Đà Nẵng cuối tuần

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2021)

Đời văn - đời người

08:38, 09/05/2021 (GMT+7)

Có những con người mà khi mất đi, họ như những bóng râm đại thụ bị khuyết mà không thể lấy bất cứ bóng râm nào thay thế vào đấy cho được. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân, học giả Nguyễn Văn Xuân - cây đại thụ của văn học xứ Quảng là một người như thế.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2007). (Ảnh tư liệu)
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2007). (Ảnh tư liệu)

Hơn 70 năm hoạt động văn học - nghệ thuật, Nguyễn Văn Xuân đã để lại cho đời khối lượng tác phẩm đồ sộ, bao gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo, nghiên cứu, lịch sử, kịch bản...

Các nhà nghiên cứu phê bình văn học thuộc lớp về sau đã có nhận định về ông: “Với sự hiểu biết sâu sắc về sử học, dân tộc học, xã hội học, ông đã làm sống lại những sự kiện vang dội mà đau xót cũng như đã khắc họa thành công hình ảnh những người con ưu tú đất Quảng: Hoàng Diệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân, các lãnh tụ Cần Vương Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến...” (Nguyễn Văn Xuân - Nhà văn đậm đặc chất Quảng, Giáo sư Trần Hữu Tá). Những bóng râm tỏa bóng mát từ các công trình nghiên cứu, cùng với nhiều tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân vẫn phủ bóng mát, xác lập một phẩm giá nhân văn không gì thay thế được.

Nhà văn - nhà Quảng Nam học

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921 tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông thuộc thế hệ các nhà văn xuất hiện trên văn đàn từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau khi rời ghế nhà trường tại Huế năm 1937, ông bắt đầu cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí lúc bấy giờ như: Văn Lang, Mới (Sài Gòn), Tiểu thuyết Thứ Bảy (Hà Nội)...

Tài năng của ông sớm bộc lộ từ những tác phẩm ban đầu với các truyện ngắn: Ngày giỗ cha, Ngày cuối năm trên đảo... Tuổi thanh xuân thuộc lớp ông lúc bấy giờ đã hòa vào bầu không khí hừng hực toàn quốc kháng chiến, ông lên đường tham gia vào các hoạt động nghệ thuật sân khấu như kịch nói, hát bội...

Hội Văn nghệ Quảng Nam và Liên khu 5 vào những năm sục sôi bầu không khí kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Xuân tích cực tham gia phong trào này. Năm 1955, ông bị địch bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Khi rời nhà lao, ông về quê dạy học và tiếp tục sự nghiệp nhà văn, nhà nghiên cứu vốn như một lựa chọn có tính định mệnh, hằng ấp ủ khát vọng cháy bỏng trong ông cho đến cuối cuộc đời.

Tài năng, vốn sống phong phú, lịch lãm và sự học Thâm viễn (chữ của ông), cùng với những giá trị văn hóa truyền thống của xứ sở đã hun đúc nên một Nguyễn Văn Xuân - nhà văn - nhà Quảng Nam học, mà tất cả sự độc đáo của ông hiển lộ rõ bản sắc một vùng địa linh nhân kiệt.

Nói tới nhà văn Nguyễn Văn Xuân sẽ khó mà quên Bão rừng (1955) - tiểu thuyết đầu tay của ông đã in đậm nét của một thời “... anh chạy vào đất đỏ làm phu”. Liên tiếp về sau là: Dịch cát - tập truyện ngắn (1966), Hương máu - truyện ký (1969), tên tuổi của ông vào những năm tháng ấy đã là một dấu ấn giữa lòng công chúng.

Song, tài năng của Nguyễn Văn Xuân không khuôn lại trong lĩnh vực sáng tác. Cũng trong thời gian nói trên, Nguyễn Văn Xuân đã cho ra đời nhưng công trình biên khảo, lịch sử đặc sắc và dày công phu, mà tiếng vang chắc rằng không thu hẹp lại trong bất cứ thời gian nào. Khi những lưu dân trở lại (1967) - tập khảo luận sâu sắc, ông chiêm nghiệm và mở ra một cái nhìn quán xuyến, thấu đạt những gian truân của một thời mở đất tiến về phương Nam theo cách tư duy của nhà văn. Chinh phụ ngâm diễn âm Tân Khúc (1971) là một phát hiện khoa học truy nhận những giá trị văn học sử. Lịch sử Phong trào Duy Tân (1969) là một công trình nghiên cứu tầm vóc thể hiện rõ tâm huyết của ông như một niềm tri ân đối với lịch sử, với những nhân vật kiệt xuất không chỉ của vùng đất Quảng mà còn của cả dân tộc.

Một đời sống giản dị

Sau năm 1975, ngày đất nước hòa bình, thống nhất, nhà văn Nguyễn Văn Xuân mải mê sáng tác, nghiên cứu; tham gia nhiều công trình sử địa phương: Hội An, Đà Nẵng, Điện Bàn...; nghiên cứu văn học: thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi... Bài viết của ông xuất hiện trên các trang nghiên cứu, văn học, văn hóa, địa chí và lịch sử của nhiều tờ báo từ địa phương cho đến Trung ương. Đặc biệt, năm 2003, tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống của ông được tặng thưởng (giải A) của Ủy ban Toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

Từ các giải thưởng đầu tiên (giải nhất) cho truyện ngắn Bóng tối và ánh sáng do Tạp chí Thế giới (Hà Nội) trao - thuở ông mới 17, cho đến Kỳ nữ họ Tống, quả là một con đường dằng dặc ngót đến 70 năm. Thực ra, toàn bộ sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Văn Xuân không chỉ giới hạn trong cái mốc của những giải thưởng đó, mà sự cống hiến to lớn và toàn bộ tác phẩm của ông mới là giá trị cao quý lưu lại mãi trong đời sống văn hóa xứ Quảng nói riêng và cả nền văn học dân tộc nói chung.

Là một nhà văn lớn, mang tầm vóc cây cao bóng cả trên đất Quảng, nhưng Nguyễn Văn Xuân sống một đời giản dị, luôn gần gũi với mọi người. Với những lớp tuổi văn nghệ sĩ đàn em, con cháu, dường như ông chưa bao giờ tạo ra một khoảng cách. Tất cả nhận từ ông những vốn sống tích lũy, những trải nhiệm của một người thầy, người anh. Những hạt giống Nguyễn Văn Xuân đã gieo vào tâm hồn bao lớp tuổi về sau, trong vô vàn cây đời xanh biếc ấy có nỗi lòng ông kỳ vọng.

NGUYỄN NHÃ TIÊN

.