CHÍNH SÁCH DÂN SỐ HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Lựa chọn sinh con phù hợp để nuôi dưỡng tốt

.

So với nhiều địa phương khác, tỷ lệ sinh con thứ 3+ ở Đà Nẵng không cao. Song, việc sinh con thứ 3+ vẫn là một trong những rào cản đối với công tác giảm nghèo, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ và cơ hội nuôi dạy con cái khôn lớn. Việc sinh nhiều con sẽ làm giảm chất lượng dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, kìm hãm sự phát triển kinh tế gia đình và toàn xã hội.

Thời gian gần đây, tỷ lệ sinh 3+ ở Đà Nẵng đã giảm dần qua các năm, từ năm 2015 là 5,80%, đến năm 2020 còn khoảng 5,15%. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh cũng không có sự chênh lệnh lớn. Theo kết quả thực hiện Đề án dân số và phát triển của Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 của thành phố Đà Nẵng (do Sở Y tế công bố), tỷ số giới tính khi sinh đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, tức là tỷ số giới tính khi sinh không quá 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, đặc biệt tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 đạt 103,3%, năm 2020 là 105,3%.

Có thể nhận rất rõ điều này tại quận Ngũ Hành Sơn. Trong năm 2020, số trẻ em sinh ra là 1.152 trẻ, tăng 63 trẻ so với năm 2019, tỷ suất sinh thô là 12,63%, giảm 0,22%, vượt chỉ tiêu thành phố giao (chỉ tiêu giao giảm 0,05%); số trẻ sinh ra là con thứ 3+ là 61 trẻ, chiếm 5,3%, giảm 3 trẻ, giảm 0,6% so với năm 2019, giảm vượt chỉ tiêu giao (chỉ tiêu giảm 0,1%); còn tỷ lệ giới tính khi sinh là 103,2 trẻ nam sinh ra sống/100 trẻ nữ sinh ra sống.

Có được kết quả này, trước hết là nhờ công tác chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhằm đưa chỉ tiêu giảm sinh con thứ 3+ vào các kế hoạch hằng năm của các cấp. Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố đã phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể cùng mạng lưới dân số chuyên trách thực hiện tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số đến người dân.

Đặc biệt là việc xây dựng và duy trì hoạt động “Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” tại 56 phường, xã. Các cơ sở y tế cung cấp đầy đủ gói dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) gần dân để giúp phòng tránh có thai ngoài ý muốn.

Tuy nhiên, qua kết quả điều tra về dân số trong những năm gần đây, Đà Nẵng có tỷ lệ dân cư sống ở khu vực thành thị cao nhất nước với tỷ lệ 87,2%. Trong 10 năm (2009-2019), tăng trưởng dân số bình quân của thành phố là 2,45%, xếp thứ ba trong cả nước về tốc độ tăng trưởng dân số với sự đóng góp rất lớn của dân số di cư từ ngoại tỉnh đến.

Mật độ dân số (chỉ tính trên đất liền) của Đà Nẵng hiện bằng một nửa mật độ dân số của Hà Nội, bằng 1/4 mật độ dân số của Thành phố Hồ Chí Minh và xếp thứ 6 trên toàn quốc. Nhưng nếu so sánh giữa các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa trở vào phía Nam thì mật độ dân số của Đà Nẵng chỉ kém Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy, Đà Nẵng đã ở mức độ tập trung rất cao về đô thị hóa.

Vì vậy, kiểm soát việc sinh con thứ 3+ là điều cần thiết để nâng cao chất lượng dân số và bảo đảm an sinh xã hội. Nhà nước cũng đã có những thay đổi mới về chính sách dân số. Theo Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28-4-2020 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, ở địa phương, phải thực hiện “vận động sinh ít con hơn ở nơi mức sinh còn cao, duy trì ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế và sinh thêm con ở những nơi mức sinh đã xuống thấp”. Điều này cũng có tác động không nhỏ đến công tác vận động giảm sinh con 3+ và thực hiện các biện pháp KHHGĐ nếu không có sự tuyên truyền và giải thích rõ ràng cho người dân.

Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ, nhất là người dân tại các địa bàn khó khăn có mức sinh cao, không ổn định. Song song đó, tổ chức các hội thảo, tập huấn trang bị kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ 3+, để họ tự xây dựng cho mình các ý thức cũng như lựa chọn phù hợp trong việc sinh con và nuôi dưỡng tốt hơn.

ĐOÀN HẠO LUƠNG

;
;
.
.
.
.
.