Những cây hoa vào ngày rằm năm ấy

.

Một lần đi ngang qua khu chợ gần nhà cũ, nơi tôi đã từng gắn bó lúc còn nhỏ, cảnh nhộn nhịp thu hút sự chú ý của tôi. Kẻ bán, người mua tấp nập với nhiều âm thanh khác nhau của tiếng nói, tiếng cười, tiếng mời chào và cả tiếng mặc cả... Ngồi tạm bợ ở các góc chợ là những người phụ nữ trung niên đang chật vật mời khách, bán từng cây hoa cúng rằm. Những hình ảnh đó khiến bao nhiêu ký ức tuổi thơ của tôi quay về. 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tuổi thơ của tôi trải qua những năm tháng vô ưu, vô lo và đầy niềm vui. Cứ đến ngày rằm hằng tháng, mẹ tôi lại bày biết bao loại hoa để bán. Nào là hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa đồng tiền…, hoa nào cũng có hương thơm ngào ngạt. Những cây hoa chứa đựng mồ hôi của mẹ, tiếng mời gọi của chị và niềm vui khôn xiết của tôi khi được ríu rít cùng mẹ ra chợ. Mỗi cây hoa mà mẹ bán được cũng giúp gia đình tôi vơi đi gánh nặng cơm áo gạo tiền trên đôi vai của ba.

Ở chợ, người ta chọn hoa rất kỹ, nâng lên đặt xuống để có được những cây hoa đẹp và khỏe đặt lên bàn thờ tổ tiên. Loài hoa mà nhà tôi bán chạy nhất luôn là hoa cúc và hoa vạn thọ. Hoa cúc được xếp thứ hai trong tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai. Hoa cúc thể hiện chữ hiếu, gắn với sự tích về lòng hiếu thảo của người con dành cho cha mẹ. Hơn hết, nó có mùi thơm dịu nhẹ, rất thích hợp để đặt trên bàn thờ. Một điều thú vị về hoa cúc là khi tàn rủ héo úa, cả lá và bông hoa đều nằm vẹn nguyên như lúc đầu, chứ không rơi rụng xuống.

Trái ngược với hoa cúc, hoa vạn thọ có mùi hương khá nồng và hơi hăng hăng của lá. Có lẽ vì thường cùng mẹ và chị bán hoa mỗi năm ở chợ nên tôi đã quen và khá thích mùi hương đặc trưng của loài hoa này. Ngẫm lại thì cái tên vạn thọ có lẽ cũng chính là lý do mà nhiều người muốn mua. “Vạn” tượng trưng sự tốt lành, cát tường; “thọ” thể hiện sức sống lâu bền, trường tồn để hưởng phúc lộc. Tuy nhiên, ở một số vùng, miền, người ta không chọn hoa vạn thọ đặt trên bàn thờ có lẽ do cái mùi hương ấy.

Trời nhá nhem tối là lúc gia đình tôi chuẩn bị về nhà. Tôi cùng mẹ và chị cố gắng bán hết những cây hoa cuối cùng trong ngày, nhưng chợ lúc đó bắt đầu vắng từ người mua đến kẻ bán. Ai cũng muốn dọn hàng sớm để về dọn dẹp nhà cửa, nghỉ ngơi và thư giãn... Những hôm bán hết hoa, đôi mắt của mẹ luôn ánh lên niềm vui.

Bây giờ, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn, không còn tất tả lo từng bữa ăn như trước nữa. Nhưng mẹ không còn khỏe mạnh nên đã nghỉ bán hoa. Chị tôi đi lấy chồng xa, cách nhà hơn ba trăm cây số nên mỗi khi có dịp quan trọng mới về. Bản thân tôi cũng bận rộn hơn với nhiều công việc khác nhau.

Cuộc sống giờ đây bộn bề lo toan. Khu chợ nhỏ gần nhà cũ gắn bó với tuổi thơ tôi đã trở thành một phần ký ức, để rồi mỗi lần nhớ đến thì lòng cảm giác chông chênh mà không tài nào giải thích được.

Thời gian thấm thoát trôi qua. Thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng kéo theo những thú vui của con người cũng đổi khác. Giờ đây, ít thấy lũ trẻ lẽo đẽo theo mẹ ra chợ buôn bán như xưa, chắc vì trẻ con bây giờ có nhiều niềm vui với những trò chơi điện tử trên máy tính và điện thoại...

Thoảng tôi vẫn ghé những khu chợ gần nhà mới, hay tiện đường đi làm. Lần nào tôi cũng tìm đến hàng hoa và đứng lại một lúc, chỉ để ngắm nhìn, chỉ để tìm lại chút ký ức xưa. Lần nào tôi cũng thấy những người bán hàng hoa cúng chăm chút từng cây hoa, còn người mua cẩn thận chọn từng bông, như gửi gắm tất cả mong ước tốt lành, bình yên khi đặt những bông hoa đó trên bàn thờ.

Có lẽ, mỗi chúng ta ít nhiều đều có những ký ức đẹp bên gia đình. Đến khi nhớ lại những kỷ niệm đó thì nở nụ cười đầy lưu luyến và mong chuyến xe thời gian có thể đi ngược lại, để ta trở về và sống trong không gian, thời gian đó một lần nữa.

MAI HY

;
;
.
.
.
.
.