Những ngày tem, phiếu

.

Tình cờ xem lại bộ phim “Chuyến xe bão táp” do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất được phát sóng trên một kênh truyền hình, ký ức tôi rục rịch bao nỗi niềm. Đối với tôi, bộ phim đen trắng này quá hay bởi thời gian bấm máy quay từ năm 1976 - thời của cơ chế bao cấp, kịch bản phim khá sâu đã lột tả mặt trái, dù mới chỉ là một lát cắt, để đạo diễn Trần Vũ đưa lên màn ảnh.

Nội dung phim xoay quanh một chuyến xe khách thời đó với thói quan liêu, cửa quyền của một nhân viên bán vé xe. Tuy chỉ là một cô bán vé tại bến nhưng lại cấu kết với các phe vé tuồn ra chợ đen. Bất bình, Vân - nữ thanh niên xung phong (NSƯT Thanh Quý) và anh bộ đội tên Sơn từ chiến trường trở về để vào giảng đường đại học (NSƯT Vũ Đình Thân) lên tiếng phản đối. Rồi nạn nhồi nhét, đón khách dọc đường cũng bị Vân, Sơn và một số người trên chuyến xe ấy kêu ca, phàn nàn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Vào những năm tháng đó, từ “xếp hàng” có lẽ được nhắc đến mỗi ngày. Ngoài ra, ba từ “tem, phiếu, sổ” gần như bắt buộc phải nhớ. Có rất nhiều kiểu xếp hàng ở khắp mọi nơi như cửa hàng chất đốt, cửa hàng lương thực, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bách hóa tổng hợp… Người mua thường đi rất sớm để xếp hàng, có người còn tranh thủ đặt cục gạch thay cho mình rồi chạy tới cửa hàng khác để được mua thêm nhu yếu phẩm.

Buồn nhất vẫn là những người tắm nắng, gội mưa từ sáng sớm tới gần trưa hoặc quá buổi chiểu mới tới lượt mình thì cô nhân viên phũ phàng lật ngược tấm bảng trên quầy với hai chữ “hết hàng”. Ai nấy chỉ biết làu bàu mấy câu rồi tiu nghỉu ra về, lòng buồn rười rượi bởi mai, mốt lại phải mất công xếp hàng.

Các cửa hàng quốc doanh lúc đó cũng thường xuyên thông báo các mặt hàng nên thường vài ba ngày thì có một thông báo đặt phía trước. Đôi khi do không có gì mới nhưng phải thông báo theo định kỳ nên mậu dịch viên cầm phấn nguệch ngoạc mấy dòng: “Hôm nay xin thông báo không có gì thông báo, nếu có thông báo sẽ thông báo sau”.

Oách nhất vẫn là những cô bán hàng theo sổ sách, tem phiếu. Hình như trừ Chủ nhật, còn ngày nào cũng trông thấy cảnh rồng rắn, chen chúc ồn ào của người mua cùng với tần suất bán hàng quá cao đã làm không ít mậu dịch viên cau có, gắt gỏng, hoặc rơi vào trạng thái im lặng lạnh lùng.

Có lần tôi đạp xe chở người bạn mang sổ gạo lên cửa hàng lương thực trên đường Cao Thắng. Khi đến nơi thấy mọi người ngồi kín cả sân bởi do xếp hàng quá lâu mà cửa hàng chưa có người phục vụ. Lúc cửa quầy mở, cô nhân viên vừa ló mặt ra, tất cả mọi người vui mừng đứng phắt dậy. Chính vì thế mà lắm anh chàng chưa vợ hồi ấy cứ mơ được mấy cô lương thực, thực phẩm để mắt tới!

Tôi được cử đi mua thịt cho mười mấy người trong đơn vị nhưng tới nơi thì thấy cả một bầy heo nhung nhúc trong sân được rào chắn bằng lưới B40. Người bán thịt bảo cứ việc ước lượng số thịt heo được mua mà vào tự bắt con heo cho tương xứng để quy ra thịt. Thế là tôi đành phải nhảy vào vật lộn với các chú heo, trầy trụa hết cả chân tay mà không sao bắt được. Tôi đi tìm người hỗ trợ bắt và chở con heo về đơn vị. Suốt 3 tháng không có lát thịt, đùng một cái có hàng chục ký, quả là no dồn, đói dập.

Thời bao cấp, hàng hóa vận hành theo cơ chế sản xuất, phân phối lưu thông và tiêu thụ sản phẩm, song quan trọng nhất là khâu phân phối chứ đầu ra thì luôn thiếu hụt nên mới có câu nói “buồn như mất sổ gạo” là thế. Từ sự khốn khó của cuộc sống, các câu vè trong dân gian cũng bắt đầu xuất hiện: “Cây đinh cũng đăng ký/ Trái bí cũng xếp hàng/ Khoai lang cần tem phiếu/ Thuốc điếu phải mua bông...”.

Để tháo gỡ bớt khó khăn, Đảng, Nhà nước đã quyết định giải pháp bù giá vào lương cho cán bộ, công nhân, viên chức, nghĩa là các hình thức phân phối hàng hóa theo tiêu chuẩn tem, phiếu được quy ra tiền theo giá thị trường rồi cộng vào lương hằng tháng. Giải pháp này đã làm hạn chế nhiều vấn đề bức bách của người được phân phối hàng hóa lúc bấy giờ.

Cuối năm 1986, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp được chuyển đổi qua nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân từng bước khởi sắc kéo theo những lời ngợi ca đầy lạc quan, tin tưởng: “Một thời bao cấp đã qua/ Đói cơm, thiếu mặc nay xa lắc rồi/ Không còn phân phối anh, tôi…”.

Lục tìm nỗi nhớ về thời bao cấp nhưng tôi khó có thể tả hết những xúc cảm của những tháng ngày xưa cũ ấy. Chỉ biết đó là chặng thời gian ăm ắp kỷ niệm về tình người, đồng thời cũng là một giai đoạn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước được lịch sử khắc ghi.

THÁI KIỀU VI

;
;
.
.
.
.
.