CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM

Đến trường giữa yêu thương

.

Nhiều học sinh, sinh viên (SV) từng đứng trước nguy cơ bỏ học giữa chừng đã bật khóc khi kể lại khoảnh khắc hạnh phúc được thầy cô, bạn bè và cộng đồng xã hội quan tâm, tiếp thêm niềm hy vọng tiếp tục đến trường.

Trường Đại học Đông Á tổ chức quyên góp hỗ trợ sinh viên con các gia đình ở vùng lũ miền Trung, qua đó  xây dựng môi trường học tập lành mạnh, nơi những con người luôn yêu thương, quan tâm lẫn nhau.  (Ảnh chụp tháng 11-2020)Ảnh: T.Y
Trường Đại học Đông Á tổ chức quyên góp hỗ trợ sinh viên con các gia đình ở vùng lũ miền Trung, qua đó xây dựng môi trường học tập lành mạnh, nơi những con người luôn yêu thương, quan tâm lẫn nhau. (Ảnh chụp tháng 11-2020)Ảnh: T.Y

Chia sẻ gánh nặng học đường

Chúng tôi gặp Trần Ngọc Sương, học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Thành Tài khi em đang gấp rút ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Giữa ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ nhưng ngăn nắp, Sương cho biết, nhiều năm qua, em luôn nhận sự yêu thương, đùm bọc của thầy cô, bạn bè. Những tấm lòng tử tế đãquan tâm giúp đỡ mỗi khi Sương thấy chông chênh trên con đường đến trường.

Nhiều năm trước, ba Sương bị tai biến nằm một chỗ, má bán hàng rong gồng gánh kinh tế gia đình, nuôi 3 con ăn học. Biết hoàn cảnh gia đình, Sương miệt mài học tập, phụ giúp má việc nhà, quên hẳn chuyện vui chơi, ăn quà vặt như bạn bè cùng trang lứa.

Buồn nhưng Sương không nghĩ nhiều, em nói chỉ cần được đến trường để sau này có việc làm lo cho ba má. Nhìn thấy sự cố gắng, nỗ lực của Sương, thầy trò Trường THPT Phan Thành Tài đã kết nối những tấm lòng hảo tâm, giúp Sương từ quyển sách đến cây bút, miễn giảm một phần học phí để em tiếp tục đến trường.

Nhiều năm liền Sương học khá dù thời gian dành cho học tập ít nhiều bị san sẻ bởi những việc giúp đỡ ba má. Sự thật thà, chất phác, hiền lành của cô trò nhỏ khiến ai gặp lần đầu đều cảm mến, yêu thương. “Mỗi lần được nhà trường trao học bổng, ba má đều khuyên em sử dụng đúng mục đích, tập trung vào việc học như mua sách tham khảo, sắm sửa đầu năm học mới. Em luôn biết ơn sự giúp đỡ của mọi người nên tự hứa sẽ luôn cố gắng, chu toàn nhất cho việc học”, Sương chia sẻ.

Gia đình có người thân bạo bệnh hay đột ngột qua đời cũng là nguyên do khiến nhiều học sinh bấp bênh đường đến trường. Chị Nguyễn Thị Hà (ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) kể 5 năm qua, đường đến trường của hai con chị đỡ gập ghềnh khi nhận sự giúp đỡ thường xuyên từ một doanh nhân tại Đà Nẵng.

Người doanh nhân này đã tìm đến gia đình chị Hà sau khi đọc bài báo “Hai con người, một số phận” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần tháng 5-2016, đề nghị giúp đỡ mỗi tháng 2 triệu đồng giúp gia đình lo kinh tế, tiếp tục cho tụi nhỏ đến trường.

Thời điểm ấy, gia đình chị Hà rơi vào cảnh ngặt nghèo khi chồng là anh Trần Minh Hoàng bị tai nạn lao động, nằm liệt giường, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, việc học của con trở thành gánh nặng, viện phí ngày càng tăng cao. “Lúc ấy, số tiền của mạnh thường quân trở thành cứu cánh, giúp chúng tôi có thêm kinh phí tiếp tục cho con đến trường. Bây giờ, hai con tôi, đứa đã tốt nghiệp có việc làm ổn định, đứa sẽ tốt nghiệp hệ cao đẳng vào hè năm nay”, chị Hà vui mừng bày tỏ.

Trần Thị Dung, con gái vợ chồng chị Hà đang theo học ngành lễ tân tại Trường Cao đẳng nghề du lịch Đà Nẵng cho biết, bản thân rất biết ơn những tấm lòng đã hỗ trợ gia đình em suốt thời gian qua.

“Đó không chỉ là sự giúp đỡ, họ đã truyền cho gia đình em nguồn năng lượng tích cực, khiến mỗi thành viên đều cố gắng xây dựng cuộc sống tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Khi thấy tụi em không phải nghỉ học giữa chừng, sức khỏe ba em cũng ổn định hơn trước”, Dung nói.

Những suất học bổng nhân văn

Từng là giáo chức công tác tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám từ năm 1972-2004, trước khi mất năm 2015, bà Nguyễn Thị Sáu có di nguyện mỗi năm gia đình bà sẽ dành 10 triệu đồng tặng thưởng 3 học sinh có thành tích học tập xuất sắc tại ngôi trường này. Trong đó, học sinh đạt thành tích cao nhất khối 12 sẽ nhận mức học bổng 5 triệu đồng, nhì khối là 3 triệu đồng và xếp thứ ba khối là 2 triệu đồng, ưu tiên khen thưởng học sinh nghèo vượt khó. Tặng thưởng Nguyễn Thị Sáu sẽ duy trì từ năm 2015-2024.

Ông Lê Đình Ba - chồng bà Sáu cho biết, ngay khi biết được di nguyện của vợ, ông lập tức liên hệ với Ban Giám hiệu Trường THPT Hoàng Hoa Thám lên kế hoạch xét thưởng hằng năm. Theo đó, trước mỗi kỳ bế giảng, nhà trường sẽ chọn học sinh tiêu biểu, gửi gia đình ông Ba xem xét, trao thưởng dịp này.

“Với Tặng thưởng Nguyễn Thị Sáu, gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng học sinh nhà trường trong học tập, rèn luyện, có ý chí vươn lên”, ông Lê Đình Ba chia sẻ.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám Lê Thiện Trà cho hay, từ khi gia đình ông Lê Đình Ba khởi động “Tặng thưởng Nguyễn Thị Sáu”, phong trào học tập, rèn luyện của học sinh nhà trường tăng cao. “Tặng thưởng trở thành phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực, cố gắng của mỗi học sinh. Là người thầy, tôi rất ấm lòng khi thấy học sinh của mình được xã hội quan tâm, đồng hành trong những năm tháng đến trường”, ông Trà cho hay.

Giữa bất trắc cuộc đời, những suất học bổng được trao đúng lúc đã giúp nhiều gia đình quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. Hai năm trước, ba đột ngột qua đời do tai nạn điện, Ngô Khánh Phương Linh mới chập chững bước vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận Hải Châu; dưới Linh còn 2 đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn.

Chị Nguyễn Thị Hồng Gấm, mẹ Linh khi ấy vừa sinh em bé, đang trong thời gian ở cữ phải gắng gượng làm chỗ dựa cho con. Nhìn người phụ nữ trẻ ôm ba con thơ bên di ảnh chồng, trong tay không chút tài sản, ai cũng lo lắng, thương cảm không biết sau này tụi nhỏ sẽ được chăm sóc, học hành ra sao.

Hoàn cảnh của Linh được nhà trường quan tâm miễn giảm học phí, thầy cô đồng hành trong mỗi tiết học để cô bé không cảm thấy cô đơn, thiếu thốn. Đặc biệt, để Linh yên tâm tới trường, chương trình “Ly cà phê yêu thương” của Hội Nhà báo Đà Nẵng đã quyết định trao hỗ trợ thường xuyên, mỗi tháng 1 triệu đồng, từ giữa năm 2019 đến nay.

Chị Nguyễn Thị Hồng Gấm cho biết, cuộc sống mẹ con chị giờ tạm ổn định, các con đến trường được thầy cô, bạn bè yêu thương giúp đỡ. “Với tôi bây giờ, quan trọng là các con được đến trường, được học hành tử tế”, chị Hồng Gấm mong mỏi.

Có thể nói,  mỗi năm có hàng trăm học sinh, sinh viên tại Đà Nẵng may mắn được nhận những suất học bổng giá trị từ chương trình học bổng SEEDS về hỗ trợ giáo dục và phát triển kỹ năng do Tổ chức Vòng tay Thái Bình (Mỹ) tài trợ; quỹ “Tiếp bước cho em đến trường”; học bổng Odon Vallet (hình thành từ sự đóng góp tự nguyện của ông Odon Vallet, Giáo sư lịch sử tôn giáo của Đại học Sorbonne, Cộng hòa Pháp)… Ngoài ra, nhiều trường đại học, cao đẳng cũng có những chương trình khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ sinh viên đang theo học tại trường.

Đơn cử, để chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, hỗ trợ chi phí ban đầu cho sinh viên các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Trường Đại học Đông Á có chương trình khuyến học dành cho thí sinh trúng tuyển nhập học vào các ngành, bậc đại học hệ chính quy năm 2021. Cụ thể, Trường Đại học Đông Á sẽ dành 7,5 tỷ đồng cấp học bổng cho tân sinh viên (mỗi suất 3 triệu đồng bao gồm 1,5 triệu đồng hỗ trợ học phí và quà tặng lúc nhập học như ba lô, áo sơ mi, quần áo thể thao…).

Ngoài ra, trường này còn có chính sách hỗ trợ 25% học phí học kỳ đầu tiên (tương đương 2,1 triệu đồng) cho sinh viên nhập học các ngành Tâm lý học, Dinh dưỡng, Công nghệ thực phẩm, Quản trị Văn phòng, Quản trị Nhân lực, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, sinh viên có hộ khẩu từ tỉnh Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên Huế, nhập học trước ngày 30-9-2021.

Trường Đại học Đông Á được đánh giá là ngôi trường có nhiều chương trình khuyến học, khuyến tài dành cho sinh viên, trích từ Quỹ học bổng Hoa Anh Đào cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Những năm qua, nhà trường ký kết với Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP 579 - STT hỗ trợ, bố trí chỗ ở cho gần 2.000 SV tại khu Ký túc xá SV phía Đông (quận Ngũ Hành Sơn) và khu phía Tây (quận Liên Chiểu) cho sinh viên. Kinh phí lưu trú cũng được nhà trường hỗ trợ chi trả 50%, ưu tiên cho sinh viên nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.