữ liệu để xem từ đó xuất hiện với tần suất bao nhiêu và được dùng cụ thể như thế nào trong các văn bản thì mới quyết định xem có nên đưa vào từ điển hay không. Ví dụ như trong Từ điển Tiếng Việt (do GS Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng), mỗi lần tái bản chúng tôi đều có bổ sung những mục từ mới, nghĩa mới. “Trẻ trâu” cũng là một từ mới mà chúng tôi đã bổ sung trong lần tái bản gần đây nhất - năm 2020".

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Rồi anh Lương dẫn giải: "Lục tìm trong kho ngữ liệu, chúng tôi thấy rằng, “trẻ trâu” đã được dùng trong các tác phẩm văn học cổ. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Phạm Công - Cúc Hoa” (truyện Nôm khuyết danh, xuất hiện khoảng giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19), có câu “Học trò trông thấy lang thang/ Đem lòng khinh rẻ coi thường trẻ trâu…”. Rồi từ “trẻ trâu” cũng xuất hiện trong các tác phẩm văn học hiện đại như “Cỏ dại” (1944) của Tô Hoài, “Bến không chồng” (1970) của Dương Hướng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường... Trong các tác phẩm đó, “trẻ trâu” đều chỉ đứa trẻ chăn trâu, chăn bò có bản tính hồn nhiên, ngây ngô và nghịch ngợm. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy rằng, từ “trẻ trâu” ngày nay biến đổi thêm hai nghĩa mới trong hai ngữ huống. Bên cạnh nghĩa thứ nhất chỉ trẻ chăn trâu, chăn bò nói chung ở các vùng quê Việt Nam, thì “trẻ trâu” còn chỉ “thanh thiếu niên tính tình ngổ ngáo, thích thể hiện cái tôi, dẫn đến có những hành động dại dột, thiếu chín chắn (hàm ý phê phán, chê bai hoặc mỉa mai) và để chỉ như “trẻ ranh” (hàm ý khinh thường) hoặc dùng làm tiếng chửi rủa (Đồ trẻ trâu!)".

Thế nhưng, các bạn trẻ hiện nay lại thích dùng từ “sửu nhi” để thay thế cho từ “trẻ trâu”, nhất là ngôn ngữ sử dụng trên mạng xã hội, kể cả báo điện tử… Trước băn khoăn việc sính dùng từ Hán - Việt, đôi lúc sai cách, sai nghĩa - của giới trẻ, anh Lương giải thích: “Có lẽ do nhận thấy “sửu nhi 丑兒” là từ Hán-Việt, với “sửu” là “ký hiệu thứ hai trong địa chi, lấy trâu làm tượng trưng; sau Tí trước Dần, dùng trong phép đếm thời gian cổ truyền của Trung Quốc và một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam”, và “nhi” là “trẻ” như trong “ấu nhi” (trẻ nhỏ), “nhi đồng” (trẻ em ở độ từ bốn, năm đến tám, chín tuổi)…, nên đã có cách dùng “sửu nhi” thay cho “trẻ trâu”.  “Tuy nhiên, điều bất ngờ là khi tra cứu từ điển như Hán Việt Tự Điển (Trần Văn Chánh), Hán Việt Tự Điển (Thiều Chửu), chúng tôi thấy “sửu 丑” ngoài nghĩa “trâu”, còn có một nghĩa khác là “hề, vai hề”. Ở đây, “sửu nhi 丑兒” được hiểu là thằng hề, vai hề trẻ con trong các tích tuồng xưa, tương tự như “hề đồng” - nhân vật đầy tớ, đồng thời là vai hề, trong tuồng, chèo, truyện cổ”, anh Lương nêu thêm dữ liệu.

Hình ảnh những đứa trẻ hiền lành, đầu trần, chân đất giúp cha mẹ trong việc chăn trâu, cắt cỏ hằng ngày đã làm nên nét đẹp dân dã, thân thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam. Nhưng nay, trong cuộc sống hiện đại, lũ "trẻ trâu" đó đã "thay hình đổi dạng" trở thành một "biểu trưng" mới với sự liên tưởng khêu gợi, thách thức trí tò mò. Đó cũng là sự kỳ diệu mà ngôn ngữ đem lại!

NGUYỄN THÀNH

;
;
.
.
.
.
.