Đà Nẵng cuối tuần

Những lễ hội của ngày hôm qua

08:33, 09/05/2021 (GMT+7)

Các trang web du lịch dành hẳn một phần riêng giới thiệu về lễ hội ở Đà Nẵng, trong đó có một số lễ hội rất “trẻ” như: Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (tổ chức lần đầu tiên năm 2008), các lễ hội ở Bà Nà Hills (mới được tổ chức sau khi khu du lịch này phát triển)... Có lẽ ít ai biết rằng, Đà Nẵng cũng có nhiều lễ hội truyền thống đã mai một qua thời gian.

Lễ hội cầu ngư Nam Ô ở làng Nam Ô (quận Liên Chiểu) nhằm cầu quốc thái dân an, nghề nghiệp ổn định,  nghề biển của bà con được bội thu và an toàn. (Ảnh mang tính minh họa). (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp)
Lễ hội cầu ngư Nam Ô ở làng Nam Ô (quận Liên Chiểu) nhằm cầu quốc thái dân an, nghề nghiệp ổn định, nghề biển của bà con được bội thu và an toàn. (Ảnh mang tính minh họa). (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp)

Phong Lệ mục đồng, Giáng Đông hát vật

Trang thông tin điện tử huyện Hòa Vang (hoavang.danang.gov.vn) ở phần nói về Làng nghề - Lễ hội có nhắc đến câu ca xưa: Nhất Phong Lệ mục đồng, nhì Giáng Ðông hát vật.

“Mục đồng” là Lễ hội Mục đồng (Lễ rước Mục đồng), lễ hội dành cho trẻ chăn trâu được tổ chức ở làng Phong Lệ (nay là thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), xưa theo lệ “tam niên nhứt lệ” - 3 năm tổ chức một lần vào cuối tháng 3 âm lịch các năm Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu; sau giãn dần ra 6 năm, rồi cuối cùng là 12 năm. Lần cuối cùng lễ hội dành cho trẻ chăn trâu này được tổ chức vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936).

Năm 2007, lần đầu tiên sau hơn 70 năm vắng bóng, Lễ hội Mục đồng đã được người dân 17 họ tộc làng Phong Lệ tự đóng góp tiền của phục dựng với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng. Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng phối hợp với làng Phong Lệ tổ chức lễ hội lần thứ hai. Theo ông Ngô Văn Nghĩa, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Phong Nam, nguyên Trưởng làng Phong Lệ, năm 2014, không thể trông chờ vào các đơn vị tài trợ, bà con trong làng tổ chức lễ hội lần thứ ba để “giữ lửa” cho lễ hội.

“Hát vật” là cách nói tắt của Lễ hội đấu vật (thi võ) ở làng Giáng Đông (nay là thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu) với sự tham gia của trai tráng trong làng và hai làng bạn Lỗ Giáng, Phong Lệ. Theo các vị cao niên trong làng, sở dĩ có tên “hát vật”, bởi việc lễ có cúng tế Thành hoàng, các bậc tiền bối trong làng; phần hội ngoài việc trổ tài múa võ còn có thi hát hò khoan đối đáp rất hấp dẫn, hào hứng, mang màu sắc của văn hóa sau lũy tre làng.

Năm 1999, trong lần đi điền dã để thực hiện bút ký “Giáng Đông - Mỹ Lại của Đà Nẵng” về 126 người dân Giáng Đông bị giặc Pháp sát hại dã man vào ngày 12-6-1948, người viết từng được nghe các cụ kể về thời hoàng kim xưa của “Giáng Đông hát vật”. Thế mà, tất cả giờ chỉ còn phảng phất hình ảnh trong câu ca xưa.

Lễ hội Long chu, Lễ hội Tế trâu làng An Hải

Phía bắc làng Khái Đông (tức Quán Khái Đông, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là núi Ngũ Hành Sơn, dân gian gọi là Non Nước. Nơi đây có loại đá cẩm thạch - nguồn nguyên liệu để dân làng khai thác và chế tác thành những công cụ, vật dụng phục vụ đời sống, dần dần hình thành nên làng nghề điêu khắc đá nổi tiếng cả nước.

Ban đầu, nghề điêu khắc đá của người dân Khái Đông chủ yếu là cha truyền con nối chứ không qua trường lớp nào cả. Ông Phan Thanh Liêm, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ngũ Hành Sơn, người làng Khái Đông, qua truyền khẩu cũng xác nhận rằng, ban đầu thợ đá nơi đây chủ yếu làm vật dụng hằng ngày bằng đá như cối, chày, khay trà, ấm trà, bàn ghế...; trong đó, phổ biến nhất là làm các mẩu đá để giằng dưới đáy và giữ giàn lưới đứng vững trong nước biển.

Ông Lê Văn Chí, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân quận Sơn Trà kể rằng, khoảng gần trăm năm trước, khi chưa có ghe máy, ngư dân Đà Nẵng nói chung, ngư dân Sơn Trà nói riêng, dùng ghe buồm làm nghề kéo giã trong lộng (cách bờ tầm 10km). Lúc đó, ngư dân giữ lưới đứng vững bằng cách gắn các miếng đá hình lưỡi liềm, to nhỏ tùy theo loại lưới, do các thợ đá ở Non Nước đục đẽo làm ra. Về sau, ngư dân thay giằng đá bằng giằng chì.

Người dân Non Nước, tức làng Khái Đông, ngày trước chủ yếu làm nông và đi biển, nghề đá chỉ là nghề phụ. Dấu tích còn lưu lại là miếu Ông Chài, lăng Ông Ngư... quay mặt ra sông Cổ Cò, tựa lưng vào ngọn Hỏa Sơn. Các bậc cao niên cho biết, ngày trước, khi nghề biển thịnh hành, nơi đây còn tổ chức Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Long chu với sự tham gia của các làng bên cạnh như Khái Tây (nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), Khuê Trung (nay thuộc quận Cẩm Lệ), Trung Lương (nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Long chu nghĩa là thuyền rồng - một biểu tượng oai linh để trừ ôn, tống dịch, được làm bằng cót tre, giấy, vải. Dân làng rước kiệu thần Long chu qua các nẻo đường làng và trở về làm lễ tại đình làng; sau đó rước kiệu xuống bến sông và đưa lên bè (kết bằng những thân chuối), thả giữa dòng sông để bè xuôi ra biển với mong ước tống khứ bệnh dịch ra khơi xa. Thời thế thay đổi, nghề đá mỹ nghệ Non Nước ngày một ăn nên làm ra, các nghệ nhân còn duy trì Lễ hội Thạch nghệ Tổ sư tại Nhà thờ Tổ dưới chân núi Mộc Sơn. Trong khi đó, Lễ hội Long chu đã lùi hẳn vào dĩ vãng!

Làng An Hải (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) cũng có một lễ hội có số phận như thế. Bài viết “Trên trời có ông sao Thần...” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 15-6-2014 có nói đến Lễ hội Tế trâu làng An Hải. Theo đó, làng chọn một con trâu to, khỏe, da mượt, oai vệ để tế sống vị thần nông nghiệp tại đàn Thần Nông lộ thiên; sau đó cho dẫn trâu về tế Tiền hiền tại đình làng. Xong tất cả các lễ nghi, bèn thả trâu đi ăn tự do chứ không tổ chức giết mổ. Dân làng quan niệm con trâu là đầu cơ nghiệp, là tài sản của nhà nông, trên đồng cạn dưới đồng sâu giúp nhà nông tăng gia sản xuất.

Lễ hội đình làng An Hải được khôi phục lần đầu vào năm 2000 nhân ngày thu tế 10-8 âm lịch hằng năm theo lệ xưa, nhưng lễ tế trâu chỉ còn trong câu ca xưa: “Dù ai buôn bán bộn bề/ Mồng mười tháng Tám nhớ về tế trâu”...

VĂN THÀNH LÊ

.