Người đàn bà thợ xây

.

...“Những người đàn bà không thơm mùi nước hoa
Những thân hình chưa từng phủ lụa là
Chẳng dám khóc cho nỗi nhớ con thơ và nỗi nhớ nhà
Trong những chiều khói bếp thành thị cay xè
Cay xè con mắt”... (*)

Làn khói mỏng ngoằn ngoèo bay lên từ phía cái lán dựng tạm ở công trình xây dựng trong nhá nhem trời chiều. Người đàn bà lúi húi gom tém ít lá khô, giấy báo vụn và mấy vụn gỗ thừa, miệng thổi vào ống tre dùng làm ống thổi lửa. Chẳng mấy chốc ngọn lửa đã liếm sang những thanh gỗ nhiều kích cỡ được tận dụng làm củi thải ra từ công trình.

Chị đang chuẩn bị bữa cơm chiều cho nhóm thợ xây.

Tốp thợ có bảy người, ngoài vợ chồng chị còn có năm người đàn ông khác, cùng quê, cùng làm thợ xây theo công trình đi khắp nơi. Với những công trình có địa điểm rộng, họ xin chủ cho dựng lán trại ở lại công trình, vừa tiết kiệm tiền thuê chỗ ở, vừa dọn dẹp và bảo vệ tài sản cho công trình. Thường thì chủ thấy hợp lý nên cũng cho phép họ được dựng lán để ở trong thời gian thi công.
Cái lán tạm dựng từ đủ thứ loại vật liệu: gỗ, ván, tôn, bạt..., đầu thừa đuôi thẹo được tận dụng từ chính công trình hoặc đi xin ở đâu đó. Tuy vậy, dưới những bàn tay khéo léo thạo việc, khi dựng xong trông cũng tươm tất lắm. Cái lán có hai gian, một gian nhỏ cho vợ chồng chị, gian lớn hơn là chỗ của năm người đàn ông kia. Gần đó, họ cũng dựng thêm một cái chòi nhỏ làm chỗ nấu ăn, và đây là “giang sơn” riêng của chị.

Sáu người đàn ông là thợ chính, đảm nhận hầu như toàn bộ công việc xây dựng. Chị là “phụ hồ”, làm tất tần tật việc của “thợ phụ”: trộn vữa, chuyển gạch, vữa cho thợ chính, dọn vữa rơi vãi, chuẩn bị nước uống, dọn vệ sinh công trình vào cuối ngày, giặt giũ và chuẩn bị cơm nước ngày ba buổi cho cả nhóm, thậm chí thỉnh thoảng còn làm mồi nhậu cho đám đàn ông. Việc nặng như thế nhưng do chị là “thợ phụ” nên tiền công ít hơn thợ chính. Được cái thấy chị siêng năng, dọn dẹp gọn gàng công trình nên cuối tuần chủ thưởng riêng cho chị ít tiền, còn cho phép chị gom mấy thứ hư hỏng, dư thừa như đinh, sắt vụn, đồ nhựa, vỏ bao xi-măng... để bán kiếm thêm.

Mỗi sáng, khi những người thợ còn đang chìm trong giấc ngủ thì vợ chồng chị đã đèo nhau đi chợ đầu mối mua thực phẩm cho cả nhóm. Có khi một mình chị đạp nổ chiếc xe máy cà tàng để đi chợ, rồi khệ nệ thồ cả mớ thực phẩm về lại lán. Ngày mới bắt đầu bằng bữa sáng chị chuẩn bị cho cả nhóm. Rồi sau đó, trong khi đám đàn ông ngồi uống cà phê, hút thuốc, chị lại tất bật rửa chén, xong lại soạn dụng cụ cho một ngày làm việc.

***

Nhà tôi ở gần công trình xây dựng nên thỉnh thoảng thấy chị chạy qua, lúc thì xin quả ớt, lúc thì ít mắm, trái chanh, cây sả... Có những buổi tối, lúc tôi và dì Tư ngồi chơi dưới tán cây sao đen trước nhà, chị cũng ghé qua ngồi nói chuyện phiếm, trong lúc những người đàn ông thợ xây đang bày cuộc nhậu trong lán.

Quê chị là một vùng núi nghèo của Quảng Nam, đất đai cằn cỗi, lúa một năm làm được một vụ, rau màu chủ yếu là bắp. Do đó, người trong làng hầu như “thoát ly” kiếm việc làm nơi khác, phổ biến là làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc làm thợ xây. Nhóm của chị đều là những người bà con trong họ, liên kết lại rồi nhận công trình xây dựng khắp nơi. Có những công trình đất rộng, chủ cho phép dựng lán, nhưng có những công trình không có chỗ dựng lán, họ phải đi thuê một phòng trọ gần đó để ở. Cả bảy người nhét chung vào một phòng trọ, đương nhiên là cũng xoay xở để vợ chồng chị có một góc riêng.
Đi theo công trình, hai vợ chồng chị đành phải gửi hai đứa con lại cho ông bà nội. Nếu công trình ở gần thì cuối tuần hoặc hai tuần một lần, hai vợ chồng chị lại về thăm nhà, gửi tiền cho ông bà để lo cho các cháu. Công trình ở xa thì cả tháng hoặc hai tháng mới về một lần.

- Mấy đứa nhỏ nhà con ngoan lắm đó dì Tư, anh Ca. Mới lớp ba, lớp năm thôi mà cũng rất hiểu chuyện, không đòi ba mẹ như những đứa khác, tụi hắn nấu cơm được mới siêu chớ! Mà ở chỗ con toàn nấu củi không hà. Mỗi lần vợ chồng con về thấy rứa cũng mừng, cầu trời khấn Phật cho tụi con có sức khỏe, làm ăn dành dụm được ít vốn để lo cho tụi hắn chớ ri cực quá!

Chị kể về hai đứa con mà ánh mắt loáng nước! Tôi vội lái chuyện:

- Ở gần mình có cái chợ, giá cả cũng phải chăng, răng chị không đi cho gần mà phải chạy tút chợ đầu mối xa lắc rứa?

- Tiết kiệm được đồng mô hay đồng nớ chớ anh. Anh tính coi, chợ gần mình bó rau muống bảy nghìn, bó rau ngót mười nghìn, ký cải ngọt hăm hai nghìn, ký ớt hai đến ba chục, thịt heo thì trăm tư, thịt bò hai trăm tư một ký... Gạo thì về quê đem ra. Chợ đầu mối rẻ hơn, có món rẻ gấp rưỡi đó anh. Mua cho bảy con người ta ăn nên phải tính chi li lắm.

Biết hoàn cảnh của chị, thỉnh thoảng tôi gom góp quần áo cũ, giặt sạch sẽ rồi gửi biếu chị. Mỗi lần chị về quê, tôi mua ít bánh, kẹo gọi là gửi về cho các cháu ở nhà. Ngược lại, khi về quê ra, chị đều mang biếu dì Tư và tôi ít quà quê, khi thì trái mít, lúc chục bắp hoặc vài trái thơm...

Một buổi sáng sớm, chị sấp ngửa chạy qua nhà tôi, mắt ngấn nước đỏ hoe, vừa khóc vừa nói:

- Sáng ni hai vợ chồng đi chợ sớm, không may tông vô chiếc xe hơi đang đậu bên đường, làm trầy sơn với bể đèn xe của họ. Chừ Công an đang giữ xe và lập biên bản. Biết anh quen nhiều, có chi nhờ anh tìm cách nói với chủ xe để vợ chồng em từ từ đền cho họ, chớ đền liền một lần không có tiền, anh ơi...

- Ui chà, răng mà xui ghê rứa? Thôi chị bình tĩnh, để tui coi thử...

Liên hệ với Công an phường, biết chủ xe hóa ra là đối tác làm ăn với tôi. Tôi hẹn gặp rồi nói chuyện của chị. Anh bạn trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Được rồi, anh khỏi lo, để đó tôi tính...

Mấy ngày sau, chị chạy qua, mặt rạng rỡ:

- Ui choa, lạy trời lạy Phật! Dì Tư với anh Ca biết không, cái ông chủ xe mà vợ chồng con tông bể đèn trầy sơn đó, ổng không bắt đền chi hết trơn, rứa mà còn mua tặng vợ chồng con chiếc xe máy mới nữa chớ! Người chi mà phúc đức dễ sợ! Lạy trời lạy Phật cho ổng mạnh khỏe, sống lâu, gia đình hạnh phúc...

Nhìn niềm vui, vẻ hạnh phúc đang toát ra từ những lời nói, điệu bộ của chị, tôi cảm thấy vui lây và càng cảm phục cách xử lý của anh bạn mình. Sau vẻ ngoài sang trọng, dạn dày của một doanh nhân thành đạt là cả tấm lòng, một trái tim thương người vô bờ bến.

***

- Dì Tư, anh Ca ơi! Bữa ni con qua chào tạm biệt dì, tạm biệt anh, mai con về quê. Ông nội mấy đứa nhỏ té gãy chân nên mình bà nội lo không nổi cho cả ông lẫn sắp nhỏ...

- Chà gay hè! Rứa anh có về với chị không? - Tôi hỏi.

- Dạ không, mình em về thôi. Ổng phải ở lại làm kiếm tiền chớ cả hai vợ chồng cùng về hết rồi lấy chi ăn.
Chị quay sang kể với dì Tư:

- Con tính ri, sẵn có chút vốn dành dụm được với cái xe máy mới, con sẽ chạy chợ dưới xuôi, mua ít hàng tươi rồi chạy lên vùng núi bán lại cho bà con. Nhiều vùng miền núi muốn đi chợ thì xa lắm, chừ mình đem hàng đến tận nơi bán thì tiện cho bà con, với lại mình cũng kiếm được ít lời...
Tôi vào nhà, bỏ ít tiền vào phong bì, rồi cầm thêm hộp bánh đưa cho chị:

- Có ít quà gửi chị, của ít lòng nhiều mong chị nhận. Thỉnh thoảng có dịp ghé lại chơi với dì Tư và tôi nhé.

Nhìn dáng chị tất tả đi chào bà con trong xóm, tôi chạnh lòng suy nghĩ vẩn vơ: phụ nữ muôn đời vẫn thế, hy sinh tất cả vì chồng, vì con, vì gia đình mình, chấp nhận mọi sự khó khăn vất vả, thua thiệt chỉ với mục đích cao cả cuối cùng là tương lai của các con.
Cảm phục chị, người đàn bà thợ xây!

MÃ SIM

------------------
(*) Thơ La Mai Thi Gia.

;
;
.
.
.
.
.