LAN TỎA VĂN HÓA ĐỌC

Tìm hướng đi cho xuất bản sách

.

Đọc sách có vai trò quan trọng trong việc định hình tư duy, phát triển trí tuệ, nhân cách và tâm hồn mỗi người. Tuy nhiên, để cạnh tranh với công nghệ giải trí hiện đại, nâng cao chất lượng sách in là rất cần thiết cho việc xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc. Đây không chỉ là vấn đề quan tâm của bạn đọc mà còn của những người hoạt động trong ngành xuất bản hiện nay.

Những tác phẩm do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành gần đây đã tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc.  Ảnh: Đ.H.L
Những tác phẩm do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành gần đây đã tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc. Ảnh: Đ.H.L

Thiếu tác phẩm hay của tác giả trẻ

Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng được xem là một trong những đơn vị hoạt động kinh doanh sách mạnh nhất trên địa bàn Đà Nẵng, nhưng số lượng sách xuất bản để tự kinh doanh vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng số lượng sách nhà sách phát hành hằng năm. 

Ông Nguyễn Kim Huy, Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng cho biết,  thời gian qua, NXB Đà Nẵng tập trung 5 mảng sách chính, đó là: Sách trợ giá do UBND thành phố hỗ trợ 55% để phục vụ chính trị, văn hóa văn nghệ, lịch sử của thành phố; thứ hai là sách đặt hàng - loại sách cực kỳ quan trọng theo yêu cầu những vấn đề của đất nước và địa phương; thứ ba là sách liên kết với các công ty phát hành sách lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; thứ tư là sách tự in do các tác giả gửi tới; cuối cùng là sách tự kinh doanh được.

Đây là loại sách được bạn đọc quan tâm, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng xã hội, qua đó cũng khẳng định lĩnh vực kinh doanh của NXB Đà Nẵng. Một số sách do NXB Đà Nẵng xuất bản tạo được sự chú ý trong thời gian gần đây phải kể đến các tác phẩm: Câu chuyện thương hiệu, Từ điển biểu tượng văn học thế giới, Quà tặng ngày mai…

“Cái khó hiện nay là nắm bắt thị hiếu của bạn đọc. Ngày nay, lớp trẻ có xu hướng tự sáng tác, tự tiếp cận bạn đọc, do đó rất khó chọn lọc tác phẩm khi họ gửi đến. Hơn nữa, lớp trẻ Đà Nẵng ít viết nên không hình dung được sẽ tiếp cận bạn đọc như thế nào”, ông Nguyễn Kim Huy chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Hồ Sĩ Bình - Trưởng đại diện Chi nhánh NXB Hội Nhà văn khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng cho biết, NXB Hội Nhà văn chủ yếu xuất bản sách mảng văn học. Đây là vùng đất văn hóa nhưng tìm được những bản thảo của những nhà văn mới và hay là rất hiếm. Nhất là những người viết trẻ thiếu những điều kiện như tên tuổi chưa định hình, độ quảng bá của họ bị giới hạn. Họ phát hành với khối lượng chưa nhiều (khoảng 500 bản) nên chưa đủ quảng bá ra thị trường. Vì vậy, sách văn học vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đồng hành với các tác phẩm mới, hơn hai năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng (Danang TV) đã thực hiện chương trình “Mỗi tuần một cuốn sách” phát sóng mỗi tuần một lần vào thứ Bảy. Đặc biệt, chương trình ưu tiên giới thiệu sách mảng văn hóa, lịch sử về mảnh đất và con người Đà Nẵng, nhất là các tác phẩm mới của các tác giả đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng, qua đó lan tỏa văn hóa đọc trong đời sống người dân thành phố. Tuy nhiên, chương trình đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm, giới thiệu các tác phẩm trẻ có chất lượng. 

Nhà báo Nguyễn Quỳnh Linh - người phụ trách chương trình “Mỗi tuần một cuốn sách” cho biết, thời gian qua, hầu như không có, hoặc rất ít tác giả trẻ người Đà Nẵng, Quảng Nam ra tác phẩm mới. Một số tác phẩm mới ra mắt của các tác giả ở độ tuổi đã chín, bắt nhịp tốt với xu hướng thể loại “tản văn” đang lên, như: Về yêu xứ rượu hồng đào của Lê Trâm, Mùa đi trên những mái rêu của Nguyễn Thị Anh Đào, Ăn để nhớ của Kim Em...

“Các tác giả chú tâm không chỉ nội dung mà hình thức cuốn sách: thiết kế bìa, chất giấy, minh họa... sao cho bắt mắt, thu hút, hấp dẫn. Khó có thể đánh giá được về chất lượng nghệ thuật, sự tiến bộ, đặc sắc của những tay viết tản văn. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là dù chung đề tài về văn hóa - lịch sử, đất và người, nhưng lại là muôn giọng văn với muôn sắc thái, góc nhìn, trải nghiệm khác nhau, chia sẻ được với độc giả nhiều cảm xúc đa dạng, trong cái chung có cái riêng”, nhà báo Nguyễn Quỳnh Linh nhận xét.

Huy động đội ngũ sáng tác có chất lượng   

Chia sẻ về việc lựa chọn sách để kinh doanh, ông Nguyễn Thành - Giám đốc NXB Đà Nẵng cũng cho rằng, hiện nay việc đánh giá xu hướng chọn lựa tác giả, tác phẩm vừa bảo đảm chất lượng, vừa bảo đảm kinh doanh trong xu thế cạnh tranh với những tên tuổi lớn là rất khó đối với NXB Đà Nẵng. Công việc đẩy mạnh quảng bá và phát hành tác phẩm chất lượng cũng gặp khó khăn, trong khi cạnh tranh trong lĩnh vực xuất bản ngày càng gay gắt, đòi hỏi phải có sự đầu tư cao về nhân lực, tài chính. NXB Đà Nẵng đã nhìn nhận điều này và đang tìm hướng giải quyết.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những thuận lợi như: NXB Đà Nẵng đã xác lập được thương hiệu; đội ngũ biên tập viên kế thừa được những yếu tố tích cực. Trong thế giới phẳng, khoảng cách vị trí địa lý không còn là rào cản nên việc tìm đối tác trên không gian mạng cũng khá thuận lợi.

“Trong việc xây dựng văn hóa, thành phố cần dành một khoản kinh phí nhất định cho văn hóa đọc thông qua các hoạt động truyền thông, hoạt động thực tế. Song song đó, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan trong xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc bằng tầm nhìn dài hạn và có sự đầu tư thích đáng. NXB cũng cần có ý thức rõ hơn trách nhiệm về việc lan tỏa văn hóa đọc, đưa sách đến với cuộc sống”, ông Nguyễn Thành đề xuất.

Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc khó tính, thời gian tới, NXB Đà Nẵng sẽ chú trọng mảng lịch sử, văn hóa - văn nghệ xứ Quảng, đặc biệt quan tâm sự chuyển biến văn hóa đọc và chiều hướng đổi mới trong sáng tác của các tác giả trẻ.

Bên cạnh đó, cố gắng mời gọi những cây bút trẻ, hoặc những nhà văn xứ Quảng đang sinh sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh như Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Quốc…

Song song với việc kế thừa các cây bút trưởng thành sẽ tiếp cận những cây bút mới phù hợp với phong cách viết mới của giới trẻ bây giờ nhằm khẳng định thương hiệu của NXB Đà Nẵng.

Phát triển văn hóa đọc phải bằng những tác phẩm có chọn lọc
Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Kim Huy cho rằng, phát triển văn hóa đọc phải bằng những tác phẩm có chọn lọc. Hiện nay, Hội Nhà văn thành phố có độ tuổi hội viên trung bình khá cao: từ 50-60 tuổi. Do đó, Hội Nhà văn mong muốn tiếp nhận một lực lượng sáng tác trẻ chọn con đường văn chương. Làm sao để hội trở thành mái ấm của những người sáng tác của các thế hệ, từ đó đưa phong trào sáng tác phát triển và có những chuyển biến, tạo vị thế bằng những tác phẩm của hội viên, đóng góp vào đời sống văn hóa tinh thần của thành phố và cả nước.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.