Thập nhị thời thần và 12 con giáp

.

* Con giáp là gì? Vì sao dân gian gọi “Thập nhị thời thần” trong sách xưa là 12 con giáp? (Lê Ngọc Thành, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

- Con giáp là một lối nói của phương ngữ Nam Bộ chỉ chu kỳ 12 năm âm lịch theo thứ tự Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi (tương ứng với Chuột, Trâu, Hổ, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn). Từ đó, dân gian có câu “12 con giáp không giống con nào cả”.

Vậy tại sao gọi là con giáp? Tác giả Nguyễn Thanh Điệp trong bài “12 con giáp của người Việt có gì đặc biệt?” trên Zing (zingnews.vn) cho biết, ngày xưa đã theo thứ tự trước sau của một thập can và thập chi mà chi phối hợp với can và các chi với nhau sao cho được một chu kỳ gồm 60 đơn vị, bắt đầu từ Giáp Tý cho đến Quý Hợi, trong đó mỗi đơn vị được gọi bằng một tên kép gồm có một tên can và một tên chi. Chu kỳ này được trình bày thành 1 bảng 60 ô, bảng này được gọi là Hoa giáp.

Trong phương ngữ Bắc Bộ, Hoa giáp được gọi tắt thành giáp. Giáp thoạt đầu vẫn được hiểu là một chu kỳ 60 năm, về sau được linh động hiểu thành chu kỳ 12 năm như hiện nay.

Theo bài đã dẫn, tuy cùng một cách chuyển nghĩa như trên nhưng trong phương ngữ Nam Bộ thì Hoa giáp thường trở thành con giáp vì hai lý do. Thứ nhất, người ta vẫn bị ám ảnh với các con vật tượng trưng cho mỗi chi khi nói đến hoa giáp. Thứ hai, tiếng “con” vừa có tác dụng nhắc nhớ đến các con vật như đã nói ở trên, lại vừa đồng âm với con là một từ chỉ chu kỳ như trong từ con nước, con trăng… mà Hoa giáp rõ ràng là một chu kỳ. Vì hai lý do đó mà con đã thay thế cho hoa.

Trong khi dân gian gọi 12 con giáp thì sách xưa thường dùng cụm từ “Thập nhị thời thần” để chỉ 12 vị thần (cai quản) thời gian. Một số tài liệu dẫn từ sách “Trung Quốc cổ đại đích kế thời pháp” (中国古代的计时法 - Cách tính giờ của người Trung Quốc cổ đại) cho rằng cách gọi này (Thập nhị thời thần) đã được sử dụng từ thời Tây Chu (1045-771 TCN). Đời Hán đặt tên 12 thời khắc này là dạ bán, kê minh, bình đán, nhật xuất, thực thời, ngung trung, nhật trung, nhật điệt, bô thời, nhật nhập, hoàng hôn, nhân định. Lại lấy dạ bán (từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau) làm giờ Tý, kê minh (từ 1 giờ đến 3 giờ) làm giờ Sửu, bình đán (từ 3 giờ đến 5 giờ) làm giờ Dần, và cứ như thế tiếp tục tính...

Ở Việt Nam, “Thập nhị thời thần” là tên một bài thơ Đường do nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881-1968) người Thừa Thiên Huế sáng tác, nói về 12 con giáp nhưng không kêu tên mà chỉ dùng tục ngữ để ám chỉ, được nhà thơ Quách Tấn giới thiệu trong tập “Hương vườn cũ” (NXB Hội Nhà văn, 2007) như sau:

Tha ra cắp lấy bộ loay hoay/ Đào lỗ không nên tiếng cả bầy/ Lạc ngõ theo đuôi đâu ngoại bức/ Cả gan bóp dái chẳng gờn tay/ Cám treo nhịn đói nhăn răng chịu/ Cối vẫn ăn no, ỉa miễu đầy/ Cá gáy hóa ra chi có cánh/ Mùng năm len lét trốn đi ngay.

Câu 1: “Chó tha ra, mèo cắp lấy” (Tuất, Mão). Câu 2: “Chuột bầy đào không nên lỗ” (Tý). Câu 3: “Lạc đàn theo chó, lạc ngõ theo trâu” (Sửu). Câu 4: “Cả gan bóp dái ngựa” (Ngọ). Câu 5: “Cám treo heo nhịn” (Hợi); “Chết nhăn răng khỉ” (Thân). Câu 6: “Gà què ăn quẩn cối xay” (Dậu); “Nuôi dê ỉa đầy miễu” (Thân). Câu 7: “Cá gáy hóa rồng” (Thìn); “Hùm mọc cánh” (Dần). Câu 8: “Len lét rắn mồng 5” (Tỵ).

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích