Cây Ươi

.

* Những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông nói nhiều đến cây ươi, trái ươi. Loại trái cây rừng này có giá trị như thế nào và có thể ươm trồng được không? (Trần Thị Mỹ Dung, quận Hải Châu, Đà Nẵng)

- Theo giới thiệu của Công ty CP Siêu Thị Thảo Dược (tại địa chỉ vuonthuocquy.vn), cây Ươi còn gọi là cây Lười ươi, Đười ươi, cây Thạch. Trái Ươi gồm 2 phần, phần nhân chiếm khoảng 35% và phần vỏ chiếm khoảng 65%. Trong nhân có chất béo, tinh bột và chất đắng. Trong vỏ có khoảng 1% chất béo, 59% bassorin, chất nhầy và tamin. Phần đường trong hạt gồm chủ yếu galactoza, pentoza và arabinoza.

Vào tháng 4-5 hằng năm, người ta thu hoạch trái Ươi, phơi hay sấy khô. Hạt hình trứng dài 2,5 - 3,5cm, rộng 1,2 - 2,5cm, màu nâu đỏ nhạt, trên mặt nhăn nheo, nổi trên nước, nhưng khi ngâm với nước thì sau một thời gian nở rất to, gấp 8-10 lần thể tích của hạt, thành một chất nhầy màu nâu nhạt, vị hơi chát, mát, nên châu Âu gọi là Hạt nở. Hạt được khai thác để dùng tại chỗ và xuất khẩu.

Trái Ươi khô. Ảnh: V.T.L
Trái Ươi khô. Ảnh: V.T.L

Theo Công ty Cây Xanh Việt Nam (congtycayxanh.vn), cây Ươi có tên khoa học là Scaphium macropodum, phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ươi là cây kinh tế trọng điểm của Lào. Tại Việt Nam, Ươi được trồng nhiều tại miền Trung và Tây Nguyên, chủ yếu là mọc trong rừng. Ở Quảng Nam, trái Ươi cùng với phong lan, nấm được coi là “lộc rừng” tại nhiều huyện vùng cao của tỉnh.

Ươi là cây thân gỗ to, có chiều cao 25-30m. Gỗ mềm, dễ gãy đổ. Cây có tán rộng, nhiều cành. Khi non thì cành có lông màu hung, khi già thì cành nhẵn. Lá to, thường có 3 thùy, mọc tập trung ở đầu cành. Cây Ươi 10 năm tuổi mới cho quả với chu kỳ 4 năm/lần.

Về giá trị của trái Ươi, trang caythuoc.vn (Cẩm nang Cây thuốc quý online) cho biết, trái Ươi có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi yếu hầu, thanh trường thông tiện, giải độc. Hạt Ươi được dùng điều trị các bệnh nhiệt như: nóng nhiệt gây chảy máu cam ở trẻ nhỏ, táo bón do nhiệt; điều trị nóng chưng sốt âm, ho khan, đau họng, nhức răng, đau mắt đỏ, lao thương thổ huyết, máu nóng mụn lở, chảy máu cam; đặc biệt là đặc trị bệnh gai cột sống, đau xương khớp, nhức mỏi. Ngoài ra, trái Ươi còn là bài thuốc trị bệnh cao huyết áp, trị bệnh về đường tiêu hóa, trị tiểu buốt, viêm đường tiết niệu, tiểu đường. Trái Ươi còn hỗ trợ làm đẹp da, giúp da trắng mịn hồng hào.

Cây Ươi có thể ươm trồng, nhân giống từ hạt hoặc chiết cành. Công ty Cây Xanh Việt Nam khuyên nên trồng cây Ươi vào mùa mưa. Cây ưa ẩm nên cần tưới nước cho cây thường xuyên, thích hợp với đất mùn ẩm, nhiều chất dinh dưỡng. Nên trồng cây ở nơi có nhiều ánh sáng và nhiệt độ cao để cây cho năng suất cao hơn. Nhiệt độ thấp làm rụng hoa và quả. Nên ức chế chiều cao của cây khoảng 5m để dễ thu hoạch.

Điều thú vị là theo vuonthuocquy.vn, cây Ươi còn có một số tên gọi khác như: Bàng đại hải, An nam tử (sách Cương mục Thập di), Hồ đại hải (Tục danh), Đại hải tử (Trung Quốc Dược học Đại từ điển).

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích