Sống chậm cùng con

.

Hai ngày nghỉ cuối tuần vừa qua, tôi bất chợt nhớ đến ước mơ lúc còn trẻ của mình là sau này sẽ cùng con xem bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của đạo diễn Michael Landon. Đây là bộ phim truyền hình được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của Laura Ingalls Wilder. Bộ phim kể về cuộc sống của gia đình Ingalls và nhiều gia đình khác trong thị trấn Walnut Grove, Minnesota (Mỹ), khiến hàng triệu trái tim người hâm mộ rung động bởi sự ấm áp của tình cảm vợ chồng, cha mẹ và con cái.

Lúc cùng con xem phim, tôi bất chợt nhận ra lâu nay mình dành quá ít thời gian cho con. Mình cho con đủ đầy vật chất nhưng thiếu hụt sự âu yếm, ngọt ngào. Tôi tự hỏi đã bao lâu rồi mình không sống chậm lại trong chính ngôi nhà này, để có thể vứt bỏ mọi lo toan, phiền muộn ngoài cánh cửa, vui vẻ chơi đùa cùng con; để lúc vào bếp nấu bữa cơm chiều thì đầu óc không nghĩ ngợi vẩn vơ. Con từng nhăn mặt khi húp thìa canh rồi hỏi: “Lúc nêm muối vào canh, có phải mẹ đang bận nghĩ gì?”. Thỉnh thoảng trẻ con khiến người lớn phải giật mình như thế.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thường thì mỗi buổi sớm chúng ta ăn mặc thơm tho, chỉn chu, đẹp đẽ bước ra khỏi ngôi nhà. Chúng ta mang những ngọt ngào, tử tế và cử chỉ lịch thiệp đối đãi với người ngoài. Cuối ngày chúng ta mang về nhà toàn điều bực dọc, nói với nhau bằng những lời thô lỗ. Tội nghiệp những đứa trẻ, chúng chỉ được nhìn thấy cái phần cục cằn, xấu xí nhất của bố mẹ. Chúng ta thường xuyên mang sự mệt mỏi đổ lên đầu bọn trẻ. Quát tháo con mọi lúc mọi nơi, từ ngủ nghỉ đến học hành, ăn uống, chơi đùa. Thậm chí, chúng ta không cho con cái quyền được phản kháng. Để rồi chợt nhận ra con ăn ít một chút cũng không sao, dính bẩn một chút trên quần áo cũng không sao.

Nếu con trót nhận được một điểm kém cũng không sao. Chúng ta không hoàn hảo nhưng kỳ vọng con mình hoàn hảo. Chúng ta không đạt được mong ước của mình liền vô cớ đặt nó lên vai của các con. Chúng ta có thể dành cả buổi đi cà phê, nhậu nhẹt với bạn bè nhưng lập tức lắc đầu trước lời nài nỉ “Bố mẹ chơi cùng con một lúc đi mà”. Đêm nào con cũng tha thiết được chuyện trò nhưng có biết bao bà mẹ như tôi hời hợt lắng nghe và qua loa đáp lại. Hóa ra, bấy lâu nay, nơi chúng ta sống gấp gáp, vội vàng nhất là trong chính nhà mình.

Chị dâu tôi từng nói rằng, đến một độ tuổi nào đó, con chúng ta sẽ đặt một chân trong nhà, một chân lúc nào cũng ở ngoài cửa. Chúng chỉ chờ cơ hội để chạy ùa vào thế giới ngoài kia. Con sẽ không đợi chúng ta kiếm đủ tiền, thỏa mãn về danh vọng rồi mới trở về nhà dành thời gian cho chúng. Nỗi cô đơn sẽ kéo các con vào đám đông ngoài kia. Hoặc chúng sẽ tò mò tự hỏi, ngoài kia có gì mà bố mẹ mình cứ mải mê như thế. Khi các con đã như cánh chim trời, chúng sẽ trả cho ngôi nhà sự chờ đợi cũ. Mà sự chờ đợi này sẽ rất lâu. Chẳng khó hình dung khi nhìn vào những người già. Họ cũng đã ở đó đợi chúng ta qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm.

Dù đã xem “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” nhiều lần nhưng tôi vẫn còn nguyên sự xúc động trước tình yêu thương của người mẹ Caroline và ông bố Charles dành cho các con của mình. Cùng con sẻ chia mọi vui buồn. Phân xử những cãi vã, ganh đua, tị nạnh. Thấu hiểu những rung động đầu đời vụng dại nhưng cũng đầy lãng mạn của hai cô gái Laura và Mary. Tôi cũng có hai cô con gái, đêm nào cũng đòi nằm hai bên ôm ghì lấy mẹ. Con gái cả của tôi từng hít hà da thịt mẹ mà thủ thỉ rằng: “Con thích nhất buổi đêm vì mẹ không bận rộn”. Tôi ước gì mình có thể nhận ra sớm hơn rằng tiền có thể kiếm cả đời, chỉ ký ức của con là sau này có muốn cũng không thể nào tô vẽ lại.

NHẬT MAI

;
;
.
.
.
.
.