Chặn sốt ảo bất động sản, không khó!

.

Sốt đất bắt đầu từ ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Giá bất động sản (BĐS) được bơm thổi lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thật, tiềm ẩn bao rủi ro đối với người mua, đồng thời gây méo mó thị trường và đẩy các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cùng các địa phương vào thế lúng túng.

Hiện tượng “bong bóng” BĐS từng xảy ra từ 10 năm trước. Khi đó, dòng tiền chảy mạnh vào nhà, đất nhưng giao dịch ảo là chủ yếu, tạo nên những đợt sốt giá kinh hoàng. Khi các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc, cùng với đó là chính sách siết tín dụng BĐS, thị trường lập tức khựng lại và lúc này, những doanh nghiệp và cá nhân đầu cơ không kịp xả hàng đã phải phá sản rất nhanh sau đó. Dư chấn của “bong bóng” BĐS lúc ấy là thiết lập mặt bằng giá nhà, đất mới cao hơn trước, tức là những người có nhu cầu về nhà ở thật sự phải lao động vất vả hơn, dành dụm nhiều hơn và lâu hơn mới hy vọng có được chỗ an cư.

Lần này, biểu hiện của “bong bóng” BĐS đã phát lộ, khi ở nhiều địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh lần lượt công bố thông tin điều chỉnh quy hoạch chung, kèm với đó là sự khởi động của nhiều đại dự án quan trọng như sân bay, đường cao tốc, khu đô thị mới…

Một nguyên nhân nữa là do lãi suất tiền gửi ngân hàng khá thấp, trong khi thị trường vàng có quá nhiều rủi ro, BĐS trở thành kênh lưu trú của dòng tiền. Người nắm nhiều tiền nhàn rỗi lại thiếu thông tin và hám lợi, khi gặp “cò” huyên thuyên, bơm thổi về quy hoạch, về triển vọng sinh lời… thì rất dễ chốt kèo. Nhiều nơi như vậy đã dẫn đến cơn sốt đất dây chuyền.

Nhìn đoàn người rồng rắn kéo về Hớn Quản (Bình Phước), Thiện Nghiệp (Phan Thiết, Bình Thuận), Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ (Đồng Nai), Bảo Lộc, Đức Trọng (Lâm Đồng), Cần Giờ, Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), hay Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội) coi đất và xuống tiền tại chỗ, sẽ thấy tình hình “nóng” đến mức nào. Trong số đó, rất nhiều trường hợp mua bán sang tay bất chấp khả năng có được tách thửa, chuyển tên hay không; bất chấp dự án có vướng quy hoạch hay không; kể cả đó có thể là dự án “ma”, cũng kệ!

Giá BĐS quá ảo so với giá trị thật, thị trường bất ổn, nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai dự án và nhiệm vụ điều hành kinh tế - xã hội tại địa phương… là những mặt trái do sốt đất gây nên, mà trường hợp Alibaba là bài học đắng.

Để chấn chỉnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất với từng loại đất, theo từng vùng quy định của Luật Đất đai; ban hành Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về giá đất nhằm xác định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất, định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất. Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng Ngân hàng Nhà nước đồng loạt lên tiếng, đề ra các giải pháp để kiểm soát thị trường.

Trong số các giải pháp kiểm soát của những bộ kể trên đề ra, có thể thấy đề xuất của Bộ Xây dựng là sát thực tế: “Tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp”.

Tương tự, Bộ TN&MT đề nghị: “Việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt”.

Thực tiễn cho thấy nơi nào sớm công khai thông tin về quy hoạch thì sẽ kịp thời ngăn chặn tình trạng tung tin, thổi giá. Ngược lại, ở đâu thông tin về quy hoạch còn tù mù thì giới đầu cơ nơi đó còn đất sống, thậm chí được vỗ béo. Thế nhưng, thẩm quyền duyệt quy hoạch không phải lúc nào cũng nằm trong tay lãnh đạo tỉnh, thành mà còn phụ thuộc rất nhiều bộ, ngành Trung ương. Do vậy, về trách nhiệm “hạ sốt” BĐS, các bộ hữu quan như Xây dựng, TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư… không thể đứng ngoài cuộc.

Tất nhiên, trách nhiệm của UBND tỉnh, thành là trọng yếu. Một số địa phương đã làm rất tốt việc bình ổn thị trường BĐS thời gian qua. Hiện tượng sốt đất ở thành phố Đà Nẵng là có thật, cho nên sau khi UBND thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, đồng thời ban hành sửa đổi, bổ sung “Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024”, Sở TN&MT thành phố đã sớm có thông cáo báo chí, nêu rõ hiện trạng và khuyến cáo người dân “cần tìm hiểu kỹ thông tin có liên quan đến khu đất, dự án dự kiến đầu tư, để tránh rơi vào các chiêu trò thổi phồng thị trường, tăng giá đất ảo...”, nhờ đó mặt bằng giá thị trường BĐS đã về ngưỡng giá trị của tài sản.

Rõ ràng, công khai minh bạch là liều thuốc hữu hiệu để chặn cơn sốt ảo BĐS bất cứ lúc nào.

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.