Chuyện về chiếc khẩu trang

.

Khi cả thế giới bắt đầu chao đảo vì Covid-19, chiếc khẩu trang vốn hữu dụng lập tức trở thành mặt hàng “hot” nhất. Giờ đây, khi Covid-19 bước sang năm thứ hai, khẩu trang vẫn là mặt hàng “hot” bởi nó hiện diện trong đời sống thường nhật của người dân nhiều quốc gia. Xưa nay người ta quen với hình ảnh các nhân viên y tế và bệnh nhân đeo khẩu trang trong khi khám chữa bệnh. Giờ thì đã khác, dường như mọi người trên trái đất đều mang khẩu trang…

Chiếc khẩu trang có lẽ đã xuất hiện từ lâu lắm. Dựa vào những ghi chép của nhà thám hiểm người Ý là Marco Polo đến Trung Quốc hồi thế kỷ 13 khi được một vị quan lớn nhà Nguyên mời dự yến tiệc, lúc đó, ông thấy những người hầu đều đeo quanh miệng một mảnh vải lụa mà theo giải thích là nhằm ngăn hơi thở của họ “ám” vào thức ăn.

Và dĩ nhiên loại “khẩu trang” này chỉ xuất hiện ở những nơi danh gia vọng tộc, hoàn toàn không vì mục đích phòng ngừa dịch bệnh.

Mãi đến năm 1619, khi bệnh dịch hạch giết chết gần nửa triệu người ở Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha..., chiếc khẩu trang y tế đầu tiên ra đời. Trên chặng đường dài 6 thế kỷ, chiếc khẩu trang có thể thay đổi hình dáng, chất liệu, kết cấu… nhưng chức năng ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật vẫn được giữ nguyên như lúc ban đầu.

Riêng ở nước ta, phụ nữ Việt Nam vốn tinh tế và yêu cái đẹp, họ đã biến chiếc khẩu trang không chỉ để ngăn vi khuẩn, bụi, mà còn thêm chức năng bảo vệ làn da trước nắng gió khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Và cũng từ đó, chiếc khẩu trang y tế đơn điệu về màu sắc, kiểu dáng lại trở thành mặt hàng thời trang đầy phong cách…

Có thể nói rằng, bất cứ người phụ nữ Việt nào cũng có ít nhất dăm ba cái khẩu trang để dùng hằng ngày. Cái dùng cho trời nắng, cái dùng lúc trời mưa. Thậm chí màu sắc, kiểu dáng phải đi đôi với áo quần túi xách, giày dép. Có khi hứng chí còn sắm luôn khẩu trang “đôi” (cặp) với người thân, bạn bè. Thậm chí, có hẳn dịch vụ thiết kế, kinh doanh khẩu trang “2 trong 1” (chẳng hạn bao gồm tính năng chống nước và kháng khuẩn) dành cho phụ nữ. Vậy nên, không lạ gì khi ra đường đi dăm bước lại gặp một quầy bán khẩu trang, găng tay và mũ nón.

Cảm giác của nhiều khách nước ngoài khi đến Việt Nam du lịch đã rất ngạc nhiên khi trông thấy dòng người mang khẩu trang ngược xuôi trên phố. Đối với họ, chỉ những người mắc bệnh truyền nhiễm mới mang khẩu trang. Vậy mà ở xứ ta, khẩu trang là vật bất ly thân khi ra đường của mọi người. Đôi khi cũng nên cảm ơn những phụ nữ Việt, chính họ đã tạo thói quen mang khẩu trang mọi lúc, mọi nơi, nên khi có đại dịch Covid-19, chúng ta đã không ngỡ ngàng, không xa lạ với các biện pháp ngăn ngừa cơ bản bằng khẩu trang và nước rửa tay…

Tháng 5-2020, Israel đã tạo ra loại khẩu trang chống dịch nhưng vẫn cho phép người dùng đeo khi ăn uống. Tháng 6-2020, các nhà khoa học nước này phát minh ra khẩu trang sử dụng nhiều lần có thể diệt SARS-CoV-2 bằng nhiệt. Tháng 8-2020, Công ty vận hành chuỗi nhà hàng Saizeriya tại Nhật Bản công bố việc chế ra được khẩu trang tiện lợi kết hợp với khăn giấy dành cho thực khách đeo, với mong muốn mọi người vẫn có thể tận hưởng việc ăn uống ở các nhà hàng trong lúc Covid-19 đang hoành hành.

Thế mới biết, chuyện chiếc khẩu trang đến nay vẫn chưa có hồi kết...!

LÊ THẮNG

;
;
.
.
.
.
.