ĐẠI BIỂU CỦA NHÂN DÂN

Bầu cử thời 4.0

.

“Tiếp xúc cử tri trực tuyến” là cụm từ quen thuộc trong những ngày diễn ra hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Đơn vị bầu cử số 1 với cử tri 13 phường thuộc quận Hải Châu .Ảnh: T.Y
Quang cảnh hội nghị trực tuyến giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Đơn vị bầu cử số 1 với cử tri 13 phường thuộc quận Hải Châu .Ảnh: T.Y

Trong khoảng thời gian từ ngày 17-5 đến 20-5, những người ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa X thực hiện các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử trực tuyến từ 3 điểm cầu chính tại Hội trường Trung tâm hành chính thành phố, Hội trường HĐND thành phố, Hội trường Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố kết nối với 56 điểm cầu tại Hội trường UBND các phường, xã thuộc đơn vị bầu cử. Nhiều ý kiến cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công khai quá trình công tác, chương trình hành động, hình thức tiếp xúc trực tuyến vẫn bảo đảm tính tương tác giữa cử tri với ứng cử viên.

Hình thức tiếp xúc mới

Sáng 17-5, Hội nghị trực tuyến giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đơn vị bầu cử số 1) với cử tri 13 phường thuộc quận Hải Châu diễn ra khá đặc biệt. Trong 5 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tham gia tiếp xúc cử tri, có một ứng cử viên tại điểm cầu Văn phòng Trung ương Đảng (Hà Nội) là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng.

Từ điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng cho biết, bản thân ông sẽ cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, ông sẽ cùng Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đảng bộ thành phố Đà Nẵng vững mạnh toàn diện, đủ sức lãnh đạo thành phố phát triển văn minh, giàu đẹp, là thành phố đáng sống như mong muốn của người dân Đà Nẵng.

Ở điểm cầu Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, 4 ứng viên còn lại là Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc Công an thành phố; ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố; Trung tá Lê Thị Lý, Trưởng Phòng Hồ sơ - Công an thành phố và bà Nguyễn Thị Thùy Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Thương mại HT Safbel, đã chia sẻ chương trình hành động, lời hứa trước cử tri.

Những thông tin này được kết nối trực tuyến đến 13 điểm cầu tại 13 phường trực thuộc quận Hải Châu, nơi có hàng trăm cử tri đang theo dõi và mong muốn bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình. Ông Đặng Vân, cử tri phường Hòa Cường Bắc cho rằng, tiếp xúc cử tri trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo đó, ứng cử viên cùng cử tri không phải di chuyển nhiều nhưng vẫn có thể kết nối, chia sẻ quan điểm, chương trình hành động, cử tri hỏi - ứng cử viên trả lời.

“Hoạt động tiếp xúc diễn ra nhanh gọn, có trọng tâm. Theo tôi, hình thức vận động này hoàn toàn mới, cần duy trì nhằm tăng tần số tiếp xúc cử tri để các đại biểu kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, phản ánh tới Quốc hội và cơ quan chức năng”, ông Vân nói.

Trong khi đó, hoạt động tiếp xúc, vận động bầu cử đối với ứng viên đại biểu HĐND huyện Hòa Vang cũng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến ở 4 điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính huyện, kết nối với các điểm cầu Hội trường UBND các xã thuộc đơn vị bầu cử.

“Việc tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến thời gian qua diễn ra khá thuận lợi, chúng tôi không phải đi lại nhiều nơi nhưng vẫn chuyển tải được thông điệp, chương trình hành động của mình. Đối với cử tri, họ vẫn có thể đặt câu hỏi, thảo luận, chất vấn ứng cử viên về chương trình hành động, vấn đề cử tri quan tâm. Việc ứng dụng công nghệ cũng giúp người ứng cử có thể gặp gỡ cử tri nhiều đơn vị, nhiều địa phương trong cùng một thời điểm”, một ứng cử viên đại biểu HĐND huyện Hòa Vang chia sẻ.

Đáp ứng hạ tầng công nghệ thông tin

Nhiều ý kiến cho rằng, tiếp xúc cử tri trực tuyến là “trải nghiệm thú vị” của chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công, phù hợp với nội dung Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; mang lại cơ hội chưa từng có trong công tác tổ chức, tuyên tuyền của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Dựa trên những yếu tố khách quan về phòng, chống dịch trong công tác bầu cử, chính quyền địa phương tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông, làm quen với những ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ chính quyền điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về mọi mặt.

Để hỗ trợ ứng cử viên và cử tri trong suốt quá trình diễn ra hoạt động bầu cử, Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng 99 infographic (đồ họa thông tin) tóm tắt tiểu sử của người ứng cử đại biểu HĐND thành phố và đại biểu Quốc hội; triển khai chuyên mục “Bầu cử’ trên zalo “Tổng đài 1022” để người dân dễ dàng tìm hiểu tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên cũng như thông tin về các đơn vị bầu cử, địa điểm bầu cử…

Cử tri Nguyễn Văn Mạnh (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho rằng, chuyên mục “Bầu cử” cơ bản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố khóa X. “Trước đây, muốn xem tiểu sử và chương trình hành động của ứng cử viên, tôi phải đến UBND phường hoặc Nhà văn hóa, nay thì ở nhà “lướt mạng” cũng có thể cập nhật đầy đủ thông tin. Các thư mục trong chuyên mục “Bầu cử” rõ ràng, thao tác dễ, phù hợp với đại đa số người dân. Ví dụ, muốn biết địa điểm bầu cử, tôi chỉ cần vào thư mục “Địa điểm bầu cử”, nhập thông tin phường/xã nơi mình cư trú, hệ thống nhanh chóng phản hồi chi tiết về địa điểm, thời gian bầu cử và số điện thoại hỗ trợ”, ông Mạnh hào hứng bày tỏ.

Một trong những điểm mới, nổi bật của công tác bầu cử thời 4.0 là Ủy ban Bầu cử thành phố đã ban hành kế hoạch ghi hình và phát sóng phát biểu tranh cử của ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa X. Theo đó, các ứng cử viên được ghi hình các bài phát biểu chương trình hành động với thời lượng phát sóng 3 phút/ứng cử viên, thời gian phát sóng từ 20 giờ ngày 14-5 đến 20-5 trên kênh DaNangTV1. Ngoài ra, công tác truyền thông về bầu cử được thành phố đẩy mạnh, chuyển tải đầy đủ trên Cổng thông tin dịch vụ công thành phố, VCNet, Facebook, Zalo Tổng đài 1022 để người dân nắm bắt. Ngoài ra, nhiều ứng cử viên đã dựa vào mạng xã hội, trang facebook cá nhân để giới thiệu bản thân với cử tri thành phố.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết, trong suốt thời gian diễn ra hoạt động bầu cử, đơn vị đã xây dựng các phương án, bố trí trang thiết bị, kỹ thuật nhằm bảo đảm tín hiệu đường truyền. Đường truyền được kết nối từ 3 điểm cầu chính (nơi các ứng cử viên trình bày chương trình hành động) đến 56 điểm cầu phường, xã (nơi cử tri nghe chương trình hành động của các ứng viên), bảo đảm tính tương tác giữa ứng cử viên với cử tri toàn thành phố.

Từ giữa tháng 4, Đà Nẵng đã xây dựng nội dung tuyên truyền theo mô hình “hỏi - đáp” về công tác bầu cử, cung cấp thông tin cụ thể về vai trò, chức năng của Quốc hội, HĐND, kêu gọi người dân có trách nhiệm với lá phiếu cử tri. Ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu hoạt động bầu cử. Các hội nghị trực tuyến diễn ra thông suốt, qua đó đơn vị kịp thời tổng hợp, báo cáo nhanh kết quả tiếp xúc cử tri, chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban bầu cử thành phố. Theo ông Liễu, ngoài tiếp xúc trực tuyến, hỏi - đáp tại chỗ, cử tri cũng có thể gửi gắm nguyện vọng của mình bằng văn bản.

HUỲNH lÊ

;
;
.
.
.
.
.