Theo tiếng "dộc" giữa rừng Tam Mỹ Tây

.

Nhiều thế hệ người Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) gọi voọc chà vá chân xám bằng cái tên chân quê là “dộc”. Họ kể về dộc bằng ký ức vất vả bên rừng keo, rẫy bắp, bằng niềm tự hào về loài linh trưởng quý hiếm của quê hương.

Voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây. (Ảnh do Tổ tuần tra bảo vệ rừng ở xã Tam Mỹ Tây cung cấp)
Voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây. (Ảnh do Tổ tuần tra bảo vệ rừng ở xã Tam Mỹ Tây cung cấp)

Từ con “dộc” đến voọc chà vá chân xám

Chiếc “Dream chiến” cũ kỹ của ông Huỳnh Công Phương - thành viên tổ tuần tra bảo vệ rừng ở xã Tam Mỹ Tây (gọi tắt là tổ tuần tra) ì ạch chở chúng tôi trèo qua mấy con dốc dựng đứng, đầy sỏi và ngoằn ngoèo trước khi tiếp cận vùng sinh cảnh của voọc. Ông nói, voọc ở đây khó quan sát hơn voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, nên chịu khó đi xa để ghi hình.

Vị trí thuận lợi là nơi đầu dốc núi chúng tôi đang đứng - có tên hòn Dồ - 1 trong 4 khu vực ở Tam Mỹ Tây được ghi nhận có voọc chà vá chân xám sinh sống, bên cạnh những hòn Dương Bông, hòn Ông, hòn Dương Bản Lầu. Dưới chân 4 hòn là làng, là xã, là cộng đồng dân cư sống quây quần với nghề nông, nghề trồng keo, cũng là nơi có Tổ tuần tra bảo vệ rừng do UBND xã Tam Mỹ Tây thành lập dưới sự phối hợp của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet).

Tiền thân của tổ là nhóm bảo vệ tự phát vào năm 2016, với nòng cốt là người dân địa phương sinh ra, lớn lên và gắn bó với núi rừng từ những ngày lên rừng trồng keo, làm rẫy… Ông Phương kể: “Ngày bé, tôi đã nghe ông bà, cha mẹ kể về voọc. Sau này đi rừng, bắt gặp cũng không biết định danh nó chính xác là chi. Bà con “gọi đại” là con dộc, rồi nhầm với khỉ đầu chó. Sau qua báo, đài, thấy nó có ngoại hình tựa loài voọc chà vá chân nâu ở Đà Nẵng. Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam và các chuyên gia vào cuộc khảo sát, nghiên cứu rồi vận động, kết nạp người dân tham gia tổ, đến nay được 10 người. Từ đó mới biết rõ nó được gọi là voọc chà vá chân xám”.

Tại buổi làm việc về dự thảo Đề án Bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đến năm 2030, tầm nhìn 2050 ngày 2-2-2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết cơ bản thống nhất các nội dung của dự thảo. Theo đó, đề án có thời gian thực hiện từ năm 2021-2030, mục tiêu bảo vệ và phục hồi 60ha rừng đặc dụng tại hòn Dồ, hòn Dương Bông, hòn Ông và hòn Dương Bản Lầu để bảo đảm sinh cảnh sống cho 68 cá thể voọc chà vá chân xám. Đến năm 2030, nâng môi trường sống cho lên 150ha nhằm đáp ứng sự phát triển của quần thể, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức và du lịch sinh thái

Ông Võ Ngọc Danh, một thành viên của tổ tuần tra chia sẻ: “Khác với nhiều loại khỉ, voọc hiền khô, không phá phách, không nghịch ngợm lúa, bắp của bà con và luôn sống có “tôn ti trật tự” theo bầy. Mấy lần chúng tôi vô tình bắt gặp, chỉ thấy những ánh nhìn thân thiện”.

Bất kể nắng mưa, các thành viên của tổ tuần tra thay phiên nhau vào rừng đếm số lượng cá thể, quan sát, ghi hình từng động thái của voọc, nhắc nhở bà con có lên rừng làm keo, hái phong lan hay lấy mật ong thì chú ý không xâm hại rừng và động vật hoang dã, đồng thời dẫn đường cho chuyên gia, cơ quan chức năng tìm đến. Họ chia sẻ, đây là công việc không lương vì tình yêu với con “dộc”, với cánh rừng gắn bó từ tuổi thơ . “Anh em nhiều lúc trăn trở, nhưng nghĩ lại, đây là trách nhiệm với quê. Một mai voọc sinh sôi, có tiềm năng du lịch, quê nhà phát triển thì mình cũng ấm lòng”, ông Phương nói.

Theo Giám đốc GreenViet Trần Hữu Vỹ, từ sự hỗ trợ của GreenViet và sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các bên như UBND xã, Hạt kiểm lâm..., tổ tuần tra hoạt động chuyên nghiệp hơn luôn với tinh thần tự nguyện - đây là điều ý nghĩa nhất. “Nên khuyến khích, đề cao vai trò của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã, ông Vỹ nói.

Theo tiếng voọc giữa rừng

Tính đến đầu năm 2021, sau 3 ngày thực hiện phương pháp quan sát tại các điểm cố định, dự án “Rừng cộng đồng Tam Mỹ Tây” do Quỹ Bảo vệ rừng nhiệt đới quốc tế (RainForest) tài trợ ghi nhận được 68 cá thể voọc chà vá chân xám thuộc 4 đàn ở hòn Dương Bông, hòn Dồ, hòn Ông, hòn Dương Bản Lầu. Tính theo đường chim bay, khoảng cách giữa các hòn tầm 500m - 1km, ngăn cách nhau bởi rừng keo, đồng ruộng và nhà dân. Voọc vì thế ít khi di chuyển qua lại giữa các hòn, điều này ngược với thói quen “nay đây mai đó” của loài khỉ, khi loài này lúc ở hòn này, lúc lại kéo sang hòn kia.

Ông Huỳnh Công Phương, - thành viên tổ tuần tra bảo vệ rừng ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chỉ tay về đỉnh hòn Dộc - nơi có đàn voọc đang sinh sống. Ảnh: X.SƠN
Ông Huỳnh Công Phương, - thành viên tổ tuần tra bảo vệ rừng ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chỉ tay về đỉnh hòn Dộc - nơi có đàn voọc đang sinh sống. Ảnh: X.SƠN

Từ kinh nghiệm đi rừng lâu năm, ông Võ Ngọc Danh để ý voọc thường ăn trái già chứ ít khi ăn trái chín nẫu và dường như ăn cả những lá dược liệu có lợi. Chúng ăn nhiều loại lá nhưng khoái khẩu nhất là lá mơ, riêng cá thể cái trong thời gian sinh đẻ hoặc cá thể non lại thích nhấm nháp lá sâm đất - là loại cây mà củ và lá được con người dùng làm thuốc…

Trên lối mòn dẫn sâu vào hốc núi ở hòn Dồ có vết phân, nước tiểu và nước dãi của voọc. Ông Danh nói: “Đó không đơn thuần là chất thải mà còn là cách để voọc phòng vệ trước sự xâm hại từ bên ngoài. Con người vô tình hít phải mùi chất thải này thường dễ hắt hơi - vô tình trở thành tín hiệu cảnh báo có kẻ lạ “đột nhập” vào địa bàn, thế là voọc tự biết cách lẩn trốn”.

Bên cạnh đó, khướu giác của voọc rất tốt khi có thể “đánh hơi” nhanh mùi lạ như mùi mồ hôi, mùi xà phòng... để phòng vệ. Hình ảnh cá thể đầu đàn ngồi trên cây “cảnh giới” khi đàn đang ăn thường được tổ tuần tra ghi lại. “Mới đây, có đàn đại bàng về làm tổ ở Hòn Dồ ngay lúc tôi ghi hình đàn voọc. Phát hiện có người lạ, voọc đầu đàn ra hiệu bằng tiếng “khột khột” để cả đàn biết. Từ góc quay cận cảnh, có thể thấy rõ cảnh chúng thoát thân nhanh ra sao”, ông Phương nói.

Và cũng chỉ cá thể đầu đàn mới được “quyền” giao phối, “quản lý” cá thể cái trong đàn. Voọc đực trưởng thành tự tách đàn đi tìm bạn tình bằng tiếng hú đặc trưng. “Chúng tôi từng nghe tiếng hú của voọc vang vọng khắp rừng, đến mức chí chóe, ngỡ chừng chúng bị dính bẫy hay lạc đàn. Anh em cùng lực lượng công an xã lần theo tiếng hú, mới hiểu đó là tiếng gọi bạn tình của voọc trong mùa động dục”, ông Danh kể lại.

Nỗ lực bảo tồn voọc và giấc mơ phát triển du lịch

Giám đốc GreenViet Trần Hữu Vỹ bày tỏ sự lo ngại khi loài voọc ở Tam Mỹ Tây đang chịu áp lực từ phương thức trồng và khai thác keo chưa bền vững như đốt thực bì hay dùng máy cưa khai thác… Ông đưa ra so sánh, tổng diện tích rừng sinh cảnh của 68 cá thể voọc chà vá chân xám ở xã này hiện là 30ha, con số này nhỏ hơn rất nhiều nếu so với 4.439 ha của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - nơi có khoảng 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu sinh sống. “Tác hại của diện tích sinh cảnh hẹp, quần thể nhỏ là tăng khả năng giao phối cận huyết giữa các cá thể, làm hạn chế đa dạng gen dẫn đến sức sống của các cá thể bị giảm…”, ông Vỹ cho hay.

Người Tam Mỹ Tây có một bộ phận trồng keo làm sinh kế, tầm 4-5 năm thu hoạch một lần. Chỉ tay về con dốc lởm chởm đầy sỏi đất chạy dọc rừng keo, ông Phương giải thích, khó đầu tiên là đường sá hiểm trở, thứ hai là nhiều bà con trồng rẫy keo giáp ranh với rừng tự nhiên nơi voọc sinh sống nên không dễ quản lý việc ra - vào rừng. Địa phương chỉ có thể tuyên truyền, vận động người dân lập “vành đai an toàn” 3 mét không canh tác giữa rừng già với rẫy keo để tránh ảnh hưởng voọc.

“Chắc chắn mối đe dọa lớn nhất với voọc, nói thật, chính là... con người. Ý thức con người tốt thì rừng được giữ, voọc nói riêng và các loài nói chung được yên ổn”, ông Huỳnh Công Phương nói. Điều tích cực là sau thời gian được tuyên truyền, người Tam Mỹ Tây đồng thuận với chính quyền trong việc giữ gìn loài voọc nói riêng, động vật hoang dã nói chung. 90% số người dân được hỏi cho rằng cần thiết phải bảo vệ rừng có động vật hoang dã, theo khảo sát của dự án “Rừng cộng đồng Tam Mỹ Tây”.

Theo ghi nhận, từ năm 2018 đến nay không có tình trạng săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã diễn ra trong khu vực ưu tiên bảo tồn voọc. Quần thể voọc đang sinh trưởng và tăng số lượng cá thể, tính đa dạng loài được ghi nhận và phát hiện nhiều hơn trước đây. “Chúng tôi đếm 4 cá thể non được sinh ra từ cuối 2018 đến nay, trong đó ghi nhận ở hòn Ông và hòn Dồ mỗi nơi 2 cá thể, đó là tín hiệu tốt”, ông Phương nói. 

Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây Phan Đình Dung cho hay, xã có tiềm năng làm du lịch khi sở hữu đàn voọc quý, cùng với danh thắng Hố Giang Thơm và vườn cây trái trĩu quả, đồng thời cách thành phố Đà Nẵng, thành phố tỉnh lị Tam Kỳ và sân bay Chu Lai (của tỉnh Quảng Nam) không quá xa. “Tiềm năng và kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng đã có, cái hạn chế còn tồn tại là hạ tầng, dịch vụ ở địa phương đang cần hoàn thiện”, ông Dung nói.

Khi tiếng voọc còn ngân vang giữa núi rừng quê hương, người dân và chính quyền xã vẫn hy vọng về giấc mơ du lịch sớm được “đánh thức” trên vùng đất Tam Mỹ Tây này.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.