Kiếm tiền hay kiếm niềm vui

.

“Bóng đá của công chúng, phải dành cho cho công chúng” là dòng chữ dễ gặp những ngày này trên các sân bóng châu Âu. Dòng chữ quyết đoán chuyển tải một tuyên ngôn đanh thép nhằm phản đối sự xuất hiện của giải đấu mang tên European Super League (ESL) vừa ra đời.

Đây là giải đấu quy tụ bước đầu 12 câu lạc bộ có tiềm lực và danh tiếng lớn của châu Âu, bao gồm Tottenham, Chelsea, Manchester United, Manchester City, Arsenal, Liverpool (Anh), Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid (Tây Ban Nha), Juventus, AC Milan, Inter Milan (Ý).

Người hâm mộ Chelsea tụ tập phản đối câu lạc bộ này gia nhập giải đấu European Super League. Ảnh: AFP/Getty Images
Người hâm mộ Chelsea tụ tập phản đối câu lạc bộ này gia nhập giải đấu European Super League. Ảnh: AFP/Getty Images

Ở Ramon de Carrenza giữa tuần này, các cầu thủ câu lạc bộ Cadiz vào sân chuẩn bị gặp Real Madrid tại vòng đấu mới nhất giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha với chiếc áo in rõ tuyên ngôn này. Ngoài khuôn viên sân vận động, xe buýt chở đội khách phải len trong rừng pháo sáng và dòng người phản đối.

Các cầu thủ của ngài Florentino Perez có thể chột dạ khi nhác thấy dòng chữ trêu chọc đầy cay nghiệt giữa màu pháo sáng “Super League Mafia”. Còn nỗi ghê sợ nào hơn khi ví sân chơi thể thao với các mưu mô lạnh lùng của xã hội đen! Dễ hiểu vì sao cổ động viên của đội bóng tí hon này phản ứng quyết liệt với cầu thủ đến từ thủ đô: Chủ tịch đương nhiệm của ESL, nhân vật tích cực nhất ra sức vận động cho việc ra đời giải đấu này, chính là ngài chủ tịch của đội bóng hoàng gia.

Nhưng Cadiz không phải là địa danh tiên phong phản đối. Chính đất Anh, nơi có đến 6 câu lạc bộ xung phong làm thành viên sáng lập, mới là nơi khởi phát làn sóng phản đối mạnh mẽ nhất. Cổ động viên của Chelsea, Liverpool, Manchester United, Manchester City rầm rộ xuống đường phản đối các nhà quản lý câu lạc bộ, lên án rằng đây là quyết định điên rồ, coi thường và không hề phản ánh nguyện vọng của bản thân họ.

Các chuyên gia bóng đá, cựu danh thủ, các nhà quản lý có kinh nghiệm, đại diện các liên đoàn bóng đá cũng bày tỏ không đồng tình với một giải đấu dễ nảy sinh nạn phân biệt giàu nghèo, kỳ thị về tiếng tăm, tên tuổi. Trước áp lực ngày càng lớn của cổ động viên, lần lượt 6 câu lạc bộ tuyên bố rút lui khỏi giải đấu. “Chúng tôi đã mắc sai lầm. Xin nhận lỗi cùng khán giả” là thông báo của ban lãnh đạo Arsenal. Những Chelsea, Manchester City, Liverpool, Tottenham sau đó cũng đưa ra lời lẽ tương tự từ bỏ vai trò sáng lập. Vài câu lạc bộ của Ý và Tây Ban Nha cũng rục rịch làm theo.

Vỏn vẹn sau hai ngày ra mắt, ESL cáo chung vì trên thực tế, hầu như chẳng còn thành viên nào trụ lại, trừ nhà sáng lập số một Real Madrid của ông Perez và vài tên tuổi còn phân vân. Người chủ của câu lạc bộ hoàng gia quả là bức xúc: “Thật đáng thất vọng vì điều này. Các thành viên sáng lập đã làm việc cật lực trong ba năm qua cho đề án đầy tâm huyết nhằm cứu bóng đá thoát cảnh đìu hiu. Vậy mà…”.

Perez cho rằng ông ngạc nhiên khi ESL bị nhiều tổ chức không ủng hộ, trong đó có cả FIFA, UEFA trong khi các tổ chức này không chịu tìm hiểu mục đích, tôn chỉ và phương thức điều hành giải. “Có thể chúng tôi thiếu sót vì chưa trình bày rõ ý nghĩa, giá trị của ESL nhưng lẽ ra họ phải biết lắng nghe chứ!”.

Theo Perez, nỗ lực cứu bóng đá của ông và nhóm sáng lập đã bị suy diễn dưới góc nhìn tự phụ, kiêu căng, thậm chí bị lên án là động thái bức tử, hãm hại bóng đá. ESL, theo ông, khi hoạt động trôi chảy sẽ giúp bóng đá kiếm thêm nhiều tiền để trang trải và nâng chất. Không riêng các đội lớn mà cả các câu lạc bộ nhỏ cũng được hưởng nguồn lợi này vì mô hình bóng đá như kim tự tháp. Tiền được rót từ đỉnh tháp sẽ chảy đều xuống các phần phía dưới của thân tháp.

Kiếm tiền có vẻ là ưu tiên số một của các nhà sáng lập ESL trong khi với khán giả, niềm vui và cảm hứng từ cái đẹp sân cỏ mới là đích đến trong hành trình của họ. Hai hướng đi chẳng dễ để gặp được nhau!

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.