Dáng đứng bên bờ Hiền Lương

.

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ sông Bến Hải giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), nơi được phân chia giới tuyến tạm thời theo Hiệp định Genève năm 1954. Để bảo vệ giới tuyến, lực lượng Công an vũ trang nói chung, Đồn Công an vũ trang Hiền Lương nói riêng đã đứng mũi chịu sào để đấu tranh từ mềm dẻo đến cứng rắn và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử giao phó.

Cầu Hiền Lương lịch sử. Ảnh: THÁI MỸ
Cầu Hiền Lương lịch sử. Ảnh: THÁI MỸ

Xe chúng tôi dừng lại phía bờ bắc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thì cơn mưa trút xuống sầm sập trắng cả đất trời. Dù đã đặt chân tới mảnh đất lịch sử này nhiều lần nhưng lòng tôi vẫn ngập tràn bao cảm xúc. Đợi cơn mưa dứt hẳn, tôi lần lượt ra cầu Hiền Lương, Cột cờ giới tuyến, Nhà trưng bày vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất, Nhà liên hợp, Đồn Công an vũ trang Hiền Lương. Tôi lặng lẽ hồi lâu bên Đồn Công an vũ trang Hiền Lương, một chứng tích đã trở thành biểu tượng kiên trung, bất khuất trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc…

Những người đầu sóng

Sau khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 dọc sông Bến Hải làm phân định giới tuyến tạm thời, quân đội liên hiệp thực dân Pháp phải rút toàn bộ về phía nam sông Bến Hải, còn những người hoạt động cách mạng phải tập kết ra Bắc. Đây là khu phi quân sự chừng 1,6 km2 về mỗi bên bờ sông Bến Hải. Giới tuyến được tính từ biên giới Việt - Lào cho đến bờ Biển Đông, không có ý nghĩa về lãnh thổ, chỉ để chuẩn bị cho việc tổng tuyển cử, thống nhất đất nước vào năm 1956 theo Hiệp định.

Đúng 10 ngày sau khi Hiệp định Genève được ký kết, các ông Nguyễn Thanh Hà, Trần Tình, Võ Bảng, Nguyễn Anh Thạc được lệnh của Liên khu 4 phải về ngay các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh khảo sát địa bàn phục vụ việc xây dựng các trụ sở của lực lượng Công an vũ trang Vĩnh Linh. Đến giữa tháng 8-1954, Liên khu 4 điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong để thành lập 10 đồn Công an vũ trang và phía địch cũng lập ngay 10 đồn cảnh sát dọc hai bên bờ sông Bến Hải nhằm kiểm soát người qua lại.

Ngày 26-10-1955, Ngô Đình Diệm làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa tiếp tục hiếu chiến, công khai phá hoại Hiệp định Genève, kiên quyết không tham gia tổng tuyển cử. Tuy có Tổ giám sát quốc tế 76 về thực hiện Hiệp định Genève, nhưng phía bờ nam sông Bến Hải, đối phương ngày càng tăng cường cảnh sát dã chiến lùng sục, bắt bớ, tra tấn dã man những người mà chúng nghi hoạt động cách mạng, mở các đợt càn quét, bắn phá, lùa dân làng vào ấp chiến lược để dễ bề kiểm soát, dùng mọi thủ đoạn để đè bẹp ý chí của những phụ nữ có chồng tập kết ra Bắc, buộc họ phải ly khai cách mạng.

Đến năm 1958, chúng tuyên bố khóa tất cả các bến bãi, hô hào lấp sông Bến Hải để tiến ra Bắc. Một số đồn Công an vũ trang của ta và cảnh sát của chúng cũng được bỏ bớt. Phía bờ bắc của Việt Nam dân chủ cộng hòa còn Đồn Công an vũ trang Cửa Tùng, Đồn Công an vũ trang Hiền Lương. Bên bờ nam còn hai đồn cảnh sát Cát Sơn và Xuân Hòa.

Đồn Công an vũ trang Hiền Lương nằm cạnh đầu cầu phía Bắc do ông Nguyễn Anh Thạc làm Đồn trưởng, ông Võ Văn Thê làm Đồn phó khi mới thành lập có 9 người, về sau bổ sung 24 cán bộ, chiến sĩ, được trang bị súng ngắn và tiểu liên AK. Đồn không chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn các hành vi xâm phạm giới tuyến mà còn là nơi đón tiếp, làm việc với các đoàn khách quốc tế.

Đồn Công an vũ trang Hiền Lương cũng là trụ sở tổng chỉ huy toàn bộ lực lượng Công an vũ trang dọc phía bờ bắc. Vào các ngày chẵn, tổ Công an vũ trang  của Đồn Công an vũ trang Hiền Lương gồm 3 chiến sĩ mang sổ trực sang Đồn cảnh sát Xuân Hòa ở bờ nam. Vào các ngày lẻ, phía địch qua bờ bắc để hai bên trao đổi công việc và ký vào sổ trực ban. Riêng Đồn Công an vũ trang Cửa Tùng và Đồn Cảnh sát Cát Sơn thường diễn ra việc “đổi bờ”. Luân phiên hằng tuần, Đồn Công an vũ trang Cửa Tùng cử 6 chiến sĩ sang Đồn Cảnh sát Cát Sơn và địch cũng thực hiện ngược lại để làm nhiệm vụ canh gác giới tuyến.  

Đấu trí mềm dẻo,hành động kiên quyết

Đồn Công an vũ trang Hiền Lương những năm đầu được coi là mặt trận không tiếng súng nhưng thường xuyên diễn ra các cuộc đấu lý, đấu trí với lực lượng cảnh sát phía bờ nam nhằm buộc địch phải thực hiện nghiêm túc quy chế khu phi quân sự, nhưng chúng ngày càng điên cuồng chống phá Hiệp định. Điển hình ngày 25-5-1962, Trung tướng Trần Văn Đôn, Tư lệnh Quân đoàn I và Ngô Đình Cẩn dẫn đoàn đồng minh Mỹ, Anh gồm 49 người tiến qua phía bờ bắc trái phép. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an vũ trang Hiền Lương đã kiên quyết buộc chúng quay về đúng vị trí của nửa cây cầu Hiền Lương đã được phân ranh giới tạm thời.

Từ năm 1965 trở đi, Mỹ - ngụy đánh phá rất dữ dội giới tuyến, tổ chức 192 đợt ném hơn 7.000 tấn bom các loại xuống vùng đất này, làm sập cầu Hiền Lương và 11 lần gãy đổ cột cờ giới tuyến. Mặc dù nằm dưới tầm mưa bom, bão đạn nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an vũ trang Hiền Lương vẫn kiên cường bám trận địa chiến đấu bảo vệ mục tiêu, bảo vệ cầu và lá cờ thiêng liêng không ngừng tung bay trên bầu trời Tổ quốc. Một số cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống nơi đây.

Cuộc tấn công của quân đội ta đã đập nát các căn cứ trọng điểm của địch chiếm đóng ở đất bờ nam sông Bến Hải. Ngày 2-4-1972, huyện Gio Linh hoàn toàn giải phóng, xóa bỏ lá cờ của chính quyền Sài Gòn ở bờ nam giới tuyến.

Đồn Công an vũ trang Hiền Lương và cây cầu cùng tên lịch sử là biểu tượng về khí phách kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Cuộc đấu tranh ấy đã diễn ra giữa chính nghĩa với phi nghĩa, giữa ánh sáng với bóng tối, giữa cái thiện với cái ác trong suốt 21 năm mới hàn gắn được vết thương chia cắt.

Để ghi nhớ công lao to lớn và sự hy sinh của lực lượng Công an vũ trang bảo vệ giới tuyến, năm 2018, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Tượng đài Chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang trong tư thế bồng súng nhìn về phía bờ nam dòng Bến Hải, nơi chiến tuyến thời quá khứ… 

Mặt trời chênh chếch phía tây, tôi bước lên xe để về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Anh tài xế mở nhạc và câu hát quen thuộc cất lên trong trẻo: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê…”. Xe chuyển bánh mà tôi vẫn cố nhìn lại cho đến khi cầu Hiền Lương nhập nhòa và rời khỏi tầm mắt.

THÁI MỸ

* Dựa theo lịch sử 60 năm Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị và tài liệu thuyết minh Di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
;
;
.
.
.
.
.