HẬU PHƯƠNG CHỐNG DỊCH

Chung tay chống dịch

.

Ảnh hưởng của Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó các tiểu thương buôn bán tại chợ, các shipper (người giao hàng), grab (dịch vụ vận chuyển)… gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, họ vẫn nỗ lực thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.

Tổ Quản lý chợ Nại Hiên Đông đo thân nhiệt cho khách ra vào chợ. Ảnh: THANH TÌNH
Tổ Quản lý chợ Nại Hiên Đông đo thân nhiệt cho khách ra vào chợ. Ảnh: THANH TÌNH

Những ngày này, dạo quanh bất kỳ chợ nào trên địa bàn thành phố cũng bắt gặp hình ảnh người bán nhiều hơn người mua. Nếu như trước đây vào khoảng thời gian lúc sáng sớm hoặc khi chiều muộn, lượng khách ra vào tại các chợ đông nghịt, kín các lối đi thì nay thưa thớt hẳn. Vậy nhưng, các tiểu thương vẫn động viên, nhắc nhau thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, cùng trao đổi những câu chuyện về dịch bệnh qua những chiếc khẩu trang...

Tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch

Chúng tôi đến Tổ quản lý chợ Nại Hiên Đông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vào một buổi chiều cuối tháng 5 để nắm tình hình phòng, chống dịch tại chợ. Chỉ tay vào camera quản lý các gian hàng trong chợ, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Nại Hiên Đông Nguyễn Văn Tứ nói: “Các anh chị thấy đấy, dịch bệnh bùng phát, dù buôn bán ế ẩm nhưng tiểu thương luôn tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và giữ khoảng cách đúng quy định”.

Ông Tứ cho biết, không chỉ tuyên truyền trên loa phát thanh, việc nhắc nhở tiểu thương và người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của thành phố và Bộ Y tế luôn được nhân viên trong tổ phổ biến đến tận từng quầy hàng.

Bà Hoàng Thị Xuân, hơn 10 năm bán hàng mắm dưa tại chợ Nại Hiên Đông, bày tỏ: “Dịch bệnh đâu trừ một ai, nhất là chúng tôi hằng ngày tiếp xúc với hàng chục, hằng trăm người thì càng phải tuân thủ quy định”.

Kéo chiếc mũ chống giọt bắn lại ngay ngắn, bà Đoàn Thị Phẩm, bán hàng tôm, cá đối diện quầy hàng bà Xuân nói với lên: “Việc phòng, chống dịch được chúng tôi thực hiện nghiêm túc lắm. Chúng tôi thấy không có khách hàng nào không đeo khẩu trang, còn nếu ai đeo khẩu trang chưa đúng cách, chỉ che miệng không che mũi thì chúng tôi nhắc nhở họ đeo lại, chỉ mong những hành động nhỏ này góp phần cùng thành phố kiểm soát nhanh dịch bệnh”.

Tại chợ Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), dẫu gặp không ít khó khăn nhưng các tiểu thương luôn giữ tinh thần lạc quan với niềm tin thành phố sẽ vượt qua dịch bệnh, cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường.

Bà Trần Thị Duyên, bán bún tại chợ Hòa Xuân chia sẻ: “Khó khăn là tình hình chung. Giờ đây, không còn cách nào khác các tiểu thương phải tự bảo vệ sức khỏe bản thân mình. Mỗi tiểu thương chúng tôi luôn mang theo 2-3 cái khẩu trang dự phòng để nhỡ làm rơi, bẩn hay mồ hôi nhễ nhại thì lấy cái khác thay. Những lúc khách hàng tập trung đông ở một gian hàng thiết yếu nào đó, các tiểu thương cũng nhắc nhau và nhắc nhở khách đứng đúng khoảng cách”.

Bà Duyên cũng cho biết, mấy đợt dịch trước, bà cùng chị em tiểu thương còn tranh thủ thời gian may khẩu trang phát miễn phí cho các hộ tiểu thương khó khăn.

Từ đầu tháng năm đến nay, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều hàng quán tại các chợ phải đóng cửa; một vài hàng quán buôn bán cầm chừng; số còn lại là các mặt hàng thiết yếu như cá, thịt, rau củ quả vẫn thi thoảng có người mua. Tại các chợ trên địa bàn thành phố, các lối dẫn vào và ra chợ đều treo biển “Thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19”.

Phía bên ngoài cổng chợ, lực lượng của các hội, đoàn thể luôn trực chốt chặn đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Bên trong chợ, các tổ quản lý chợ cũng kê sẵn bàn đựng nước sát khuẩn.

Bà Phan Thị Thương, bán hàng gia vị tại chợ Đống Đa, nay chỉ buôn bán cầm chừng, có ngày bán được, có ngày không. Song, bà Thương cùng các tiểu thương tại chợ Đống Đa cho rằng, sức khỏe của mình và gia đình mới là quan trọng, nên công tác phòng dịch luôn được thực hiện nghiêm ngặt.

Giúp nhau vượt khó

Khi dịch bệnh xảy ra, các shipper, grab cũng rơi vào cảnh khó khăn không kém, nhất là từ ngày 17-5 đến 28-5, thành phố yêu cầu các tài xế taxi, grab, shipper tạm dừng hoạt động để khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Anh Trần Văn Long (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) chạy grabcar được 3 năm cho biết: “Những năm trước không có dịch, mỗi ngày tôi nhận 5-7 cuốc xe, nay dịch có ngày 2 cuốc, có ngày không. Vợ mới sinh con nhỏ, thu nhập của cả gia đình nhờ vào việc chạy grab, nhưng thà nghỉ làm vài ngày để xét nghiệm theo quy định của thành phố, còn hơn đi làm trong tình trạng nơm nớp âu lo. Nay được chạy xe trở lại, tôi luôn tự nhắc mình phải tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch”.

Với chị Ngô Thị Thành (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), làm nghề shipper hơn 7 năm, khó khăn chỉ mang tính nhất thời trong lúc xảy ra dịch bệnh, điều quan trọng hơn cả là phải chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch.

“Tôi thuộc hộ cận nghèo, gia đình khó khăn, chồng mất, một mình tôi nuôi 2 con ăn học nên cuộc sống rất vất vả. Khi có tổ chức nào trao quà, cơ quan cũng dành 1 suất cho tôi. Khi tôi đi làm, bị đau ốm giữa chừng, các đồng nghiệp cũng đi giao hàng giúp. Không những thế, bên cạnh những người khách khó tính, kỳ thị shipper trong mùa dịch, tôi cũng nhận được nhiều lời động viên của khách hàng. Nhiều khách hàng thấy tôi giao hàng giữa trưa nắng nóng, không ngại biếu tôi ly nước mát hay cho gói bánh ăn tạm. Những lúc đó, tôi cảm động vô cùng, cảm thấy như mình được san sẻ bớt những khó khăn”, chị Thành bày tỏ.

Nhiều ngày qua thành phố không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy sự đồng lòng, đồng thuận của chính quyền và người dân. Hơn ai hết, những người lao động như bà Xuân, bà Duyên, bà Thương, hay anh Long, chị Thành rất mong mỏi dịch bệnh sẽ qua mau để khó khăn vơi đi, nỗi to loan cơm áo cũng sẽ nhẹ gánh hơn.

Anh Long chia sẻ: “Chỉ cần mỗi người tuân thủ quy định phòng, chống dịch, thực hiện 5K, thì sẽ chung tay đưa cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường”.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.