Đà Nẵng cuối tuần

Cây Zamenhof và Quốc tế ngữ

10:26, 30/05/2021 (GMT+7)

* Trong Công viên Thanh Niên thành phố Đà Nẵng, phần nằm trên địa bàn phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) có một cây xanh được gắn bảng với hàng chữ “Cây Zamenhof trồng nhân dịp Đại hội Quốc tế ngữ châu Á - châu Đại Dương lần thứ 9, tháng 4-2019. Đây là loại cây gì và liên quan thế nào đến Quốc tế ngữ? (tranmy...@gmail.com). Quốc tế ngữ du nhập vào Việt Nam từ bao giờ? (Trương Văn Bốn, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Cây Zamenhof là loài cây được mang tên Ludwik Lejzer Zamenhof (1859-1917), bác sĩ nhãn khoa, nhà ngữ văn người Ba Lan. Ông cũng là người phát minh ra Quốc tế ngữ (Esperanto hoặc Lingvo Internacia) và công bố năm 1887 khi ông bước qua tuổi 28, với mục tiêu tạo ra một ngôn ngữ phổ quát để thúc đẩy hòa bình thế giới và hiểu biết quốc tế.

Lúc đầu, ngôn ngữ toàn cầu này có tên là Lingvo Internacia - ngôn ngữ Quốc tế. Khi Zamenhof giới thiệu nó, ông đã dùng bút danh Doktoro Esperanto (nghĩa là “Bác sĩ Hy vọng”). Do đó, người ta đặt tên cho ngôn ngữ này là “Ngôn ngữ của bác sĩ Esperanto”, sau đó chỉ còn lại “Esperanto” và trở thành tên thường gọi cho tới ngày nay.

Cây Zamenhof trong Công viên Thanh Niên thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Cây Zamenhof trong Công viên Thanh Niên thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài viết “Quốc tế ngữ: Ngôn ngữ của hòa bình và hữu nghị” (ngày 28-7-2012) dẫn lời ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức quốc gia Đại hội Quốc tế ngữ toàn cầu lần thứ 97 (UK-97) diễn ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8-2012, cho biết hơn thế kỷ qua, Esperanto đã liên lục phát triển ra khắp các châu lục, trở thành phương tiện giao tiếp thông dụng và trên interrnet của nhiều thế hệ những người sử dụng Quốc tế ngữ Esperanto toàn thế giới. Tại Việt Nam, Quốc tế ngữ đang được khuyến khích mạnh mẽ. Nhiều thanh niên, sinh viên tham gia các khóa học tiếng Quốc tế ngữ. Bài đã dẫn cho biết thêm: “Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, Quốc tế ngữ của chúng ta rất mạnh. Đặc biệt, Quốc tế ngữ đã được dùng trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngay sau khi giành được chính quyền năm 1945. Ông Vũ Hữu Lượng là phát thanh viên thời đó”.

Theo trang vufo.org.vn (Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam), người sáng lập Hội Quốc tế ngữ Việt Nam là ông Nguyễn Văn Kỉnh (1916-1981). Ông dành gần nửa thế kỷ để phát triển phong trào Esperanto tại Việt Nam - thể hiện tinh thần chiến đấu không mệt mỏi vì tự do, bình đẳng, bác ái. Năm 1932, ông bắt đầu học Esperanto; năm 1936 thành lập Chi hội Các nhà Quốc tế ngữ Vô sản và năm 1945 thành lập Nhóm Quốc tế ngữ Nam Kỳ tại Sài Gòn. Trong kháng chiến chống Pháp, ông dạy Esperanto trong bưng biền. Năm 1956, ông thành lập Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình Việt Nam (VPEA), nay là Hội Quốc tế ngữ Việt Nam (VEA). Năm 1959, ông làm Trưởng đoàn VPEA dự UK-48 tại Warsaw (Ba Lan), sau đó là đại diện của châu Á đọc diễn văn trong lễ khánh thành Bia tưởng niệm L.L. Zamenhof tại Bjalistok (quê hương của Zamenhof) nhân dịp 100 năm ngày sinh của Zamenhof. Ông cũng được bầu vào Ban Chấp hành của Hội Quốc tế ngữ toàn cầu (UEA).

Sách “Bảo An - Đất và Người” (nhiều tác giả, NXB Đà Nẵng, 1999) nói đến một người Quảng Nam giỏi Quốc tế ngữ là nhà giáo Phan Bá Lân, con của chí sĩ Phan Thành Tài. Ông Lân tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nói tiếng Pháp lưu loát, ngoài ra còn giỏi tiếng Nhật, Nga, Anh, Quốc tế ngữ. Ông lập trường tư thục Chấn Thanh tại Sài Gòn rồi tại Đà Nẵng, thành lập đoàn Hướng đạo trường Chấn Thanh. Phan Bá Lân còn là thành viên sáng lập “Hội Nam Kỳ Thế giới ngữ”, được Thống đốc Nam Kỳ ký quyết định cho phép hoạt động dưới hình thức CLB Quốc tế ngữ Nam Kỳ. Hội quán CLB đặt tại 93 rue Marcel Richard (Sài Gòn), sau đổi thành đường Tự Đức, nay là đường Nguyễn Văn Thủ.

ĐNCT

.