Điều kỳ diệu của cuộc sống

.

Điều kỳ diệu ấy không phải ở trên trời rơi xuống, mà nó từ người này trao cho người kia: Mẹ đã trao chị Hai, cu Chùa, rồi đến Út Tiền cho cô Sáu. Ông Sáu thì không được ai trao, mà ông tự nhận, như là duyên trời định, về phần mình 3 đứa nhỏ để nuôi dạy.

Bìa sách Quà tặng của ngày mai.
Bìa sách Quà tặng của ngày mai.

Vẫn biết cuộc sống luôn có những cơ duyên như vậy, nhưng chuyện ba chị em cu Chùa đang sống với cô Sáu, rồi ông Sáu gặp, “bập” vào cuộc đời chúng tự mình nhận việc uốn nắn những cây non có sâu bệnh thành những cây non khỏe mạnh, cứng cáp, hẳn người đời khó hình dung.

Tự dưng ông Sáu gánh một gia đình, ông gánh luôn phận sự làm thầy, làm cha, khi thấy những đứa nhỏ cần học, cần vui chơi và cần tương lai. Ông Sáu còn giúp người bán vé số, người bệnh, ai cần gì ông cũng giúp, và ông dạy các con giúp những người xung quanh như vậy, bởi “quan trọng là ngày nào mình cũng sướng khi làm được việc gì đó tích sự”.

Chuyện về chị em cu Chùa không phải là chuyện cổ tích, mà đúng là chuyện cổ tích giữa cuộc đời vô thường này, được tác giả Võ Diệu Thanh kể lại trong cuốn truyện dài Quà tặng của ngày mai (NXB Đà Nẵng, quý 1-2021). Khi cu Chùa - cậu bé Khánh Hưng tham gia cuộc thi Biệt tài tí hon trên truyền hình, vậy ai là thầy dạy đàn cổ cho đứa trẻ 6 tuổi, trong khi đàn cổ rất khó học? Là ông Sáu dạy con đàn. Ông Sáu ấy là một thanh niên đầy sức sống, lý lắc và chân chất. Ông Sáu không chỉ dạy 3 chị em đàn, mà còn dạy các con sống một cuộc đời có ý nghĩa, không phải bằng những lời giáo huấn khô khan, mà bằng việc ông làm cho người, cho đời, bằng những hành động đẹp.

Chùa, từ một cậu bé hư hỏng đến một đứa trẻ “biết sống” chỉ trong vài năm, nhờ ông Sáu “không bằng cấp gì hết”, cũng chưa có con, lại mang bệnh tim trong người dạy dỗ.  “Ông nói rằng cuộc đời một con người chọn sống theo hướng tốt chớ không cần phải chọn nghề tốt. Nghề nào cũng không phải là vô loại. Chỉ cần bản thân mình không vô loại là được”.

Nếu có thể giúp ai, ông muốn dắt các con đi cùng để chúng chứng kiến việc tốt, cho chúng có thói quen và nghĩ tới điều đó khi lớn lên. Ông nuôi dưỡng việc tốt của đàn con bằng những thói quen tốt của ông. Chùa, không có dòng máu đàn ca trong người, chỉ có mấy năm sống trong tiếng đàn, chỉ nghe tiếng đàn sau những giờ học, mà cảm thấy yêu thích tiếng đàn, như được thay một dòng máu khác. Và cũng ông Sáu đã thay máu và nuôi dưỡng dòng máu mới đó. Chùa, khi biết đàn, được mời biểu diễn đã nảy sinh tính tự mãn, hai “số Sáu” dạy con khiêm tốn, sống tình cảm.

Bằng lối kể chuyện tự sự, Chùa đang kể câu chuyện về ba chị em, 30 câu chuyện là 30 vấn đề nối kết nhau, từ chuyện ăn, chuyện học, chuyện làm như thế nào, đến việc nhìn nhận sự đời ra sao. Có cảm giác như tất cả những điều hình thành nên một con người tốt, sống biết nghĩ, là những tính cách hướng thiện đều được ông Sáu và cô Sáu đưa ra dạy bọn trẻ, vì họ sợ họ không thể đi với chúng đến trọn cuộc đời?

Vì thế, câu chuyện của Chùa, những suy nghĩ của cậu bé răng sún rất già, như của một người đã có nhiều kinh nghiệm sống. Người đọc có cảm giác sau này làm bất kỳ việc gì, cho mình hay cho ai, ba chị em Chùa bằng những kỹ năng sống đã được hai “số Sáu” dạy dỗ cẩn thận, chỉ cần cứ thế ráp vô để xử sự cho đúng.

Những câu chuyện, những câu nói nhẹ tênh, mà thấy đắng đót, xót xa trong lòng, khi những đứa trẻ chưa đến 10 tuổi mà nhìn nhận việc làm của người lớn đầy bao dung, vị tha. Để rồi dù mẹ của ba chị em có sinh mà không dưỡng 3 đứa trẻ, đưa chúng cho cô Sáu, nhưng chúng tin chắc rằng sau này chúng sẽ nuôi mẹ, bởi nuôi mẹ là nhiệm vụ của những đứa con.

Những câu chuyện nhỏ trong Quà tặng của ngày mai hóa giải vấn đề không chỉ là chuyện dạy con trẻ, mà còn là chuyện người lớn cũng phải tự luyện cho mình cách biết “sống” ra sao để trở thành tấm gương cho chúng soi vào, rèn luyện để trở thành người tốt.

Nhà văn Võ Diệu Thanh đặt ra vấn đề, cuốn sách dành cho những người “đang vật lộn với bi kịch giáo dục và tự giáo dục”. Dù đứng ở góc độ nào, một cây con gặp được mảnh đất phì nhiêu mà không có sự uốn nắn, chỉn chu thì cũng khó trở thành cái cây khỏe mạnh. Như con người sống được, sống tốt hay sống riêng biệt; tạo cá tính hay dưỡng nuôi để mọi thứ trở nên dịu dàng?

Tất cả đều là sự lựa chọn của người gieo hạt. Khi bản năng trong con người là một ẩn số, nếu đi theo hướng này, nó là những cái cây cong, như chị em cu Chùa lúc còn sống với mẹ; khi được về sống với cô Sáu, ông Sáu, được giáo dục, được nuôi dưỡng dưới một mái nhà ấm êm, chan chứa những nụ cười hạnh phúc, đứa trẻ được làm điều mình thích và đó là điều đúng, bản năng ấy được chăm bẵm, trở nên có ích cho đời.

Quà tặng của ngày mai là một câu chuyện không chỉ dành cho trẻ con, người lớn đọc có thể thấy mình trong đó, để câu chuyện gieo và chăm những hạt mầm có ích thực sự là một trải nghiệm mà mỗi người nên học hỏi.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.