Người Đà Nẵng với vua Minh Mạng

.

Dấu ấn của vua Minh Mạng không chỉ đậm nét ở danh thắng Ngũ Hành Sơn mà còn ở Thành Điện Hải - cả hai đều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Đà Nẵng.

Khu du lịch Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ
Khu du lịch Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Vua Minh Mạng gắn bó với Đà Nẵng trước tiên là với vùng đất Ngũ Hành Sơn. Điều này có phần do duyên cớ cá nhân, bởi em gái vua Minh Mạng là An Nghĩa Công chúa - tên thật là Nguyễn Phước Ngọc Ngôn, con gái vua Gia Long và Đức phi Lê Ngọc Bình, em gái Ngọc Hân Công chúa - do liên can tới vụ án Lê Văn Duyệt nên đã đến ẩn tu tại chùa Tam Thai gần 10 năm.

Vì vậy, vua Minh Mạng chọn tuần du vào Ngũ Hành Sơn để kết hợp thăm hỏi, động viên em gái. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc trong vòng 12 năm, nhà vua 3 lần tuần du vào vùng đất này: lần thứ nhất vào niên hiệu Minh Mạng thứ 6 (năm Ất Dậu 1825), lần thứ hai vào niên hiệu Minh Mạng thứ 8 (năm Đinh Hợi 1827), lần thứ ba vào niên hiệu Minh Mạng thứ 18 (năm Đinh Dậu 1837), xuất phát từ nhận thức của nhà vua về vị trí địa chính trị của Ngũ Hành Sơn trong việc phát triển Phật giáo và quan trọng hơn là trong việc bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển.

Kiến trúc sư trưởng của danh thắng Ngũ Hành Sơn

Vua Minh Mạng thường được biết đến như người đứng đầu triều Nguyễn đã chọn Nho giáo như mô hình lý tưởng nhằm xây dựng một nhà nước Trung ương tập quyền vững mạnh. Thế nhưng, qua lần tuần du thứ nhất đến Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng đã quyết định khuếch trương Phật giáo: đầu tư nâng cấp chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng, sắc phong hai chùa này là quốc tự; cho xây dựng đường bậc cấp lên núi làm lối đi cho cả hai chùa; ban cho chùa Tam Thai một tấm biển bằng đồng mạ vàng hình lá bồ đề có chạm khắc hình ngọn lửa - nên gọi là “Quả tim lửa”, hai mặt có các dòng chữ do chính vua ngự ban. Qua lần tuần du thứ hai, nhà vua còn cho đúc ở chùa Tam Thai nhiều tượng phật và chuông đồng…

Thực ra, chủ trương của vua Minh Mạng đưa Ngũ Hành Sơn thành một trung tâm Phật giáo bề thế như vậy không chỉ bắt nguồn từ nhận thức của chính nhà vua mà còn kế thừa nhận thức của các chúa Nguyễn về vị trí địa chính trị của Ngũ Hành Sơn trong việc phát triển Phật giáo Đàng Trong - đúng như nhận xét của Thiền sư Lê Mạnh Thát khi nói về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn thế kỷ XVII: “Ngũ Hành Sơn hôm nay là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước thì bốn trăm năm trước, Ngũ Hành Sơn đã là như thế”(1).

Đáng nói hơn, qua một số việc Minh Mạng thực hiện trong lần tuần du thứ ba, nhà vua đã được hậu thế tôn vinh là kiến trúc sư trưởng của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Chính nhà vua đã chính thức đặt tên cho 6 ngọn Ngũ Hành: một ngọn phía đông bắc là Thủy Sơn; 3 ngọn phía tây nam là Mộc Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn; 2 ngọn phía tây là Thổ Sơn và Kim Sơn. Cũng trong thời điểm tuần du vào Ngũ Hành Sơn lần này, vua Minh Mạng cho lập hai tấm bia bằng sa thạch, một tấm khắc ba chữ Vọng Giang Đài mặt chính quay về hướng Lộ Cảnh giang/ sông Cổ Cò, một tấm khắc ba chữ Vọng Hải Đài mặt chính quay ra phía Biển Đông.

Có thể nói, khi tảng đá sa thạch trên Ngũ Hành Sơn được vua Minh Mạng cho khắc vào ba chữ Vọng Hải Đài, đó không còn là một tảng đá nữa mà đã trở thành một loại tư duy - tư duy vọng-hải-đài đầy cảnh giác của người Đà Nẵng, nói đúng hơn là của vua Minh Mạng trao truyền cho người Đà Nẵng. Việc vua Minh Mạng cho trùng tu Hải Vân quan vào niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (năm Bính Tuất 1826) cũng xuất phát từ tư duy vọng-hải-đài này.

Dấu ấn đậm nét ở Thành Điện Hải

Dấu ấn của vua Minh Mạng không chỉ đậm nét ở danh thắng Ngũ Hành Sơn mà còn ở Thành Điện Hải. Chính vua Minh Mạng đã quyết định di dời Đồn Điện Hải xây dựng bằng đất thời vua Gia Long từ địa điểm gần cửa biển vào địa điểm hiện nay và vẫn tiếp tục giao cho Tiền quân Nguyễn Văn Thành - người đã được vua Gia Long giao chỉ huy xây dựng Đồn Điện Hải bằng đất - chỉ huy xây dựng lại thành mới bằng gạch theo thiết kế kiểu Vauban.

Cũng chính vua Minh Mạng ngay từ năm Canh Tý 1840 đã cử Tham tri Bộ Binh Nguyễn Công Trứ vào Đà Nẵng để kiểm tra thực địa Thành Điện Hải nói riêng và cả hệ thống phòng thủ quân sự khu vực Cửa Hàn - cảng biển ngoại giao và ngoại thương duy nhất của nước ta từ đầu triều Nguyễn - nói chung, trên cơ sở đó đề xuất với triều đình hàng loạt giải pháp khả thi nhằm tăng cường năng lực phòng thủ ở đây và được vua Minh Mạng nhanh chóng chuẩn tấu, trong đó có việc tăng cường lực lượng hải quân cho Đà Nẵng bằng các loại tàu lớn như Thụy Long, Phấn Bằng, Thanh Loan... với quân số 100 thủy thủ cùng 15 đại bác, 100 súng điểu thương… cho mỗi tàu; có việc đầu tư trang bị thêm vũ khí cho Thành Điện Hải và Thành An Hải; có việc xây dựng thêm một số pháo đài dưới chân núi Hải Vân và núi Sơn Trà, trước mắt là pháo đài Phòng Hải ở Mỏ Diều…

Cũng trong năm Canh Tý 1840, vua Minh Mạng điều động Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Tri Phương vào giữ chức Tuần phủ Nam Ngãi, trực tiếp chỉ đạo xây dựng pháo đài Phòng Hải theo ý tưởng của Nguyễn Công Trứ và rộng hơn là thực hiện nghiêm lời vua Minh Mạng căn dặn lúc ông lên đường nhận nhiệm vụ mới: “Cửa bể Đà Nẵng là chỗ xung yếu ở vùng bể, vì thuyền bè đi lại là phải qua cửa bể ấy. Ngươi có chức trách về địa phương ấy nên thân hành xem kỹ hai đồn An Hải, Điện Hải và pháo đài Phòng Hải, mà đem tâm tu chỉnh, thời bọn giặc dù muốn nhòm nom cũng không thể thừa được sơ hở của ta, đó là kế hoạch rất lớn, ràng rịt cửa tổ ngay từ lúc chưa mưa, để giữ vững bờ cõi của mình”(2).

Quan tâm việc thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa

Vua Minh Mạng gắn bó với Đà Nẵng không chỉ trên đất liền với những Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, Hải Vân quan, cửa Hàn… mà còn gắn bó với Đà Nẵng ở Hoàng Sa tít tắp biển khơi ngút ngàn. Khi quần đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng còn thuộc quyền quản lý của tỉnh Quảng Ngãi, vua Minh Mạng đã rất quan tâm việc thực thi chủ quyền của nước Đại Nam đối với quần đảo này.

Chẳng hạn, vào niên hiệu Minh Mạng thứ 14 (năm Quý Tỵ 1833), nhà vua bảo Bộ Công rằng: “Dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị hại. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy”.

Hay vào niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (năm Bính Thân 1836), nhà vua tổ chức nhiều chuyến tuần tra, khảo sát ở Hoàng Sa: “Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 cọc gỗ, mỗi cọc dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc, khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh. Lần này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật, giờ Mão hôm trước đã đi thuyền từ cửa Thuận An đến tỉnh Quảng Ngãi, chuyển ngay số cọc ấy cho viên này”(3).

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2012, người Đà Nẵng đặt tên Minh Mạng cho con đường lớn nằm ở trung tâm quận Ngũ Hành Sơn và có điểm đầu giao nhau với đường Trường Sa bên bờ Biển Đông; năm 2014 tiếp tục đặt tên Phạm Hữu Nhật cho một con đường cũng ở quận Ngũ Hành Sơn và cũng có điểm đầu giao nhau với đường Trường Sa giống như đường Minh Mạng.

BÙI VĂN TIẾNG

(1) Lê Mạnh Thát (2011), Mấy cảm nghĩ về Ngũ Hành Sơn: vùng lịch sử, văn hóa tâm linh, trong sách Ngũ Hành Sơn: vùng lịch sử, văn hóa tâm linh, Nxb. Văn học, Hà Nội, trang 20.
(2) Xem Quốc sử quán triều Nguyễn (2910),
Minh Mệnh chính yếu, Nxb. Thuận Hóa, Huế, trang 1636-1637.
(3) Xem Ủy ban Biên giới Quốc gia (2013),
Tuyển tập Châu Bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, trang 175.
 

;
;
.
.
.
.
.