Sẽ còn thêm bao nhiêu vòng xe nữa của cha?

.

Có một chi tiết cứ trở đi trở lại trong tôi sau khi xem phim Bố già - phim điện ảnh hài tình cảm do Trấn Thành Town, HKFilm và Galaxy Studio sản xuất, đó là trò thách thức: “Đã bao lâu rồi bạn chưa chụp hình với cha mình?”. Không nghi ngờ gì nữa, tôi tin rằng, đây cũng là tình tiết khiến nhiều khán giả trẻ giật mình, chúng ta đang nhìn thấy bản thân thông qua hình ảnh của Quắn (Tuấn Trần thủ vai), người con trai không ít lần lớn tiếng với cha mình: “Làm ơn, mỗi người hãy sống cuộc đời của mình đi”. Quắn, bạn hay tôi, chúng ta là đều là những người trẻ không phải lúc nào cũng đủ yêu thương để muốn tiến lên phía trước cùng người thân.

Nhà tôi bây giờ chỉ còn mỗi hai người là cha và mẹ nhưng lại có thật nhiều xe. Hai chiếc xe đạp bình thường và hai chiếc xe đạp điện. Cu Út làm thợ sửa xe, thấy người ta bán lại xe cũ còn tốt thì cứ thế lần lượt mua về, nó đâu biết rằng, cha bây giờ chỉ có thể xoay trở chiếc xe còm nhẹ nhất, chiếc xe vốn dĩ là bạn của cha trong suốt mấy chục năm qua. Và, không phải vì xe mới quá nặng, mà có lẽ do cha đã quá già.

Khi tôi chưa ra đời, cha làm nghề đưa thư cho Hợp tác xã. Sau này có dịp, tôi nghe bà con trong vùng kể lại, ông là người trung thực, chịu khó. Cách ông yêu nghề, thương người cũng có một không hai. Mỗi lần có thư, ông phải tìm đúng tên người nhận đề trên thư, dù chủ nhân đi vắng bao nhiêu lần thì ông cũng sẽ trở lại tìm bấy nhiêu lượt, để trao tận tay. Ông không bao giờ ký gửi qua họ hàng, chòm xóm hay người thân quen. Cha bảo, thời kỳ hậu chiến có nhiều thông tin rất quan trọng.

Sự trở về, tìm đến của ai đó có thể là nỗi đau khổ hay niềm hạnh phúc rất to lớn của một người, một gia đình, cha không muốn và cũng không thể trao nhầm. Cha miệt mài trao gửi những lá thư suốt một thời gian dài. Đến lúc mấy chị em tôi ra đời thì điều kiện thông tin liên lạc của cả nước nói chung, địa phương nói riêng cũng đã được nâng cấp. Cha nghỉ việc, về làm người nông dân bình thường. Chiếc xe đạp cùng cha rong ruổi ngày nào bây giờ trở thành phương tiện để cha chở đậu, chở lúa, chở củi và đưa đón tôi đi học.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi còn nhớ, cha tôi rất hay hát. Ngày hai lượt đưa đi đón về ông đều hát những bài khác nhau. Cha hát rất to, tôi cảm tưởng mỗi khi ông hát thì những vòng xe sẽ được quay mạnh hơn, và chắc hẳn gương mặt ông cũng đang rạng rỡ. Ngay thời điểm đó, cha không phải là người duy nhất đang vui. Từ đằng sau, níu chặt vạt áo đẫm mồ hôi, tôi nghĩ sẽ chẳng lúc nào mình còn nhận được nhiều yêu thương và hạnh phúc hơn thế.

Tháng ngày trôi qua, những vòng xe của cha bắt đầu quay nhanh hơn nhưng những bài hát thì càng ít lại. Cha cật lực lao động ngày đêm mong đủ trang trải cái ăn cái mặc cho bốn chị em tôi. Hết mùa thì ai kêu gì làm nấy, đúng mùa thì ai vứt bỏ mảnh đất nào, dù đồng cao trũng thấp, cha đều nhận về cày cuốc, gieo trồng. Có những trưa đứng bóng rồi những đêm trăng lên, đợi mãi, tôi vẫn chưa nghe thấy tiếng xe cha trở về.

Nhà tôi ở làng, trước thì không giàu có, bây giờ khi đã đầy đủ hơn thì con cái không còn nhiều dịp để ở bên mẹ cha, vậy nên chúng tôi không hề có những cuốn album ảnh như gia đình chúng bạn. Tất cả những hình ảnh, những kỷ niệm, những thăng trầm đó, tôi chỉ còn cách giữ chúng lại trong tim.

Và, bây giờ, nếu được chụp một bức hình cùng cha, tôi sẽ không như cách bình thường, luôn chọn những góc nghiêng để che đi khuyết điểm, mà tôi sẽ bắt trọn những nếp nhăn, những sợi tóc bạc, những đường gân guốc thô kệch khắc khổ của cha. Tôi sẽ níu gần lại, bao bọc lấy tuổi già của ông.

Tôi biết, cha dù vẫn đang ở đó nhưng thời gian sẽ vội vã mang ông rời đi. Cuộc đời sẽ không có những vòng xe vô tận để cha tiếp tục hát, và tôi mãi ngồi phía sau.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.