Bạn sinh ra để sống

.

“Vào cuối đời, điều thực sự quan trọng không phải là những gì bạn đang sở hữu mà là những gì bạn đã cống hiến, không phải những gì bạn nhận được mà là những gì bạn chia sẻ, không phải năng lực của bạn mà là tính cách của bạn và không phải là thành công của bạn mà là ý nghĩa của bạn dành cho cuộc sống. Sống một cuộc sống tràn ngập tình yêu thương với thế giới”. Những câu viết chiêm nghiệm về cuộc sống của tác giả Nguyễn Văn Phú, học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 - Trường Đại học Nguyễn Huệ ở những trang cuối tác phẩm Bạn sinh ra để sống (NXB Thanh Niên, 2021), và là bệnh nhân ung thư xương khiến người đọc rưng rưng nước mắt. Có lẽ khi đối diện giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, chàng trai này đã học cách cho đi và yêu thương nhiều hơn để vượt qua những tháng ngày gian khó của bệnh tật.

Hai mươi tuổi, khi đang là học viên năm thứ ba của Trường Sĩ quan Lục quân 2, Phú được bác sĩ chuẩn đoán mắc ung thư xương. Đã có lúc Phú gục ngã, muốn buông xuôi tất cả, nhưng vào một buổi sáng đẹp trời, khi tản bộ trong khuôn viên bệnh viện, nghe tiếng chim họa mi hót, trong lòng chàng trai gầy gò, ốm yếu, đầu không còn tóc, lại trào dâng một niềm vui kỳ lạ. Tiếng hót của chú chim họa mi đã xua tan những chuỗi ngày buồn miên man, những tháng ngày trôi qua lãng phí vì bệnh tật, để Phú bắt đầu hành trình tìm lại chính mình, vượt qua nỗi sợ hãi mà mở lòng đón nhận tình yêu thương.

Lời văn giản dị, chân chất, mộc mạc cùng với những câu chuyện kể về hành trình 2 năm chữa bệnh khiến người đọc vô cùng cảm phục không chỉ ở sự dũng cảm vượt lên bệnh tật mà còn ở tấm lòng rộng mở, bao dung với cuộc đời của chàng trai trẻ. Trải qua 3 lần đục xương, gần 40 lần hóa trị, xạ trị chỉ mong giữ được hình hài đôi chân, Phú đón nhận căn bệnh ung thư với thái độ không sợ hãi, không nghĩ mình sẽ chết vì tình yêu đang chảy trong chàng sĩ quan tương lai này có khả năng miễn dịch với mọi tế bào ung thư.

Ở nhiều trang viết, bằng tình cảm chân thành và lối diễn đạt tự nhiên, Phú đã phác họa giá trị nhân văn cao đẹp của tình yêu thương. Đó là tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt, gắn bó, đồng hành kể cả khi bệnh tật, già nua; là hình ảnh người con sẵn sàng đánh đổi tất cả chỉ mong mẹ cha được sống thêm một ngày; là tình đoàn kết như người một nhà của các bệnh nhân ung thư để chiến thắng bệnh tật.

Đó còn là tình thương của cha mẹ - người cha làm nghề phụ hồ và người mẹ không biết chữ nhưng dành cả thanh xuân vất vả nuôi Phú khôn lớn. Tình yêu thương đó chính là sự hy sinh, là lòng vị tha, bao dung, san sẻ - là thứ tình cảm tự nhiên có sẵn trong mỗi người, để đến khi gặp nhau trong hoàn cảnh chung, nó như sợi dây vô hình gắn kết mọi người xích lại gần nhau hơn.

Bạn sinh ra để sống không chỉ viết ra dành riêng cho bệnh nhân ung thư mà dành cho tất cả mọi người với lời nhắn nhủ: “Hãy sống vì những điều tốt đẹp. Ung thư không phải dấu chấm hết cho cuộc đời. Nó rút ngắn thời gian để bạn không hoang phí mọi phút giây, mọi hơi thở”.

HOÀNG HÂN

;
;
.
.
.
.
.