Thêu cờ Đoàn tại nhà lao Hội An

.

Những kỷ niệm về việc tổ chức thêu cờ Đoàn trong tù ngục thời chống Mỹ mãi khắc sâu trong tâm trí bà Phan Thị Năm (70 tuổi, hiện ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).   

Từ phải qua: Bà Phan Thị Năm, ông Hồ Nghinh, bà Nguyễn Thị Hiền và bà Trương Thị Hòa tại buổi trao gửi lá cờ Đoàn ở Sầm Sơn (Than
Từ phải qua: Bà Phan Thị Năm, ông Hồ Nghinh, bà Nguyễn Thị Hiền và bà Trương Thị Hòa tại buổi trao gửi lá cờ Đoàn ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) năm 1973. (Ảnh tư liệu)

Bà Phan Thị Năm quê xã Điện An (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam khi chưa tròn 16 tuổi. Năm 1968, bà tham gia lực lượng du kích xã, cùng đồng đội kiên cường bám trụ, chống càn, diệt ác. Bị bắt, tra tấn, đày ải qua nhiều nhà lao nhưng trước sau bà vẫn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng. Bà Năm hăng hái tham gia phong trào đấu tranh biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Như báu vật thiêng liêng

Bà Năm bồi hồi cho biết, bà và 4 bạn tù (ông Nguyễn Thanh Thu, bà Trương Thị Hòa, bà Phan Thị Xuyên và bà Nguyễn Thị Hiền) cùng là đoàn viên Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng xã Điện An, bàn nhau thêu 3 lá cờ Đoàn, trước để tự nhắc nhở mình luôn hướng về sự nghiệp cách mạng, giữ vững niềm tin thắng lợi và sắt son một lòng với Đảng; sau đó, nếu còn sống trở về sẽ tặng Đoàn xã Điện An 1 lá, còn 2 lá tặng Huyện Đoàn Điện Bàn và Tỉnh Đoàn Quảng Nam. Ông Thu chịu trách nhiệm vẽ cờ. Bà Năm và bà Hiền biết nghề thêu, đảm nhiệm việc thêu cờ. Bà Hòa và bà Xuyên lo việc cảnh giới. “Tôi còn nhận chuẩn bị vải, chỉ và kim thêu. Khi mẹ tôi vào thăm nuôi, tôi xin mẹ mua 3 tấm vải ca tê trắng khổ 40 x 50cm, kim thêu và chỉ thêu các loại, giấu trong hành lý, lần lượt đem vào cho chúng tôi trong những lần thăm nuôi sau”, bà Năm kể.

Ba tấm vải ca tê trắng, bà Năm đưa sang ông Thu ở phòng nam để vẽ cờ. Trong vòng một tháng, ông Thu đã vẽ xong. Kim thêu và chỉ thêu được bà Năm và bà Hiền giấu kỹ trong tư trang cá nhân. Hai chị em bền bỉ thêu hằng tháng trời, ban ngày thêu vào buổi trưa khi cả trại đã ngủ, ban đêm thì chờ mọi người ngủ rồi mới đem ra thêu. Bà Năm còn nhớ rõ: “Trong khi thêu, Hòa và Xuyên đứng phía ngoài cảnh giới, hễ thấy bọn cai tù đến là ra hiệu và chúng tôi nhanh chóng giấu cờ vào trong túi tư trang. Có những lần bị lục soát đột xuất, chúng tôi thót cả tim, may mà không bị phát hiện được. Thêu hơn 5 tháng mới xong. Tiếp đó, tôi may 3 lá cờ vào bên trong giỏ xách đựng quần áo của mình, lật mặt trái ra ngoài và may thật khéo để không bị nhận ra”.

Tháng 4-1971, bà Năm và nhiều bạn tù bị chuyển vào nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Các bà mang theo 3 lá cờ Đoàn như những báu vật thiêng liêng. Đầu năm 1973, khi được trao trả tù binh theo tinh thần Hiệp định Paris, các bà đã đem 3 lá cờ ấy trở về với cách mạng. “Chúng tôi được trao trả tại bờ bắc sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) và đã giương cao 3 lá cờ Đoàn trong niềm vui sướng, tự hào”, bà Năm hào hứng.

Mong lớp trẻ nỗ lực tiếp bước cha anh

Sau khi rời nhà lao, bà Năm cùng các bạn tù được an dưỡng, học tập, công tác tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cũng vào năm 1973, trong một lần ra miền Bắc dự họp, ông Hồ Nghinh, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, đã đến thăm những người con quê hương vừa thoát khỏi tù ngục. Bà Năm và các đồng đội đem ra 3 lá cờ Đoàn và kể lại quá trình thêu cờ với người lãnh đạo cao nhất của quê hương xứ Quảng. Bà Năm hồ hởi nói: Bác Hồ Nghinh từ ngỡ ngàng đến xúc động, nghẹn ngào thốt lên: “Cờ thêu đẹp quá! Các đồng chí giỏi quá! Tinh thần trung kiên, gan góc, mưu trí của các đồng chí thật đáng trân trọng, tôn vinh!”.

Kế đó, bà Năm và các đồng đội nhanh chóng trao đổi, thống nhất, nhờ ông Hồ Nghinh đem một lá cờ Đoàn về tặng Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng xã Điện An, một lá gửi tặng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và một lá tặng Tỉnh Đoàn Thanh Hóa - đơn vị kết nghĩa với Tỉnh Đoàn Quảng Nam và là nơi các anh chị đang an dưỡng, học tập, công tác.

Hơn 50 năm qua, kỷ niệm về việc thêu cờ Đoàn và những hoạt động đấu tranh trong tù ngục vẫn nguyên vẹn trong tâm khảm người hội viên tù yêu nước. Rạng ngời niềm tự hào, bà Năm cho biết, bà muốn chia sẻ với các bạn trẻ về cuộc đấu tranh kiên cường của thế hệ cha anh trong tù ngục năm xưa, về thời thanh xuân của thế hệ bà luôn hừng hực ý chí phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đoàn, chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời mong muốn lớp trẻ hôm nay nỗ lực phấn đấu tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Năm mở tủ lấy ra những tấm ảnh đen trắng mà bà và các đồng đội đã chụp chung với ông Hồ Nghinh tại Khu An dưỡng Sầm Sơn năm 1973. Bà Năm chỉ vào bức ảnh trao gửi lá cờ Đoàn cho ông Hồ Nghinh và nhắc lại lời ông hồi ấy: “Tôi sẽ sớm chuyển lá cờ đầy ý nghĩa này đến Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng xã Điện An”.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích