Đà Nẵng cuối tuần

Facebook có mở lại tài khoản cho cựu Tổng thống Donald Trump?

09:12, 09/05/2021 (GMT+7)

Ủy ban Giám sát độc lập của công ty Facebook sẽ sớm bỏ phiếu về việc có nên mở lại tài khoản cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trên hai nền tảng của họ là Facebook và Instagram hay không.

Tài khoản Facebook của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump “đứng hình” từ 15 giờ  14 phút ngày 6-1-2021, trong buổi chiều xảy ra vụ việc người biểu tình gây bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Los Angeles Times
Tài khoản Facebook của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump “đứng hình” từ 15 giờ 14 phút ngày 6-1-2021, trong buổi chiều xảy ra vụ việc người biểu tình gây bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Los Angeles Times

Giới truyền thông quốc tế, đặc biệt là truyền thông Mỹ, rất quan tâm tới quyết định cuối cùng của Facebook. Vấn đề cốt lõi không phải vì truyền thông quan tâm tới “số phận” các tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ, mà trên thực tế, quyết định của Facebook được dự đoán sẽ làm kinh động tới các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.

Tạo ra tiền lệ

Việc Facebook đi đến quyết định cuối cùng là “cấm cửa” vĩnh viễn hay cho phép mở lại các tài khoản mạng xã hội của ông Trump sẽ đặt ra một tiền lệ lịch sử trong việc các “ông lớn” công nghệ hành xử như thế nào với tài khoản của các nhà lãnh đạo thế giới. Ở cấp độ hẹp hơn, quyết định của Ủy ban Giám sát độc lập về trường hợp ông Trump cũng sẽ là “bài kiểm tra” về mức độ cũng như phạm vi quyền hạn của tổ chức này.

Facebook đã thành lập Ủy ban Giám sát độc lập với nguồn quỹ 130 triệu USD vào năm 2019 với chức năng giúp đánh giá lại các khiếu nại của người dùng về các quyết định của đội ngũ điều phối nội dung trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Mặc dù đến nay, nhiều ý kiến phản biện từng chất vấn về tính độc lập của Ủy ban Giám sát với ban lãnh đạo công ty Facebook nhưng thông qua một vài quyết định đầu tiên đã đưa ra trong năm nay thì có vẻ như ủy ban này không ngại bất đồng quan điểm với Facebook. Trong một chừng mực nào đó, những quyết định đó cho thấy Ủy ban Giám sát có phần nghiêng về hướng bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là trường hợp duy nhất Facebook đưa ra quyết định đình chỉ vô thời hạn hoạt động tài khoản Facebook khi ông vẫn đang là nguyên thủ đương nhiệm của một nước. Tuy nhiên, công ty này cũng đã có những động thái “răn đe” với một số tài khoản của các nhà lãnh đạo khác. Chẳng hạn, Facebook đã đóng băng tài khoản của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong 30 ngày hồi tháng 3 vì ông vi phạm các chính sách của Facebook trong việc ngăn chặn phát tán các nguồn tin thất thiệt về đại dịch Covid-19.

Dân biểu Ro Khanna của đảng Dân chủ tại bang California bày tỏ quan điểm với trang tin Axios: “Tôi quan tâm về số phận (các tài khoản mạng xã hội - PV) của ông Trump thì ít mà quan tâm nhiều hơn là việc này sẽ thiết lập ra một tiền lệ trong việc loại bỏ hoặc xóa ai đó ra khỏi một nền tảng”. Ông Khanna cũng cảnh báo việc cho phép ông Trump được hoạt động trở lại ngay lập tức trên các nền tảng của Facebook không phải là cách tiếp cận tốt nhất. “Ở mức tối thiểu, nên có một khoảng thời gian dài chờ đợi trước khi ông ấy được hoạt động trở lại”, dân biểu Khanna lập luận.

Đảng Cộng hòa tức giận

Sau hơn 3 tháng tài khoản Facebook của cựu Tổng thống Donald Trump bị đóng vô thời hạn, những người theo quan điểm bảo thủ tại Mỹ vẫn rất giận dữ với quyết định của mạng xã hội. “Mặc dù tôi sẽ rất vui khi thấy “Tòa án tối cao” của ông Mark Zuckerberg công bố kiểm tra về sự kiêu ngạo của ông ấy, nhưng tôi cũng sẽ không chúc mừng”, dân biểu Jim Banks, Chủ nhiệm Ủy ban Nghiên cứu đảng Cộng hòa, một nhóm các nghị sĩ theo trường phái bảo thủ lớn nhất tại Hạ viện nói. “Không Giám đốc điều hành (CEO) hay “ủy ban giám sát” nào của họ nên có quyền lực lớn hơn các nhà lãnh đạo mà quý vị đã bầu”, ông Jim Banks nói thêm.

Trong khi đó, dân biểu Ken Buck của đảng Cộng hòa tại bang Colorado, thành viên có quyền lực thứ hai tại tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện, bày tỏ quan điểm: “Các tiêu chuẩn quản lý nội dung của Facebook đã không được áp dụng công bằng và trung lập”. Dân biểu Ken Buck lấy ví dụ về một số chính trị gia khác cũng có những phát ngôn mang tính kích động bạo lực tại các nước khác nhưng đã không bị “cấm cửa” khỏi nền tảng mạng xã hội của Facebook như ông Trump.

Từ đây, không khó để đoán rằng, nếu Ủy ban Giám sát của Facebook kiên quyết tiếp tục cấm tài khoản của ông Trump, công ty này sẽ đối mặt với cơn cuồng nộ của dư luận bảo thủ - những người vốn từ lâu cho rằng các nền tảng công nghệ như Facebook và Twitter đã có định kiến bất công với họ.

Thực tế, sau khi Facebook cấm tài khoản của ông Trump, nhiều lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ quan điểm phản đối. Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi việc cấm này là động thái “có vấn đề”. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador gọi đó là “sự kiểm duyệt”. Tổng thống Braizl Jair Bolsonaro thậm chí còn kêu gọi những người ủng hộ ông tẩy chay các nền tảng của Facebook.

Đứng trước sức ép rất lớn từ dư luận cũng như ý thức rất rõ về tầm ảnh hưởng của quyết định sẽ đưa ra liên quan tới các tài khoản mạng xã hội của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ủy ban Giám sát độc lập của công ty Facebook ngày 16-4 thông báo trên tài khoản Twitter rằng, họ sẽ công bố quyết định quan trọng này trong vài tuần tới. Trong thời gian đó, họ cũng sẽ mở rộng thêm thời hạn chót để tiếp nhận các bình luận của công chúng về vấn đề này. Tính tới ngày 16-4, Ủy ban Giám sát của Facebook thông báo đã nhận hơn 9.000 phản hồi bình luận từ công chúng.

TRẦN ĐẮC LUÂN
(Theo Los Angeles Times, AP)

.