Sức hút của Miền tháp cổ

.

Sự thu hút của Miền tháp cổ (NXB Đà Nẵng, Tao Đàn Thư Quán, 2021) không phải vì đó là một nghiên cứu chuyên sâu về kết cấu đền tháp, nghệ thuật điêu khắc Champa, những hiện vật khảo cổ, tín ngưỡng tôn giáo xưa hay lịch sử Champa, mà vì những dấu tích thân quen hiện hữu trong cuộc sống đương đại được kể dung dị nhưng gợi những cảm xúc bất ngờ.

Mở đầu tập sách là bài khái quát về tình hình vùng đất Quảng Nam thế kỷ 14-15, cung cấp thông tin về vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ ghi tên suông” như nhắc rằng, hơn 1,5 thế kỷ sau khi Huyền Trần về Chiêm quốc, nơi đây vẫn chưa thuộc hẳn về Đại Việt. Đây cũng là khoảng thời gian đệm đủ để sinh ra một lớp sương mờ phủ lên những câu chuyện về nguồn gốc dòng tộc, về địa danh và các tập tục trong đời sống người dân xứ Quảng.

Đi trong lớp sương mờ ấy, tác giả Vũ Hùng lần tìm câu trả lời cho nguồn gốc những địa danh Câu Đê, Cu Đê, Thanh Chiêm, Câu Chiêm, Trà Na, Trà Kiệu… và thấy ở đó bóng dáng của xứ Chiêm Thành, Champa xa xưa. Không những tên gọi một xứ đất, mà tên gọi các dòng tộc cũng in đậm dấu vết kế thừa của một truyền thống xưng hô, có thể đã bắt đầu từ thời kỳ tiếp xúc giữa các nhóm ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo ở dải đất ven biển miền Trung. Từ các tên dòng họ lớn như Phạm, Phan, đến những danh xưng bình dân như xứ đất Bà Thân ở bờ đông sông Hàn đều có thể là những sự phái sinh, chuyển đổi cách đọc của một từ cổ, vốn là từ xưng hô dành cho người tôn kính trong văn hóa Champa.

Tác giả dẫn dắt người đọc từ những ghi chép trong địa bạ về các “man sách” lần tìm về những làng quê hẻo lánh; đến đó nói chuyện với những người già, xem những lòng giếng cổ và nhận ra dòng chảy liên tục của một họ Chế, họ Ma, họ Trà vốn từng có những nhân vật lẫy lừng trong lịch sử. Một liên kết lý thú được tác giả nêu ra về khả năng một con đường ngoằn ngoèo của những vị tổ tiên tộc Ông từ đất Chiêm Thành đi ra đồng bằng Bắc Bộ rồi trở về khai canh, khai cư tại một xứ đất ở đầu nguồn sông Hàn, xóm Phong Tây của làng cổ Phong Lệ, nơi hiện nay đã phát hiện dấu vết nền móng đền tháp Champa thế kỷ 10-12. Những chi tiết đã mòn mờ bởi thời gian, như trường hợp chữ Cố Việt hay Việt Cố được diễn giải thành Đại Cồ Việt trên một bia mộ trùng tu; cách nối kết chuyện xưa, chuyện nay, giữa truyền khẩu và tư liệu lịch sử trong gia phả, thần tích, bài vị tại các nhà thờ tộc họ khá bất ngờ, cho thấy những khúc xạ thú vị giữa văn chương bác học và bình dân.

Qua Miền tháp cổ, người đọc có thể tiếp tục có những suy nghĩ riêng về những điều tác giả chưa nói hết; có thể đó là những bâng khuâng trước dâu bể trong cuộc đời, về những thành trì, đền tháp một thời uy nghiêm, tráng lệ nay chỉ còn cỏ mọc, rêu phong; có thể là những suy tưởng về nguồn gốc tổ tiên, về những người anh em trải qua bao đời hòa trộn huyết thống...

Miền tháp cổ khép lại, nhưng mở ra một miền suy tưởng mênh mông, đó chính là hứng thú khi đọc cuốn sách này của Vũ Hùng.

VÕ VĂN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.