Pulitzer 2021-giải thưởng truyền cảm hứng

.

Các nhà báo làm việc tự do (freelancer) hiếm khi đoạt giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer của Mỹ. Nhưng mùa giải năm 2021 là một dấu mốc lớn khi có 2 nhà báo freelancer cùng giành được vinh dự này.

Nhiều người di cư lên thuyền đến Capurganá, Colombia. Hình ảnh trong bài “When can we really rest?” của nữ ký giả tự do Nadja Drost đăng trên báo California Sunday đoạt giải Pulitzer hạng mục Feature Writing (Bài viết đặc sắc). Ảnh: California Sunday
Nhiều người di cư lên thuyền đến Capurganá, Colombia. Hình ảnh trong bài “When can we really rest?” của nữ ký giả tự do Nadja Drost đăng trên báo California Sunday đoạt giải Pulitzer hạng mục Feature Writing (Bài viết đặc sắc). Ảnh: California Sunday

Hội đồng xét giải Pulitzer mỗi năm thẩm định hơn 2.500 bài báo được đề cử cho 14 hạng mục giải thưởng, chọn ra 21 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao giải.

“Dũng cảm và hấp dẫn”

Giải Pulitzer năm nay được trao cho hai nhà báo freelancer Nadja Drost và Mitchell S. Jackson, lần lượt viết cho tạp chí California Sunday Runner’s World. Cả hai đều đoạt giải Pulitzer ở hạng mục Feature Writing (Bài viết đặc sắc). Các hạng mục khác cũng có 2 nhà báo freelancer lọt vào chung khảo.

Nữ ký giả Nadja Drost là người Canada, sống và làm việc tại thành phố New York, bang New York (Mỹ). Cô đã ăn, ở và làm việc suốt 5 ngày tại một khu vực kém phát triển trong vùng rừng nhiệt đới và đầm lầy tại biên giới Colombia - Panama để thấu hiểu hơn về cuộc sống của các di dân tìm đường tới Mỹ. Drost phỏng vấn những người di cư đã vượt qua một hành trình nguy hiểm. Cô cũng đi cùng một nhóm di dân như thế băng qua biên giới.

Chính từ những chất liệu đó, Ban giám khảo giải Pulitzer mô tả câu chuyện được Drost mang tới người đọc có tựa đề “Khi nào chúng ta có thể thực sự nghỉ ngơi?” (nguyên văn: When can we really rest?) là “dũng cảm và hấp dẫn”. “Người ta rất dễ quên chuyện cuộc sống của mọi người đang bị ảnh hưởng như thế nào bởi các chính sách và những thách thức đặc biệt cũng như những điều dễ tổn thương mà nhiều người đang gặp phải trong khi cố tìm đường tị nạn tại Mỹ”, nhà báo Drost chia sẻ với trang web của Viện Báo chí Poynter.

Trong khi đó, nam ký giả Jackson đoạt giải Pulitzer với bài “Mười hai phút và một cuộc đời” (Twelve minutes and a life) kể về cái chết của Ahmaud Arbery. Trong bài báo, người viết - nhà báo freelancer và cũng là vận động viên da màu - chia sẻ cái nhìn sâu sắc về cái chết của Ahmaud Arbery - người da màu đã bị các cảnh sát da trắng có vũ trang truy đuổi và bắn chết trong lúc đang chạy ở quận Glynn, bang Georgia hồi năm ngoái.

Hai nhà báo freelancer khác là Marty Two Bulls Sr. và Joshua Irwandi cũng lần lượt lọt vào chung khảo Pulitzer năm nay thuộc các hạng mục Editorial Cartoons (Tranh biếm bình luận) và Breaking News Photography (Ảnh tin nóng).

Giải thưởng hiếm hoi dành cho nhà báo freelancer

Các nhà báo freelancer được quyền tham dự giải Pulitzer, miễn là tác phẩm đó đã được một tổ chức tin tức chính thống xuất bản. Dù vậy, rất hiếm trường hợp một nhà báo freelancer lọt vào chung khảo, chưa nói tới việc đoạt giải. Trong những năm qua, theo thống kê của Viện Báo chí Poynter, hầu hết các nhà báo freelancer chỉ được xướng tên trong danh sách vào chung khảo, hoặc một số người đoạt giải chỉ ở hai hạng mục ảnh hoặc biếm họa bình luận.

Từ năm 2017-2020, có 6 nhà báo freelancer đoạt giải Pulitzer, trong đó có các phóng viên Emily Green và Rachel Kaadzi Ghansah, cây bút bình luận Jake Halpern, họa sĩ biếm Michael Sloan và phóng viên ảnh Daniel Berehulak. Ngoài ra, có 12 nhà báo freelancer khác lọt vào chung khảo.

Trước năm 2014, số nhà báo freelancer đoạt giải Pulitzer còn hiếm hơn nữa. Năm 2013, ông Javier Manzano trở thành phóng viên ảnh freelancer đầu tiên đoạt giải trong 17 năm. Năm 1996, hai nhà báo freelancer khác là Stephanie Welsh và Charles Porter IV lần lượt đoạt Pulitzer ở các hạng mục Feature Photography (Ảnh vấn đề sự kiện) và Spot Photography (Ảnh tin tức).

Thực tế, đa số các nhà báo dự giải Pulitzer đều là những người đang làm việc tại các tổ chức tin tức chuyên nghiệp vì các tổ chức này có thể cung cấp ngân sách để phóng viên thực hiện các tuyến bài lớn. Chưa kể phí dự thi Pulitzer mỗi tác phẩm là 75 USD. “Các báo không có khoản tiền này cho các nhà báo freelancer”, nữ ký giả Drost chia sẻ. Lý do là không tổ chức tin tức nào tin tưởng và hỗ trợ nguồn tài chính lớn cho một nhà báo freelancer thực hiện tuyến bài lớn. Vì vậy, để có tiền cho các dự án báo chí cá nhân, chị Drost đã nộp đơn xin tài trợ từ các quỹ và học bổng báo chí.

Thành tựu của các nhà báo freelancer trong mùa giải Pulitzer năm nay truyền cảm hứng cho nhiều người trong giới báo chí, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động tác nghiệp.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Poynter, California Sunday)

;
;
.
.
.
.
.