Yêu quê hương qua từng thước phim

.

Chỉ mới hoạt động hơn 3 tháng nay nhưng kênh YouTube “Chuyện Đại Lộc” với những đoạn video, thước phim du lịch sinh động về làng quê và con người xứ Quảng đã nhận được sự ủng hộ từ đông đảo khán giả.

Nhóm “Chuyện Đại Lộc” ghi hình làng rau Bàu Tròn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhóm “Chuyện Đại Lộc” ghi hình làng rau Bàu Tròn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những thước phim “cây nhà lá vườn”

Trên kênh YouTube “Chuyện Đại Lộc”, làng quê Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) hiện ra nên thơ và nhẹ nhàng qua những thước phim được đầu tư chỉn chu. Từ hình ảnh cây hoa gạo trăm tuổi nở đỏ rợp trời phía cầu Hà Nha, làng rau Bàu Tròn mát mắt, núi Bằng Am kỳ vĩ và bí ẩn, hồ Khe Tân mênh mông, rừng Khe Lim hoang sơ…, đến nghề làm bánh tráng, làm chổi đót lâu đời đều được các thành viên thực hiện trên tinh thần “người thật, việc thật”. Trong mỗi tập phim đều có một nhân vật trải nghiệm, một người dẫn dắt câu chuyện để người xem hiểu được nội dung phim.

Nhóm làm phim “Chuyện Đại Lộc” gồm 5 thành viên đang làm việc tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Tất cả đều ở độ tuổi 9x và cùng quê Đại Lộc. Thành viên đầu tiên đưa ra ý tưởng cho kênh YouTube về Đại Lộc là Phạm Văn Hạ Vĩ (SN 1997, làm việc tại Trường Đại học FPT Đà Nẵng).

Vĩ chia sẻ: “Ý tưởng của nhóm ra đời vào giữa năm 2020. Chúng tôi muốn lập một kênh YouTube để quảng bá nét đẹp của quê hương mình từ cảnh vật, con người, đời sống... đến những bản sắc đặc trưng như làng nghề, đặc sản. Từ những đoạn phim thực hiện, chúng tôi hy vọng đem lại điều gì đó tích cực cho quê hương mình”.

Đến cuối tháng 3-2021, kênh YouTube “Chuyện Đại Lộc” đã sản xuất 8 số video. Nhóm đang cố gắng duy trì tần suất thực hiện video mỗi tuần một số. Số người theo dõi đạt mức 2.000 lượt xem trên mỗi video. Đó là con số đáng khích lệ khi video đầu tiên được thực hiện từ tháng 12-2020.

Nguyễn Anh Khoa (SN 1995), quay phim chính của nhóm cho biết: “Để bảo đảm phát video đều đặn trên kênh, các thành viên đều cố gắng sắp xếp công việc riêng để đi quay vào cuối tuần. Từ thời điểm lên ý tưởng, cùng nhau thảo luận kịch bản quay đến khi quay một tập phim, dựng phim và cho phim “lên sóng” YouTube mất tầm 1 tuần. Theo phân công, mình là người quay và dựng chính, các bạn còn lại hỗ trợ”.

Theo Vĩ, may mắn là các thành viên trong nhóm có tiếng nói chung trong công việc. Mặt khác, mọi người đều có khả năng quay phim, dựng phim, chụp ảnh nên việc thực hiện video có phần thuận lợi. “Tất cả cùng là người Đại Lộc nên khi thực hiện video, ai cũng đem tình cảm, sự thân thuộc, gần gũi với quê hương đặt vào từng cảnh quay”, Vĩ cho hay. Những hình ảnh, đoạn phim trong các video đều được các thành viên thực hiện bằng các thiết bị tự có như máy ảnh, điện thoại, flycam…

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm

Đúng như tên gọi, mỗi video phát trên YouTube là một câu chuyện về thắng cảnh, con người đất Đại Lộc. Thông tin về điểm đến, chủ đề video được các thành viên tự tìm hiểu thông qua báo chí, người dân địa phương và từ chính nơi mình ở. Theo Vĩ, huyện Đại Lộc có diện tích rộng, còn nhiều nơi chưa khám phá hết. Có những điểm không hề dễ dàng đi như hồ Khe Tân hay núi Bằng Am, nhóm phải tra Google Maps hoặc nhờ người dẫn đường.

“Mỗi video, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm”, Khoa nói. Có lúc vất vả, nhưng các thành viên vẫn động viên nhau dành tâm huyết cho từng video trước khi “lên sóng”, trong đó đầu tư góc quay đẹp, hình ảnh sinh động, ánh sáng hài hòa, kỹ thuật dựng cho chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, để tăng phần thu hút người xem, các video đều có khách mời là những bạn trẻ tham gia trải nghiệm. Các thành viên mong rằng, không chỉ người Đại Lộc mà người Quảng Nam và những nơi khác khi xem các video của nhóm sẽ có cảm tình đặc biệt với vùng đất này.

Là người xem thường xuyên “Chuyện Đại Lộc”, anh Bùi Quốc Toàn, phóng viên thường trú Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng nhận xét: “Kênh YouTube “Chuyện Đại Lộc” được thực hiện công phu, trau chuốt từng góc máy đến cách dựng. Đề tài quảng bá về quê hương không mới, nhưng thể hiện được tình yêu của các bạn trẻ đối với quê hương, rõ nhất từ việc các bạn giao tiếp với khán giả, với các thành viên trong nhóm bằng giọng Quảng đặc sệt. Hy vọng sẽ có nhiều nhóm như thế để hình ảnh quê hương Việt Nam được nhiều người biết đến”.

Anh Nguyễn Thanh (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) cho biết: “Tôi ít có dịp về quê. Xem các video của nhóm, thấy người ta làm bánh tráng, thấy các bạn trẻ chụp hình dưới gốc cây gạo, thấy cầu Hà Nha và cầu Giao Thủy…, tự dưng lại nhớ. Cảm ơn nhóm vì phần nào đã gợi lại tuổi thơ”.

Sắp tới, bên cạnh các video về thắng cảnh, làng nghề, nhóm sẽ mở rộng thêm đề tài về ẩm thực địa phương và rộng hơn là ở nhiều nơi khác trên xứ Quảng. “Rất vui khi kênh YouTube của nhóm ngày càng được ủng hộ. Có đi mới thấy quê hương mình thật đẹp, còn nhiều điều để khám phá và chúng tôi mong muốn được chia sẻ những trải nghiệm ấy đến với mọi người, thông qua những thước phim chân thực nhất”, Nguyễn Anh Khoa chia sẻ.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.