Oan gia ngõ hẹp

.

Buổi sáng trời còn chưa hửng nắng, lớp sương mỏng còn lẩn khuất khắp vườn, ông Hòa tập thể dục trong sân.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cái tuổi ngoài năm mươi tuy chưa già nhưng cũng không dám coi mình còn trẻ nên ông chỉ thực hiện nhẹ nhàng mấy động tác dưỡng sinh. Sân vườn nhà ông tràn ngập hoa lá, toàn những giống quý mà ông sưu tầm. Một dãy lồng chim treo dưới giàn phong lan đang thi nhau hòa âm ríu rít trong cái không khí mát mẻ dễ chịu giác tinh mơ.

Ông Hòa nhẹ nhàng thi triển những thế cuối trong bài thái cực. Đang mải mê tận hưởng cuộc sống như tiên cảnh thì bên nhà ông Đại hàng xóm có giọng nói oang oang phá tan không gian tiên cảnh.

- Hả? Cái gì? Sao? Bao nhiêu?… Trời, chịu đại đi, bán lẹ, giá đó là được quá rồi, ăn mỏng mỏng thôi, bán đi còn đẩy hàng tồn. Vậy nha!

Ông Hòa trề môi, tay vẫn nhẹ nhàng di chuyển trong không trung.

- Bởi ta nói, thô thiển, ồn ào, ầm ĩ, um xùm. Đời nào có được cái cốt cách tao nhã, trang trọng, quý phái như nhà này… Cũng may cả ba đứa con ông đều nghe lời cha nó, chịu khó ăn học đỗ đạt, giờ đứa nào cũng làm trong mấy tòa nhà cao ốc máy lạnh mát rượi, chức danh bảnh tỏn, khỏi phải chạy long nhong ngoài mưa ngoài nắng bon chen cãi cọ với người ta.

Hai nhà chỉ cách nhau cái hàng rào thấp ngang cổ, xanh um dây hoa đậu biếc. Ông Hòa liếc mắt sang nhà ông Đại, nhướn cặp chân mày lấm tấm sợi bạc lên cao hơn mấy bông hoa tím thẫm điểm xuyết trên hàng rào, trề môi, vừa lườm liếc, vừa hấm hứ thêm mấy cái.

Bên kia hàng rào, ông Đại ngưng bấm điện thoại, xăm xăm đi lại gần ông Hòa, vênh mặt trả đũa.

- Chưa biết ai là lớp tầm thường đâu nghen.

Ông Hòa vặn vẹo cổ tay cổ chân trước khi ngừng hẳn bài tập, cười nhếch miệng.

- Bởi. Những người không thanh lịch là đây chớ đâu xa.

Ông Hòa lắc đầu kiểu mỉa mai, ông Đại cũng không vừa, rướn người nhón chân cố ý cho cao hơn ông Hòa đang đứng bên kia hàng rào xỏ xiên lại.

- Ờ, cứ thanh lịch, cứ tao nhã đi. Tự hào học đại học, học thạc sĩ mà làm lương mỗi tháng coi được nhiêu? Vậy cũng bày đặt sang chảnh, chanh sả.

- Ờ, nhớ đó. Bảnh vậy thì đừng có mà lạng quạng để cho chó mèo bên đó vượt qua khỏi bức tường giữa hai nhà.

- Xớ, chó mèo cũng không thèm lấn qua cái bức tường của ông.

Cứ vậy, hai ông lời qua tiếng lại, từ chuyện bức tường, cái cổng, tới tiếng chim tiếng chó hai bên làm ảnh hưởng tới nhau thêm một lúc. Tới khi mùi thức ăn từ trong nhà bay ra, không rõ từ nhà ai nhưng khiến cái bụng cả hai réo lên ọc ọc, hai ông liếc xéo nhau thêm mấy cái rồi mới chịu ai về nhà nấy.

*

Hai ông hồi xưa là bạn học của nhau, thân nhau như hình với bóng, có gì cũng chia sẻ cho nhau. Cứ tưởng không gì có thể chia rẽ được tình bạn đó. Ai ngờ, năm nhất đại học, sự thay đổi môi trường học tập, nhiều điều mới lạ trong môi trường đại học lôi mỗi người rẽ sang một hướng.

Ông Đại thích thú với việc đi làm thêm kiếm tiền, còn ông Hòa thì hăng say với các hoạt động của trường khiến hai người bắt đầu có những cái nhìn khác nhau về cuộc sống. Tuy vậy, mối quan hệ thực sự rạn nứt từ khi có sự xuất hiện của cô gái tên Hải Ninh, khi cả hai đều quyết tâm theo đuổi cô gái, không ai nhường ai và cuối cùng ông Hòa đã thắng.

- Năm đó, nếu không có chuyện ông nội bị phá sản, cùng lúc bà nội bị đột quỵ, ba phải nghỉ học ở nhà quản lý cửa hàng nhỏ thì đâu dễ gì để cha nội sến súa đó tán được bạn gái.

Ông Đại vừa ăn sáng, vừa kể về lý do bất hòa giữa ông và ông Hòa cho Lâm, con trai mình nghe.

Lâm nhìn ba mình cười tò mò.

- Nhưng mà hình như vợ chú Hòa đâu phải tên Hải Ninh đâu ba?

- Thì bởi. Giành cho đã cũng chỉ được đâu mấy bữa là chia tay. Ai mà chịu nổi cái kiểu sến súa của ổng chớ.

- Vậy thì ba với chú Hòa bỏ qua cho nhau là được rồi. Giận chi mà tới giờ luôn.

Câu chuyện được ông kể đi kể lại nhiều lần, và càng về sau cảm giác cay cú càng tăng lên khi con gái ông Hòa được đặt tên Hải Ninh. Với ông Đại, đó như một lời thách thức, chế giễu.

Ông múc thêm miếng nước lèo trong tô húp cái rột rồi dằn đũa muỗng xuống bàn. Giọng chắc nịch.

- Có chết ba cũng không đội trời chung với cha nội đó chớ đừng nói tới giảng hòa. Hai lúa mà cứ tưởng mình hay ho.

*

Ông Hòa nghiêng đầu nhìn chăm chú vào tờ báo trên tay, thỉnh thoảng đẩy lại gọng kính, mắt nheo nheo.

Nhà ông có ba người con. Đứa đầu là trai, đã lấy vợ sinh con, có công việc ổn định ở một công ty tổ chức sự kiện, đã mua nhà chung cư và đầu tư thêm vào bất động sản. Đứa thứ hai là con gái, đầu năm sau chuẩn bị cưới, hai vợ chồng quen nhau trong một dự án nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông nghe hai đứa bàn tính với nhau sau khi cưới, con ông sẽ theo chồng sang nước ngoài, về làm việc ở trang trại của nhà chồng. Ông không ưng mấy, như vậy khác nào bỏ công việc tốt để đi chăn bò, cắt cỏ, trồng rừng với nuôi lạc đà.

Còn mỗi cô con gái út, ngoan ngoãn và nhiều nét giống ông nhất. Cô là giáo viên tiếng Anh, vừa thu nhập ổn định ở một trường Anh ngữ, vừa thuộc tầng lớp trí thức. Bởi vậy, ông cưng cô nhất. Còn cái vụ đặt tên Hải Ninh mục đích chỉ để cà khịa lại cái nhà ông Đại bên kia cho hả dạ.

Thấy ba cứ nheo nheo mắt, Hải Ninh đang chuẩn bị đi làm cũng lại gần hỏi han. Ông Hòa than dạo này mắt nhìn không rõ, chắc tăng độ lão, chắc già thiệt rồi.

Hải Ninh chỉ cười, nói ba còn trẻ lắm. Hơn nữa, ba còn thường xuyên tập thể dục, ăn uống điều độ thì sao già được. Ông Hòa lại được dịp cười tít mắt, hả dạ vì có cô con gái út khéo ăn nói, chứ không thô lỗ như bên nhà ông Đại.

Nghĩ tới ông Đại, ông Hòa lại tức cành hông. Ông tháo kính, đẩy tờ báo cái xoạch lên mặt bàn. Hải Ninh liền ngồi xuống cạnh ba dò hỏi.

Ông Hòa như được “rà trúng đài”, bao nhiêu bực bội thêm lần nữa bung ra hết. Ông tức, không hiểu vì sao hồi đó đang yên đang lành chơi với nhau như anh em mà ông Đại lại quay sang đi nói xấu ông khắp trường khiến cô bạn gái đầu đời chia tay ông như vậy. Đã vậy còn chối bay chối biến, rồi giận ngược lại ông, làm như ông bịa ra vậy.

Hải Ninh buột miệng.

- Thường mà ghét ai quá có khi lại thành oan gia ngõ hẹp đó ba. Hông thôi ba bỏ qua cho rồi.

- Không có chuyện đó à nha. Muốn ba bỏ qua chỉ có nước ổng qua tận nhà xin lỗi ba. Không thì miễn bàn.

Hải Ninh thở dài, nhìn ba rồi lắc đầu, cười như mếu.

*

Lâm đi qua đi lại trong phòng khách, một tay đưa lên trán vừa kẹp giữa hai ngón tay, vừa day day ấn đường, tay kia áp vào tai nghe điện thoại, mặt nhăn nhó.

- Giờ không biết sao nữa… Hổng hiểu sao chuyện có chút xíu vậy à mà hai người như nước với lửa, hơn thua nhau hoài. Hai nhà riết rồi giống y như hai dòng họ Montague với Capulet vậy…

Ông Đại từ trong nhà đi ra, nhìn con trai trân trân, tính nói gì đó nhưng ông lại im lặng, khẽ thở dài quay lại ghế ngồi, bật tivi.

Thấy ba mình có vẻ suy tư, Lâm tắt điện thoại, bắt chuyện.

- Ba. Sao mà ba cứ nhăn trán vậy? Ba phải tươi tắn cho cơ mặt săn chắc lên, nhìn mới giống mấy soái ca trung niên, lúc đó mấy chú trong hội Nghiên cứu hương vị cà phê… có mà xách dép chạy theo ba cũng hông kịp luôn.

Ông Đại quay sang nhìn con, lại thở dài thật mạnh, cố ý cho Lâm nghe thấy.

- Phải mà mang cái mỏ dẻo quẹo này đi kiếm người yêu thì tốt rồi. Hơn ba mươi tuổi rồi mà ế… Ta nói… ế nhệ luôn. Kiểu này… hổng biết tui có kịp thấy nó cưới vợ không chớ đừng nói tới được nhìn mặt cháu nội.

- Đâu. Con mới tròn ba mươi được mấy bữa à.

- Hồi ba bằng con là ba sinh được hai anh em con rồi đó. Ai như con, ế.

Lâm nghiêng mặt nhìn lên trời, đưa tay hất tóc mái ra sau.

- Con trai ba đẹp trai ngời ngời vầy nè, làm ăn thì giỏi dang, tính tình thì đàng hoàng, con mà sao ế được.

Ông Đại liếc con trai.

- Thôi đi. Tui đẻ được mấy người mà chứ ở đó xạo xạo. Chỉ cần có thôi là mừng muốn chết rồi chứ ở đó mà là không ế.

Ông Đại chép miệng, bắt đầu than thở về việc đi tới đâu cũng thấy mấy ông trong hội kinh doanh nội thất khoe con khoe cháu. Ngay tới cả ông Hòa sến bên kia cũng đã có cháu nội, vậy mà ông...

Khác với mọi lần là ca than không hồi kết. Lần này ông Đại chuyển sang việc trách bản thân giờ này chỉ biết ngồi ao ước đứa con trai lớn của mình dẫn người yêu về. Không cần phải là cô gái đẹp xuất sắc hay phải là ông nọ bà kia gì cả. Chỉ cần là người con ông thương thì ông đồng ý hết. Nghe tới đó, Lâm chợt sáng mắt, lén búng tay sau lưng.

- Ba. Ba nói thiệt hả? Kể cả khi người con yêu có khiếm khuyết gì cũng được hả?

- Tất nhiên. Con người thì ai mà không có khiếm khuyết.

- Ba… sẽ không phản đối…, dù là lý do gì luôn thiệt hả ba?

Thấy Lâm rào trước đón sau, ông Đại sinh nghi, quay sang nhìn con trai trân trân.

- Nói vậy giống như có bồ rồi hả?

Lâm cười ngượng gãi tai.

- Dạ. Nhưng mà con sợ ba phản đối.

-  Yên tâm. Con cứ dẫn bồ về. À không, dẫn con dâu tương lai của ba về ra mắt. Ai phản đối thì bước qua xác của ba đi.

Lâm hí hửng kể cho ba mình nghe về người yêu. Ông Đại cũng tỏ ra thích thú và dễ dãi với cô gái mà con trai ông đã chọn. Ông bắt đầu tò mò về tuổi tác, công việc, rồi tới hoàn cảnh gia đình. Thấy ba đang vui mừng vì việc mình sẽ dẫn người yêu về ra mắt, Lâm sẵn trớn nói thật người yêu mình chính là Hải Ninh, con ông Hòa bên kia bức tường.

Ông Đại sừng cồ ngay lập tức, phản đối gay gắt. Cái khoảnh khắc ông trở mặt còn nhanh hơn cái chớp mắt khiến Lâm ngỡ ngàng. Chưa biết phản ứng tiếp ra sao thì ông Đại chêm thêm câu chốt rồi đứng phắt dậy bỏ vào trong.

- Bức tường giữa hai nhà sẽ không sụp đổ, ba với ổng… không bao giờ đội trời chung.

Lâm bất lực nhìn ông Đại.

*

Bà Hải Ninh mặc váy hoa dài chấm gót, đeo kính râm to bản che hết nửa khuôn mặt, đội nón rộng vành. Bà bước đi duyên dáng vào căn phòng có bàn đặt trước ở một quán cà phê máy lạnh.

Bà Hoa, trước khi về làm vợ ông Đại thì từng là bạn cùng khoa, cùng khóa với bà Hải Ninh. Cái sự việc ông Hòa và ông Đại trở mặt nhau bà là người biết rõ hơn ai hết. Suốt hơn ba mươi năm hai ông không lúc nào ngưng mỉa mai nhau, còn cố tình mua nhà cạnh nhau để thách thức coi ai có cuộc sống hạnh phúc viên mãn hơn ai.

Bà nhiều lần khuyên can nhưng ông Đại vẫn cay cú không bỏ qua. Cách đây mấy ngày, nghe con trai nói chuyện với chồng, bà cứ thấy bứt rứt không yên. Bà muốn giúp con trai nhưng lời hứa khi xưa với bà Hải Ninh khiến bà không thể cất lời.

Nghe tin bà Hải Ninh về nước, bà Hoa một hai tức tốc đặt cuộc hẹn với bà bạn thân đã xa cách nhau nhiều năm.

Bà Hải Ninh vừa ngồi xuống ghế, chưa kịp tháo bỏ nón, kính, bà Hoa đã tíu tít bắt chuyện hỏi han. Bà Hải Ninh cười tươi rói. Tới lúc nhắc đến việc dựng vợ gả chồng cho con cái, nét mặt bà Hoa khựng lại rồi thật bụng kể hết chuyện của Lâm và con gái út nhà ông Hòa. Bà Hoa có ý xin lỗi bà Hải Ninh vì cuộc hẹn hôm nay ngoài việc muốn gặp lại bạn cũ thì còn tha thiết mong bà Hải Ninh đồng ý cho bà nói ra bí mật khi xưa khiến hai người đàn ông trở mặt.

Bà Hải Ninh trầm ngâm, nhớ về hơn ba mươi năm trước. Cái ngày bà nhận lời thách đố của nhóm bạn là cưa đổ cả hai ông rồi cho cả hai rớt đài để thỏa cái tính tiểu thư kênh kiệu của bà. Suy nghĩ giản đơn, bà không ngờ mọi việc nghiêm trọng tới vậy.

Để chấm dứt mối tình chóng vánh với ông Hòa, bà đã nài nỉ bà Hoa giữ bí mật chuyện bà tung tin nói xấu khiến ông Hòa tự ái chia tay bà và đổ hết mọi tội lỗi cho ông Đại. Bà lấy chồng, xuất ngoại rồi không quan tâm gì đến hậu quả bởi trò đùa thời nông nổi của mình.

Giờ nghe bà Hoa đề cập đến việc cần giảng hòa cho hai gia đình và quan trọng nhất là hai đứa trẻ, bà Hải Ninh cúi mặt, mím môi, ngập ngừng nói với bà Hoa.

- Bà đừng nói gì hết, để tui tự thú trực tiếp với hai ổng. Lỗi do tui mà.

*

Bà Hoa chia tay bà Hải Ninh ra về. Đứng phía ngoài bức rào ranh giới giữa hai nhà, bà nhìn giàn đậu biếc đang trổ hoa xanh ngắt, mướt rượt. Lâm đứng cạnh nghe mẹ nói.

- Bức tường chuẩn bị tháo bỏ rồi nha con trai. Còn hàng rào hoa đậu biếc thì phải để đó má lấy bông pha trà.

Trước cửa nhà ông Hòa, Hải Ninh đi ra, thấy Lâm cùng mẹ, hai bạn trẻ nhìn nhau, rung nhẹ cánh môi trao nhau nụ cười ý tứ.

Lâm đưa bàn tay lên che miệng, thì thào vào phía trong nhưng ai cũng nghe được.

- Ra giêng mình cưới nha?

TỊNH BẢO

;
;
.
.
.
.
.