Đà Nẵng cuối tuần
Chuyện bên ngoài phim "Ông cố vấn"
NSƯT Vũ Đình Thân vào vai nhà tình báo chiến lược Vũ Đình Long trong phim Ông cố vấn (Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất từ năm 1994, khởi chiếu năm 1996) rất tròn trịa, để rồi đến tận hôm nay, đi tới đâu ông cũng được gọi là “ông cố vấn”.
Ông cố vấn là bộ phim về đề tài tình báo, kịch bản của nhà văn Hữu Mai, dựa theo tiểu thuyết cùng tên do NSƯT Lê Dân làm đạo diễn. Nhân vật chính là Vũ Đình Long quê ở xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) nhưng sống tại quê mẹ là giáo xứ Phát Diệm, Ninh Bình.
NSƯT Vũ Đình Thân vào vai nhà tình báo chiến lược Vũ Đình Long trong phim Ông cố vấn. (Ảnh tư liệu) |
Càng về cuối, phim càng hấp dẫn
Theo nội dung phim, Vũ Đình Long tham gia Việt Minh, Thị ủy viên thị xã Thái Bình. Năm 1953, Vũ Đình Long được Nha tình báo Trung ương tuyển vào Cơ quan Tình báo quân sự đào tạo. Đoán biết chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm được sự trợ giúp của Mỹ sẽ phá hoại Hiệp định Genève quyết liệt, Cơ quan Tình báo Trung ương bắt đầu tung một số điệp viên vào Nam để thực hiện kế hoạch chiến lược lâu dài. Tháng 12-1955, Cơ quan Tình báo Trung ương dựng lý lịch cho Vũ Đình Long “bất mãn chế độ” nên ly khai với cách mạng, cùng vợ con bước xuống tàu hải quân Pháp hòa cùng dòng người đông nghịt di cư vào Nam.
Vào Sài Gòn, Vũ Đình Long tập trung xây dựng vỏ bọc an toàn. Đến cuối tháng 12-1958, ông bị phát hiện vẫn hoạt động Việt Minh tại Thái Bình nên sau đó bị bắt giam tại Huế. Tuy bị bắt nhưng lợi dụng sơ hở của địch, ông móc nối được với nhà tình báo tầm cỡ Trần Quốc Hương cũng đang bị giam tại đây. Ông Trần Quốc Hương hướng dẫn Vũ Đình Long phải bằng mọi giá chui sâu, leo cao vào sào huyệt của địch.
Cuối năm 1959, Vũ Đình Long quyết định viết một tờ trình gửi Ngô Đình Cẩn dự báo có 4 nguy cơ đe dọa chế độ gia đình họ Ngô, trong đó sẽ có cuộc đảo chính vào cuối năm 1960. Tin này được Cẩn khẩn báo cho hai anh trai Diệm - Nhu. Đúng như dự báo của Vũ Đình Long, ngày 11-11-1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông cầm đầu quân đảo chính nổi dậy nhưng nhờ thông tin của Vũ Đình Long, Ngô Đình Diệm đã chủ động dập tắt cuộc lật đổ. Với “công lao” này, Vũ Đình Long thoát khỏi cánh cửa nhà giam và được Diệm - Nhu để mắt tới. Vào lại Sài Gòn, Vũ Đình Long tiếp tục làm người giúp việc cho Giám mục Lê Hữu Từ, được anh em Diệm - Nhu tin cậy nên biệt danh “ông cố vấn” xuất hiện từ đó.
Nhà văn Hữu Mai xây dựng kịch bản phim 50 tập trên cơ sở 53 chương của 3 tập tiểu thuyết Ông cố vấn. Nhân vật Vũ Đình Long làm cố vấn cho 3 đời Tổng thống Việt Nam cộng hòa nhưng mới quay được 10 tập đầu về thời kỳ Tổng thống Ngô Đình Diệm thì kết thúc, do không được cấp tiếp kinh phí. Cũng theo NSƯT Vũ Đình Thân, kịch bản càng về cuối càng ly kỳ, hấp dẫn bởi từ sau cái chết của anh em họ Ngô thì “ông cố vấn” Vũ Đình Long là người tổ chức vận động bầu Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống, được Thiệu tin cậy mời làm cố vấn, nắm được nhiều tin mật để cung cấp cho Trung ương Cục miền Nam. Rồi mạng lưới tình báo A.22 của Vũ Đình Long bị phát hiện, ông bị bắt và ở tù chung thân, năm 1973 được trao trả thì tiếp tục hoạt động tình báo. Đến ngày 30-4-1975, ông đứng bên cạnh Tổng thống Dương Văn Minh nở nụ cười mãn nguyện khi quân giải phóng tiến vào chiếm dinh Độc lập…
Những điều đặc biệt
Cũng qua NSƯT Vũ Đình Thân, tôi mới biết làm bộ phim Ông cố vấn quả thật đặc biệt. Cái đặc biệt ở đây là nhà văn Hữu Mai vừa tác giả tiểu thuyết, vừa chuyển thể kịch bản, lại vừa Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn. Để phim đạt hiệu quả, nhà văn Hữu Mai chọn NSƯT Lê Dân làm đạo diễn vì Lê Dân cũng từng hoạt động tình báo cách mạng, bị địch bắt giam cầm, thấu hiểu mọi ngóc ngách của chế độ Sài Gòn. Thông thường đạo diễn mới có quyền lựa chọn diễn viên mình ưng ý nhưng riêng với vai chính diện Vũ Đình Long - nguyên mẫu nhà tình báo chiến lược Vũ Ngọc Nhạ, nhà văn Hữu Mai đề xuất Vũ Đình Thân đảm nhận và đạo diễn Lê Dân gật đầu không ngần ngại. Có lẽ nhờ sự nhìn nhận tinh tường của nhà vănHữu Mai nên bộ phim đã làm nên tên tuổi Vũ Đình Thân.
Hơn 3 tháng cầm kịch bản, đọc kỹ phần vai diễn, Vũ Đình Thân không khỏi lo lắng vì đây là nhân vật lịch sử nổi tiếng của lực lượng tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy, ông phải thường xuyên gặp Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ để trao đổi, hỏi thêm các chi tiết trong kịch bản và được ông ân cần chỉ bảo, nhất là những lời thoại. Điều thuận lợi là ngay từ lúc bấm máy quay tập phim đầu tiên, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ cũng có mặt để theo dõi từng cảnh quay, chỉnh sửa một vài chi tiết. Trong suốt quá trình làm phim, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ và nhà văn Hữu Mai theo đoàn đi hết các vùng đất được chọn làm bối cảnh phim. Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ rất tôn trọng tài năng của đạo diễn, diễn viên. Ông thường góp ý với anh em về những cảnh quay sắp tới trong các bữa cơm hằng ngày chứ ít khi can thiệp vào những lúc đạo diễn, diễn viên đang tác nghiệp.
THÁI MỸ